Không thu hồi dự án hoang lúc thị trường bê bết

“Để có được dự án, các chủ đầu tư cũng phải chi nhiều tiền để “chạy” quan chức, giờ nói thu hồi không phải chuyện dễ làm…Nếu thị trường đang suy thoái, Nhà nước thu hồi rồi lại giao cho người khác làm thì không nên”, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nói.

Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều dự án treo trên cả nước. Tính đến hết tháng 6/2013, Hà Nội vẫn còn 131 dự án, chiếm tới hơn 1.618 ha đất chậm triển khai và chưa triển khai giải phóng mặt bằng. Thành phố đã phải ra tối hậu thư buộc giải quyết dứt điểm 131 dự án này trong năm 2013.

Song, cho đến nay tình hình thu hồi các dự án bỏ hoang hoặc chậm triển khai vẫn chưa tiến triển, nhiều dự án lớn vẫn trong tình trạng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.

Điển hình như ô đất ký hiệu D23, rộng trên 5.000m2 thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (bỏ hoang từ năm 2008); ô đất mang ký hiệu BĐX, CXTT trên 9.000m2 thuộc Khu đô thị Mễ Trì Hạ (huyện Từ Liêm) của CTCP Tu tạo và Phát triển nhà; ô đất ký hiệu CC1, rộng 7.463m2, thuộc Khu đô thị Mỹ Đình II (huyện Từ Liêm) của HUD…

Không thu hồi dự án hoang lúc thị trường bê bết - 1

Dự án bỏ hoang nhiều năm đang gây lãng phí.

Trên thực tế, mặc dù luật đã quy định rõ ràng về thời gian thu hồi dự án nhưng khi áp dụng vào thực tế không dễ. Đa phần dự án đều chậm triển khai 5-6 năm, thậm chí hàng chục năm nhưng Hà Nội vẫn chưa thể thu hồi.

Theo ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, quy định của pháp luật thì dự án không triển khai quá 12 tháng hoặc triển khai chậm quá 24 tháng sẽ bị thu hồi, nhưng việc thu hồi không đơn giản nếu chủ đầu tư đã đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhiều địa phương gặp khó vì không đủ kinh phí để hoàn trả cho chủ đầu tư đã trả tiền thuê đất, sử dụng đất. Đây là một trong những lý do khiến nhiều địa phương chưa kiên quyết trong việc thu hồi.

Ông Trần Trọng Hanh, nguyên Vụ trưởng Vụ Xây dựng (Bộ Xây dựng): Nguyên tắc thu hồi chấn chỉnh dự án vẫn dựa trên quy hoạch chiến lược lâu dài và thực tiễn của quy luật thị trường. Còn chuyển từ mục đích này sang mục đích khác thì không thể có công thức chung, mà phải rà soát cụ thể dựa trên cái “cứng” để đưa ra hướng dẫn phần “mềm” để giải quyết vấn đề sao cho có tình có lý.

Đặt vấn đề, đối với những dự án mà chủ đầu tư đã bỏ vốn lớn đầu tư dang dở thì làm thế nào đảm bảo lợi ích? Ông Hanh đưa ra 3 biện pháp: Thứ nhất, chủ đầu tư yếu thì chuyển sang chủ đầu tư khác, toàn bộ thanh khoản của dự án chủ đầu tư mới phải chịu trách nhiệm để giải quyết.

Cách khác, cho phép thay đổi chức năng, mục đích dự án sao cho sát thị trường hơn. Hoặc là, liên doanh giữa chủ đầu tư này với chủ đầu tư khác nếu dự án đó hấp dẫn. Xấu nhất, nợ không thể giải quyết được nữa thì phải điều chỉnh quy hoạch và chuyển đổi chức năng…

Còn theo quan điểm của ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: “Để có được dự án, các chủ đầu tư cũng phải chi nhiều tiền để “chạy” quan chức, giờ nói thu hồi không phải chuyện dễ làm. Họ chỉ nói để cho thấy quyết tâm thôi”.

“Chủ trương thu hồi dự án là xét trong bối cảnh thị trường bất động sản suy thoái, trên thế giới các nước cũng áp dụng phương án như vậy . Nó cũng là một cách để giúp cho thị trường hồi phục, nhưng dự án bị dừng phải nói rõ nguyên nhân, dừng để làm gì?. Nếu thị trường đang suy thoái, Nhà nước thu hồi rồi lại giao cho người khác làm thì không nên”, ông Liêm nói.

Theo đề xuất của ông Phạm Sỹ Liêm, tốt nhất khi thu hồi dự án nên đấu giá cho các thành phần kinh tế để họ phát triển mô hình kinh tế trang trại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Lê (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN