Kinh tế 2013 có “lóe sáng”?
Kinh tế Việt Nam 2013 có thể có những điểm “lóe sáng” nhưng nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng: gánh nặng từ các DN phá sản quá cao, bây giờ có “bơm, thổi” để tỉnh dậy cũng không dễ.
Trao đổi với phóng viên kinh tế những ngày đầu năm 2013, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận định, kinh tế Việt Nam 2013 sẽ khởi sắc đôi chút nhưng không thể trông đợi sự bật dậy mạnh mẽ.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, kinh tế 2013 sẽ có thể có những điểm "lóe sáng" (ảnh minh họa)
Ông dự đoán kinh tế 2013 sẽ như thế nào?
Kinh tế 2013 cũng có thể lóe ra một vài ánh sáng. Tôi nói như vậy vì những biện pháp của Chính phủ tôi chưa được nghe hết nhưng cũng được nghe thoáng thì thấy như thế, nhưng triển khai được chắc cũng phải mất nhiều tháng.
Vì vậy trong giữa năm hoặc cuối năm những nhóm giải pháp đó có thể phát huy tác dụng và làm nền kinh tế khởi sắc.
Dù vậy cũng không thể trông đợi bật dậy mạnh mẽ vì nhiều lý do. Thứ nhất những hậu quả đèo bòng từ năm 2012 nặng quá, không thể xử lý ngay được. Nợ xấu bây giờ mới chỉ đang có các dự án để trình thôi chứ chưa biết triển khai thế nào. Để vực dậy cũng cần có thời gian, có lẽ phải mất vài năm.
Gánh nặng thứ hai là hàng tồn kho còn quá lớn, lên tới 20% nên đèo thêm được cũng không dễ.
Gánh nặng thứ ba là những doanh nghiệp phá sản chiếm tỉ lệ rất cao, bây giờ dù có “bơm thổi” để tỉnh dậy cũng không dễ.
Thứ tư, tiền vốn để đầu tư 2012 giảm rất mạnh thì lấy đâu ra gối đầu. Muốn có tăng trưởng 2013 thì phải có đầu tư 2012.
Bên cạnh đó, tất cả các dự án kinh tế của thế giới đều lình xình cả. Nhưng bao trùm lên tất cả những điều đó là lòng tin của các nhà doanh nghiệp là điều quan trọng nhất. Vì trong kinh doanh mà không có lòng tin thì không thể nào vực dậy mọi thứ.
Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là làm thế nào để vực dậy được lòng tin của người dân và doanh nghiệp.
Để khôi phục lòng tin của người dân, việc đầu tiên phải làm là gì, thưa ông?
Làm tốt nghị quyết Trung ương khóa IV nhưng phải làm thật. Đó là khâu then chốt, không tháo được khóa này ra thì chẳng bao giờ mở được cái cửa nào cả.
Tôi đi đánh golf, gặp các doanh nghiệp, tôi hỏi “chúng tớ nghỉ hưu mới có thời gian đi, sao các cậu cũng đi thế này?”. Mọi người trả lời “chúng cháu không đi đánh golf thì làm gì bây giờ?”. Họ cũng nói thêm “Bao giờ chúng cháu có việc để làm?”. Tôi chịu thua.
Ông có nói đến những điểm sáng của năm tới. Vậy điểm sáng ở đây là gì và ông có hy vọng vào một lĩnh vực nào đó của nền kinh tế không?
Điểm sáng này bắt nguồn từ mức lạm phát năm 2008, đến năm 2009 xuống một chút và năm 2011, 2012 lại bùng lên. Tôi nghĩ nếu đi theo hướng này thì lạm phát sẽ giảm xuống nữa. Nếu gọi đó là điểm sáng cũng được. Nhưng cái gì cũng có 2 mặt, nếu xiết chặt quá nền kinh tế thiếu vốn thì không thể khởi sắc được. Năm 2012 chứng minh điều đó. Huy động vốn thì rất cao 14, 15% nhưng đưa ra chỉ được có 6-7 % thôi. Theo nghị quyết XI, tín dụng phải tăng 20% mà mình tăng có 6-7% nghĩa là vốn xiết lại dữ dằn quá sẽ đè sản xuất xuống vì khan vốn. Vì thế nó sẽ để lại hậu quả sang 2012, 2013.
Điểm sáng là lạm phát xuống nhưng điểm tối là sản xuất khó khăn. Không đầu tư thì sao năm sau khởi sắc được. Quay vòng sau thì cung không đủ cầu và sản xuất sẽ không phát triển, dẫn đến sản phẩm giảm và nguồn cung cũng ít đi. Không đáp ứng được nhu cầu lại bùng lên vòng lạm phát khác. Nên liều lượng ở đây là quan trọng, phải tính 2-3 vòng chứ không thể tính 1 vòng được.
Ông tin tưởng ngành nào sẽ có kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2013?
Ngoài dầu khí thì chỉ có nông nghiệp. Nhờ nông nghiệp mà dân không đến nỗi đối mặc dù có thể khó khăn kinh tế thật. Thế nên, không chú ý đầu tư cho nông nghiệp nền kinh tế sẽ suy sụp. Công nghiệp của mình nói lại cũng chỉ là gia công thôi.
Mọi người cứ khoe việc đã xử lí được nhập siêu, tôi chả vui tý nào vì nền kinh tế của ta nhờ vào nhập mà không nhập nữa chứng tỏ nền sản xuất đi xuống, có hay ho gì đâu. Chỉ trông chờ vào nông nghiệp thôi. Công nghiệp năm vừa rồi rớt quá, FDI cũng không vào nữa vì nền vĩ mô của mình thế này người ta cũng ngại. Đấy là tôi chưa kể chuyện trốn thuế có thể là có thật nhưng đó là do mình quản lý dở không dự đoán được.
Theo ông 6 tháng đầu năm tới đây các DN sẽ đối mặt với những vấn đề gì?
Họ chính là nạn nhân và sẽ phải đối mặt với những thứ như: hàng không tiêu thụ được; sức mua giảm vì tiền vốn cũng không phải đổi được ngay; lãi suất cho vay dù có giảm nhưng không ăn thua và tiếp cận vốn vay cũng không dễ.
Tôi cho rằng niềm tin và sức mua là quan trọng nhất vì trong thời buổi kinh tế thị trường, cái quan trọng là đầu ra. Tệ hại nhất bây giờ là cầu thấp quá.
Ví dụ, mọi năm vào mùa này mua sắm rất sôi động. Như lịch tết chẳng hạn, đỏ hết cả đường. Tầm này mọi năm, tôi được nhận cả mấy chục cuốn lịch, nhưng năm nay chả thấy ai cho cuốn nào. Đó cũng là biểu hiện nhỏ của suy thoái. Tôi thấy những biện pháp của Chính phủ quá nặng về cung mà lơ là chuyện cầu.
Dường như những biện pháp từ trước đến nay mang tính lý thuyết nhiều hơn thực tế?
Thế mới nói đó chỉ là để áp dụng, còn phải loay hoay chán mới ra nếu làm tích cực. Còn không cũng chỉ là khẩu hiệu thôi rồi lại đâu hoàn đấy.
Theo ông, hết năm 2013, sang năm 2014 có khả quan hơn không?
Năm 2013 hay 2014 cũng nằm trong kế hoạch 5 năm. Bây giờ nhìn là thấy những chỉ tiêu cơ bản của kế hoạch 5 năm không đạt được rồi. Tôi cho rằng kế hoạch 5 năm này giỏi lắm thì chỉ khắc phục được hậu quả của khủng hoảng bắt đầu từ năm 2008 đến nay.