Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu lại hơn 364 tỷ đồng phí hàng không, hàng hải

Kiểm toán Nhà nước vừa có thông báo kết quả kiểm toán về hoạt động quản lý, sử dụng phí hàng hải, hàng không năm 2017 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Theo đó, ngoài việc chỉ ra nhiều sai sót trong việc sử dụng phí hàng không, phí hàng hải, cơ quan này đã kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam và Tổng Công ty Đảm bảo an toàn hàng hải phải nộp lại ngân sách hơn 364 tỷ đồng...

Sai từ tổ chức quản lý đến sử dụng nguồn phí

Theo Kiểm toán Nhà nước, với phí hàng hải, Bộ GTVT không giao dự toán thu phí bảo đảm hàng hải cho Cục Hàng hải Việt Nam mà giao trực tiếp cho các Cảng vụ hàng hải không đúng quy định; không giao dự toán thu phí an ninh cảng biển và giao dự toán thu phí cảng vụ không chi tiết theo từng loại phí (phí trọng tải, phí neo đậu, phí kháng nghị hàng hải) theo quy định. 

Việc sử dụng nguồn thu phí được để lại tại các đơn vị, Bộ GTVT giao dự toán cho các cảng vụ hàng hải 5 lần trong năm; nguồn phí cảng vụ hàng hải để lại sau khi đáp ứng đủ các khoản chi thường xuyên và không thường xuyên còn dư, không có nhiệm vụ chi luỹ kế đến 31-12-2017 số tiền là 268.983 triệu đồng.

Việc thực hiện các nhiệm vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải, tính kinh tế, hiệu quả cũng bộc lộ nhiều thiếu sót. Cụ thể, khối lượng nạo vét, duy tu luồng hàng hải thực hiện được thấp so với kế hoạch, dự toán đặt hàng (bằng 42%) dẫn đến các tuyến luồng hàng hải vào các cảng không đạt độ sâu chuẩn tắc được duy trì theo thiết kế gây ra nhiều khó khăn và tăng chi phí cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải. 

Tổng Công ty Đảm bảo an toàn hàng hải miền Bắc còn xây dựng kế hoạch sửa chữa một số phương tiện chưa thống nhất với tên tài sản trong danh mục tài sản; tuyến luồng Hòn Gai-Cái Lân đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. 

Bên cạnh đó, chưa có văn bản quy định về tỷ lệ chi phí chung đối với nội dung quản lý, vận hành đèn, luồng; chưa có quy định xử phạt cho phần thời gian thi công khắc phục đoạn cạn vượt quá 20 ngày; chưa có đầy đủ quy định cụ thể về các tiêu chí chất lượng phục vụ, đánh giá nghiệm thu của loai hình sản phẩm vận hành hệ thống đèn biển, luồng hàng hải.

Đối với phí hàng không, việc tổ chức quản lý thu phí hàng không, sử dụng nguồn phí được để lại cũng bộc lộ nhiều thiếu sót. Cụ thể, quy trình tổ chức quản lý thu phí chưa nêu rõ thời hạn cho mỗi tác vụ cụ thể và phân công chi tiết trách nhiệm cụ thể của các bộ phận có liên quan tới từng loại phí (Cảng vụ Hàng không miền Nam, văn phòng Cục hàng không Việt Nam); Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam chưa xây dựng và ban hành Quy trình tổ chức thu phí bay qua bầu trời, không trình Cục Hàng không Việt Nam dự toán thu phí bay qua vùng trời Việt Nam; một số đơn vị lập dự toán chậm (Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, Cảng vụ Hàng không miền Trung) và Bộ GTVT giao dự toán thu không chi tiết theo từng loại phí. 

Ngoài ra, Bộ GTVT giao dự toán cho Cảng vụ 7 lần trong năm; ngày 30-1-2018 vẫn giao điều chỉnh bổ sung dự toán chi kinh phí không thường xuyên năm 2017 số tiền 833 triệu đồng (đơn vị phải chuyển sang năm sau thực hiện). 

Nguồn phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không sân bay để lại sau khi đáp ứng đủ các khoản chi thường xuyên và không thường xuyên còn dư, không có nhiệm vụ chi luỹ kế đến 31-12-2017 số tiền 94.686 triệu đồng.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu lại hơn 364 tỷ đồng phí hàng không, hàng hải - 1

Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam chưa xây dựng và ban hành quy trình tổ chức thu phí bay qua bầu trời. Ảnh: Minh họa.

Các đơn vị phải nộp lại ngân sách hơn 364 tỷ đồng

Trước hàng loạt sai sót kể trên, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý về tài chính lên tới số tiền hơn 364 tỷ đồng. Trong đó, Cục Hàng hải Việt Nam phải nộp ngân sách 268 tỷ đồng phí hàng hải không còn nhiệm vụ chi; Cục Hàng không Việt Nam nộp ngân sách hơn 94 tỷ đồng phí hàng không không còn nhiệm vụ chi; Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc là 516 triệu đồng.

Bên cạnh việc xử lý tài chính, Kiểm toán cũng yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng phí hàng hải và hàng không. Cụ thể, Cục Hàng hải Việt Nam phải chỉ đạo Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu và Hải Phòng lập dự toán thu phí an ninh cảng biển theo quy định. 

Cục Hàng không Việt Nam phải chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lập dự toán đúng thời hạn, hoàn thiện quy trình tổ chức quản lý thu phí, trong đó nêu rõ thời hạn cho mỗi tác vụ cụ thể và phân công chi tiết trách nhiệm cụ thể của các bộ phận có liên quan tới từng loại phí. 

Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam phải thực hiện lập dự toán về thu phí đảm bảo đúng thời hạn và trình Cục Hàng không Việt Nam dự toán thu phí bay qua vùng trời Việt Nam theo quy định; xây dựng và ban hành Quy trình tổ chức thu phí bay qua bầu trời.

Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Bộ GTVT giao dự toán thu phí hàng không, hàng hải chi tiết theo từng khoản phí; giao dự toán thu phí bảo đảm hàng hải cho các đơn vị theo quy định; khắc phục việc điều chỉnh; bổ sung dự toán chi chậm và nhiều lần trong năm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Huyền ([Tên nguồn])
Bản tin tài chính kinh doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN