Kiêng kị trong kinh doanh tháng “cô hồn”: Không nên tin

Mặc dù chỉ là những quan niệm trong dân gian, nhưng cho đến nay, những điều kiêng kị vào tháng “cô hồn” vẫn được nhiều người chú trọng, đặc biệt giới kinh doanh.

Dân gian gọi tháng 7 âm lịch là 'tháng cô hồn' hoặc 'mở cửa mả' và coi đây là tháng của ma quỷ.

Ở Trung Quốc, nguồn gốc của tháng cô hồn bắt nguồn từ việc Diêm Vương cho mở cửa Quỷ môn quan vào ngày 2/7 hàng năm để quỷ đói được trở lại trần gian và đến ngày rằm sẽ quay về.

Ở Việt Nam, tục lệ cúng cô hồn là một tín ngưỡng được truyền từ đời này sang đời khác. Người dân cũng quan niệm tháng cô hồn là tháng ma quỷ, không đem lại may mắn nên hầu hết các công việc, khởi công xây dựng, mua sắm, đi xa… đều tránh tháng 7.

Tháng “cô hồn”, giới kinh doanh kiêng kị điều gì?

Trong tháng “cô hồn”, dân gian quan niệm phải kiêng kỵ nhiều điều, trong đó, giới kinh doanh cũng “truyền tai” nhau về những điều kiêng kỵ như: không nên động thổ, nhập trạch, không nên mua nhà, mua xe…

Theo dân gian, việc lớn như động thổ, xây nhà, đều phải kiêng kỵ trong tháng “quỷ ám” này. Nếu cố tình thực hiện, công việc sẽ gặp nhiều rủi ro.

Những người có ý định kinh doanh cũng không nên mở cửa hàng trong tháng này. Dân gian quan niệm sẽ bị ma quỷ quấy nhiễu, làm ăn không thuận lợi, hầu hết giới kinh doanh đều tránh tháng “cô hồn” để mở cửa hàng, khai trương.

Việc mua nhà cũng được dân gian kiêng kỵ. Với quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, đa số người dân muốn mua nhà đều tránh tháng 7 âm.

Tháng “cô hồn”, người dân không nên hoặc hạn chế mua xe. Theo quan niệm của dân gian, mua xe máy trong tháng 7 âm lịch có thể mang nhiều xui xẻo đến với gia đình.

Những người kinh doanh lớn có giao dịch như ký kết hợp đồng cũng nên hạn chế.

Kiêng kị trong kinh doanh tháng “cô hồn”: Không nên tin - 1

Người dân kiêng động thổ, mua nhà tháng cô hồn khiến bất động sản ế ẩm. Ảnh: Tiền Phong

Kiêng kị trong tháng cô hồn: Không nên tin

Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt nam (GHPGVN) cho rằng, kiêng kị như vậy là không đúng. Trong Phật giáo không có ngày lành tháng tốt. Việc cúng bái, đốt vàng mã cũng là một biểu hiện của việc mê tín, dị đoan, Phật giáo không dạy những điều đó.

Theo Hòa thượng Thích Thiện Tâm, trong mỗi người bao giờ cũng có những phước đức, nếu có tâm, tích phước, thì ma quỷ cũng phải sợ. Không phải sợ ma quỷ mà đốt vàng mã, cúng bái. Như vậy là mê tin, dị đoan.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cũng cho biết: Ở Ấn Độ cổ xưa, tháng Bảy là chấm dứt mùa mưa, hết thời kì sinh trưởng của sinh vật. Cây cối hết thời kì thuận lợi để đâm chồi nảy lộc thì sẽ dừng việc gieo trồng, nếu không năng suất sẽ bị phương hại. Thực vật liên quan đến đời sống động vật.

Theo ông Vĩ, những điều kiêng kị liên quan đến nông nghiệp hình thành trên cơ sở đó. Từ nông nghiệp cổ xưa tạo thành tín ngưỡng kiêng nhiều thứ vì tâm lí đời thường là "có thờ có thiêng, có kiêng có lành". Lâu ngày thành tục truyền. Thành thử, trong kinh doanh cũng vậy, đều kiêng rộng ra.

Ông Vĩ cho rằng, điều này đáp ứng tâm lí bình dị của một bộ phận nhân loại trên thế giới chứ không là tất cả, cũng không là mọi việc.

Hòa thượng Thích Thanh Nhã - Phó trưởng ban TT Ban nghi lễ TƯ GHPGVN giải thích tục kiêng kị chỉ là tín ngưỡng của người dân. Hòa thượng nói: “Người dân quan niệm đây là tháng xá tội vong nhân không nên kinh doanh, họ tự đặt ra chứ không có thuyết nào dạy như thế. Những ngày xấu, ngày tốt là do quan niệm chứ trong đạo Phật, không dạy con người kiêng kị trong tháng 7.

Đạo Phật khuyên rằng ngày nào cũng là ngày tốt, tháng nào cũng là tháng tốt và không có ngày tháng nào xấu.

Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhã, tháng Bảy là tháng báo hiếu của những người con đối với ông bà cha mẹ còn sống hoặc đã khuất. Lúc này, con người hướng tới yêu thương, đền ơn, đáp nghĩa và lòng từ bi thay vì tự mình đặt ra những điều “kiêng kị” không có sơ sở khoa học.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thảo Nhi ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN