Kinh doanh đa cấp tiền ảo bùng nổ từ thành thị tới nông thôn

Sự kiện: Kinh doanh đa cấp

Gắn mác công nghệ 4.0, những “ông chủ đa cấp” đã sử dụng tiền ảo thành một hình thức để kinh doanh đa cấp online. Điều đáng nói, tiền ảo bị cấm lưu hành ở Việt Nam, nhưng không ít người từ thành thị tới nông thôn vẫn mắc bẫy, rơi vào cảnh trắng tay...

Những biến tướng tinh vi

Thông báo của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, trên nhiều diễn đàn, website xuất hiện nội dung giới thiệu cách làm giàu và kiếm tiền trực tuyến bằng FutureNet. Thông qua mạng xã hội, người dùng được nhận tiền như chat, tin nhắn, đăng ảnh, bình luận, lượt like, xem quảng cáo, nâng cấp tài khoản, chơi game…

Kinh doanh đa cấp tiền ảo bùng nổ từ thành thị  tới nông thôn - 1

Mạng lưới FutureNet tung những lời mời hấp dẫn với thu nhập khủng để dụ các nhà đầu tư.  Ảnh: T.L.

Để “chiêu mộ” người tham gia, mạng lưới này đã tung những lời mời hấp dẫn, như thu nhập thụ động trung bình mỗi tháng lên đến hàng nghìn USD. Hoạt động của FutureNet còn bao gồm việc đầu tư vào một đồng tiền kỹ thuật số mang tên FuturoCoin. Hoạt động của đồng tiền này dựa trên công nghệ giống Bitcoin và có khả năng phát triển như Bitcoin.

Trước đó, Cục Cạnh tranh từng phát hiện nhiều công ty kinh doanh đa cấp trái phép khi chưa có giấy phép hoạt động.

Giữa tháng 7.2018, Công ty Freedom Group đã phát hành và kinh doanh tiền ảo với nhiều mời gọi hấp dẫn về hoa hồng. Trang chủ công ty này giới thiệu dự án huy động vốn bằng tiền ảo Pre-ICO Sessia với loại tiền phát hành là Kick. Công ty Freedom Group tự giới thiệu đây là nền tảng xã hội đầu tiên dành cho doanh nghiệp và khách hàng dựa trên các ưu thế của công nghệ blockchain.

Đồng tiền ảo iFan cách đây không lâu cũng bị nhiều nhà đầu tư tố cáo lừa đảo 15.000 tỷ đồng là một ví dụ điển hình của mô hình này. iFan tự xưng là “ứng dụng công nghệ blockchain 4.0”, giúp quản lý thu nhập các nghệ sĩ trong showbiz Việt và có sự cộng tác với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.

Tuy nhiên, bản chất iFan chỉ là một đồng tiền ảo vô nghĩa vận hành theo mô hình đa cấp biến tướng, lấy tiền của nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư trước, một cách lừa đảo đã quá phổ biến tại Việt Nam.

Trước iFan, nổi tiếng nhất trong số các đồng tiền ảo đa cấp biến tướng là Bitconnect. Đây là một trong những đồng tiền thuật toán được cộng đồng thế giới khẳng định chắc chắn là mô hình đa cấp biến tướng trong suốt năm 2017.

Tiếp bước Bitconnect, Lendconnect mạnh tay hơn khi cam kết mức lãi 160%/tháng với mức thưởng 8% cho mỗi nhà đầu tư mới mà người tham gia mời được về. Ngoài ra mô hình hoạt động của Lendconnect hoàn toàn không có gì khác biệt so với Bitconnect.

Khó quản lý

Theo bà Đỗ Hoài Linh - chuyên gia ngân hàng, công tác tại Đại học Kinh tế quốc dân, đồng tiền không mất đi trong những cuộc chơi này mà chỉ chuyển đổi từ người này sang người khác. Điều đáng nói ở đây là thiệt hại sẽ không nằm ở 1 cá nhân nào, mà kéo theo sự mất mát, rủi ro cho nhiều cá nhân khác, thậm chí kéo theo cả gia đình, người thân. Từ đó ảnh hưởng tới cả cộng đồng theo hiệu ứng domino.

“Hoạt động kinh doanh đa cấp tiền ảo sẽ kéo theo nhiều hiện tượng xã hội khác. Khi nhà đầu tư gặp rủi ro và họ cảm thấy phải lấy lại số tiền mình đã mất bằng mọi giá, vô tình có thể dẫn tới những hành động phạm pháp. Điều này sẽ tạo hiệu ứng xấu cho đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh”- bà Linh phân tích.

Chuyên gia này cũng chia sẻ thêm, với những "gói đầu tư" sinh lợi hấp dẫn, nhiều người đã dành hết cơ nghiệp cho các dự án trá hình này. Công ty Modern Tech vẫn im hơi lặng tiếng trước cáo buộc "lừa đảo 15.000 tỷ đồng", người dân đang rơi vào cảnh “trắng tay”. Đây là dẫn chứng cho thấy hệ lụy tiêu cực từ đầu tư tài chính đa cấp. Người tham gia FutureNet cũng có thể phải đối mặt tình trạng tương tự nếu không kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Minh Anh - Giám đốc Công ty luật Trí Minh - cho rằng theo quy định pháp luật, không có quy định tiền ảo là kinh doanh đa cấp, nếu có thì là hàng hoá sau khi đã cơ quan chức năng cấp phép mới có quyền thực hiện. Vì thế tiền ảo không được phép là kinh doanh đa cấp. Trong khi đó, Việt Nam hiện  không cho phép bất kỳ loại tiền ảo nào lưu hành. Nếu lưu hành thì xử lý hình sự. Cá nhân, tổ chức sử dụng biện pháp đó đều là vi phạm pháp luật.

“Những tranh chấp hoặc mất mát sau này của người tham gia sẽ không được bảo vệ. Điểm cần chú ý nữa là khi tham gia những công ty kinh doanh đa cấp bất hợp pháp, người tham gia có thể bị liên lụy đến trách nhiệm hình sự, không chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính, dân sự”- luật sư Minh Anh khuyến cáo.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Đặng Đức Sơn - Viện trưởng Viện Quản trị và tài chính AFC cho rằng Việt Nam thực sự yếu về hệ thống quản lý, chế tài ra quá chậm khi sự việc xảy ra rồi mới xử lý. Từ vấn đề tiền ảo đến bán hàng đa cấp, chúng ta để cho họ lách luật hoạt động, khi mọi thứ xảy ra mới chữa cháy. 

Ví như trong thời gian qua có nhiều vụ lừa đảo tiền ảo, “ông chủ” bỏ trốn thì nhà quản lý là phải xử lý ngay và có hành động quyết liệt ngay để răn đe những đối tượng khác. Bán hàng đa cấp online cũng vậy, thấy không ổn thì dừng, cấm ngay. Như hiện nay, cứ vi phạm lại phạt rồi lại tiếp tục hoạt đồng, vô cùng nhùng nhằng. Điều này không thể hiện ý chí quản lý và đó là thất bại trong hệ thống quản lý”- ông Sơn phân tích.

TS Nguyễn Trí Hiếu:  Cơ quan quản lý ở đâu?

Kinh doanh đa cấp tiền ảo bùng nổ từ thành thị  tới nông thôn - 2

Hiện tượng FutureNet là một dạng “bình cũ rượu mới” trong hoạt động kinh doanh đa cấp tài chính biến tướng và chưa được cấp phép. Những công ty biến tướng này đánh động vào lòng tham của con người.

Tôi khuyến cáo người dân khi có ý định tham gia, đầu tư vào tổ chức nào cần phải kiểm tra thông tin của đơn vị đó với cơ quan chức năng, xác nhận trụ sở, vốn điều lệ của doanh nghiệp, tổ chức đó. Mô hình hoạt động ra sao, giấy phép như thế nào để đưa ra quyết định sáng suốt nhất.

Còn về phía cơ quan chức năng đã không thực thi nhiệm vụ quản lý thị trường một cách nghiêm túc. Mỗi cơ quan đều có chức năng và quyền lực để ngăn chặn được những hoạt động này. Các tổ chức đa cấp thường tổ chức nhiều hội thảo tại những nơi nhiều người biết đến như các khách sạn lớn… Lúc này cơ quan chức năng ở đâu? Tại sao không đến kiểm tra giấy phép hoạt động, giám sát xem họ tổ chức gì, bán hàng như thế nào, có phải kinh doanh đa cấp hay không?

Nhiệm vụ của nhà điều hành không chỉ là tích cực truyền thông cho người dân hiểu về kinh doanh đa cấp và tiền ảo. Hơn bao giờ hết, mỗi hệ thống, mỗi bộ ngành cần quyết liệt vào cuộc để nhanh chóng loại bỏ những hiện tượng biến tướng này của nền kinh tế từ việc tăng cường thanh kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp trên từng địa bàn.

TS Cấn Văn Lực - Thành viên tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia:

“Ba nguyên nhân khiến kinh doanh đa cấp phát triển nhanh”

Kinh doanh đa cấp tiền ảo bùng nổ từ thành thị  tới nông thôn - 3

Có 3 nguyên nhân cơ bản dẫn tới sự gia tăng loại hình kinh đoanh đa cấp trong thời gian vừa qua.

Thứ nhất, người dân Việt Nam chúng ta còn thiếu hiểu biết lĩnh vực đầu tư, lại muốn giàu nhanh, muốn có nhiều tiền và đầu tư theo phong trào “thấy hàng xóm đầu tư mình cũng phải đầu tư”.

Thứ 2 chính là sự vào cuộc của cơ quan quản lý vào cuộc chưa kịp thời, dẫn đến lúc xảy ra sự cố rồi mới vào cuộc thì sẽ là tương đối muộn cho người dân.

Cuối cùng là tiền kỹ thuật số, tiền ảo phát triển khá nhanh, mạnh nhưng hành lang pháp lý về quản lý kỹ thuật số tiền ảo chưa hoàn thiện.

Bài học về Bitconnect, IFan... trong thời gian vừa qua là hồi chuông cảnh báo cho những nhà đầu tư nóng vội và thiếu hiểu biết tham gia vào các mô hình đầu tư đa cấp.

Do đó, mỗi người dân trước mỗi lời mời chào với cơ hội kiếm tiền vượt bậc thì việc đầu tiên là phải bình tĩnh để suy xét, phân tích và phán đoán thấu đáo bản chất và rủi ro của việc đầu tư. Ngoài ra, hãy chia sẻ hoặc xin lời tư vấn từ những người thân/quen không tham gia vào hình thức này để có lời khuyên khách quan và xác đáng nhất.

Khi gặp sự cố, hãy đến ngay cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thiệt hại đc giảm thiểu và không lan rộng

Các cơ quan quản lý như NHNN, Bộ Tài chính, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương)… cũng cần phải phát đi thông điệp cho người dân biết đó là hoạt động kinh doanh sai trái, người dân tham gia nếu thua lỗ, mất mát không thể kiện cáo ra pháp luật được. Ở đây, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan truyền thông là rất quan trọng, nhằm báo động, cảnh báo hoạt động kinh doanh trái phép này, đồng thời cần có những chế tài mạnh đối với những hình thức kinh doanh bất hợp pháp.

L.T (ghi)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Thúy ([Tên nguồn])
Kinh doanh đa cấp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN