Kiến nghị đấu thầu rộng rãi các dự án hạ tầng theo hình thức PPP, BT, BOT

Theo Horea, việc chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư theo hình thức BT, PPP, BOT... đã bộc lộ những mặt hạn chế, có thể dẫn đến phát sinh tiêu cực

Ngày 11-5, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (Horea), có văn bản khẳng định vẫn giữ quan điểm về những hạn chế, có thể phát sinh tiêu cực đối với việc chỉ định nhà thầu đầu tư các dự án Xây dựng - chuyển giao (BT); Hợp tác công tư (PPP); Xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT)... như nội dung mà hiệp hội đã gửi Thủ tướng và cơ quan chức năng cách đây vài tháng trước.

Kiến nghị đấu thầu rộng rãi các dự án hạ tầng theo hình thức PPP, BT, BOT - 1

Việc đầu tư, thi công 4 con đường ở Thủ Thiêm, quận 2 theo hình thức BT gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua. Ảnh TL

Tại văn bản này, ông Lê Hoàng Châu không phủ nhận chủ trương xã hội hóa các nguồn lực trong nước và nước ngoài để phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, các dự án chỉnh trang đô thị thông qua phương thức BT, PPP, BOT.. đã mang lại nhiều hiệu quả rất thiết thực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương, nhất là  trong điều kiện nguồn lực ngân sách có hạn. 

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, đã phát sinh những mặt còn hạn chế như: có rất nhiều công trình BT, PPP, BOT được chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư; nguồn vốn chủ sở hữu của nhiều nhà thầu, nhà đầu tư chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại khoảng 90% vốn đầu tư xây lắp là vốn vay ngân hàng nên có tiềm ẩn rủi ro và có thể ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình. Việc chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư theo các hình thức trên khá phổ biến trong thời gian qua đã bộc lộ những mặt hạn chế, có thể dẫn đến phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh và lợi ích xã hội.

Cụ thể, việc chỉ định thầu có thể đã tạo điều kiện cho nhà thầu, nhà đầu tư được hưởng lợi "kép" (2 lần) khi nhận thầu thi công công trình (đầu B - Building: Xây dựng) và khi đầu tư kinh doanh các khu đất đối ứng ở các địa điểm đắc địa và đã được tăng cường hệ thống hạ tầng giao thông (đầu T-Transfer: Chuyển giao). 

Các nhà thầu, nhà đầu tư này cũng tránh được thủ tục "kép" khi được lựa chọn nhà thầu xây lắp công trình và chủ đầu tư dự án bất động sản mà không phải qua thủ tục đấu thầu rộng rãi trong nước, quốc tế.

Ngoài ra, tính minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh của môi trường kinh doanh bị sụt giảm, tác động tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư và có thể gây thiệt hại ngân sách nhà nước, gây quan ngại cho xã hội.

Do vậy, Hiệp hội kiến nghị thực hiện phổ biến hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, hoặc đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các dự án hạ tầng kỹ thuật; hạ tầng giao thông; chỉnh trang; phát triển đô thị theo phương thức xã hội hóa dưới hình thức BT, PPP, BOT; kể cả các khu đất vàng trong quá trình thực hiện thu hồi quỹ đất do sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước. 

Hạn chế tối đa việc chỉ định nhà thầu, chỉ định nhà đầu tư đối với các trường hợp trên đây, và chỉ thực hiện việc chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư trong các trường hợp đặc biệt theo điều 26 Luật Đấu thầu, để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh; củng cố lòng tin cho các nhà đầu tư; làm lợi cho ngân sách nhà nước và tăng cường sự đồng thuận trong xã hội.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Nhung (Người lao động)
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN