Không thể mãi bán vàng

Sau 55 phiên đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước đã bán được 1.477.800 lượng vàng (hơn 56,8 tấn vàng). Nhưng khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn khá cao, khoảng 3 triệu đồng/lượng, tương đương 9%. Liệu Ngân hàng Nhà nước sẽ bán vàng đến bao giờ?

Nỗi lo dự trữ ngoại hối

Chắc chắn Ngân hàng Nhà nước sẽ không thể tiếp tục bán vàng mãi được vì dự trữ ngoại hối có hạn. Nếu quy đổi theo giá vàng thế giới hiện nay, số ngoại tệ bỏ ra nhập vàng đã lên đến khoảng 2 tỉ USD.

Tính đến cuối quý I/2013, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt hơn 30 tỉ USD. Như vậy, chỉ trong vòng hơn 4 tháng (tính từ phiên đấu thầu vàng đầu tiên hồi cuối tháng 3), số vàng bán ra đã chiếm hơn 6% dự trữ ngoại hối. Giả sử Ngân hàng Nhà nước cứ tiếp tục chi USD để nhập vàng về bán, chẳng mấy chốc dự trữ ngoại hối sẽ chẳng còn lại bao nhiêu.

Trên thực tế, ngoại hối của Việt Nam dùng để nhập khẩu đã tăng từ 2,2 tháng nhập khẩu vào đầu năm 2012 lên 2,8 tháng vào cuối quý I/2013. Ngoại hối tăng nhưng theo thông lệ quốc tế, mức dự trữ ngoại hối an toàn của một quốc gia cần phải tương đương từ 3 đến 6 tháng nhập khẩu.Đối với những nước như Việt Nam, cần có mức dự trữ ngoại hối cao hơn. Bởi lẽ, những nước như thế thường có tỉ lệ đô la hóa cao hoặc phải đối mặt với rủi ro đảo chiều đột ngột của các luồng vốn ngắn hạn như vốn đầu tư gián tiếp. Rủi ro này từng xảy ra vào năm 2007 khi nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ra khỏi Thái Lan, Indonesia và một số nước châu Á khác, gây nên khủng hoảng tiền tệ Đông Á.

Trong khi đó, Việt Nam lại cần ngoại tệ để trả nợ nước ngoài cũng như để nhập nguyên vật liệu cần thiết cho sản xuất.

Không thể mãi bán vàng - 1

Số vàng Ngân hàng Nhà nước bán ra đã chiếm 6% dự trữ ngoại hối. Ảnh: Bảo Trọng

Những vấn đề này cho thấy dường như Ngân hàng Nhà nước đã vượt khỏi vai trò, chức năng (phát hành tiền tệ) của một ngân hàng trung ương. Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, người có kinh nghiệm về vàng, cựu chuyên viên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cho biết: “Tôi chưa bao giờ thấy một ngân hàng quốc gia nào lại tự nhận vai trò quản lý vàng nguy hiểm như vậy, cộng với trách nhiệm điều hành lãi suất, nợ xấu...”.

Thực vậy, Ngân hàng Nhà nước đang độc quyền nhập khẩu vàng thỏi, độc quyền chế tác thành vàng miếng, độc quyền ấn định giá vàng, lấy thương hiệu SJC làm thương hiệu quốc gia và phân phối ra thị trường dưới hình thức đấu thầu (đến các ngân hàng và doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng).

Và chuyện cạn nguồn vàng đã được thấy rõ: giờ Ngân hàng Nhà nước chỉ tổ chức hai phiên đấu thầu vàng mỗi tuần, thay vì ba phiên. Đến lúc nào đó sẽ chỉ còn một phiên, rồi hẳn sẽ chẳng còn phiên nào hết.

Chưa hiệu quả

Quan chức Ngân hàng Nhà nước từng nói rằng sau ngày 30.6 (thời hạn chót các ngân hàng thương mại phải đóng tài khoản huy động vàng), thị trường vàng sẽ ổn định, khoảng cách giá trong nước và giá thế giới sẽ được thu hẹp. Thế nhưng, đã gần 2 tháng trôi qua, thị trường hầu như vẫn chưa có chuyển biến đáng kể. Giá vàng trong nước vẫn cao hơn nhiều so với giá thế giới. Và một lượng lớn vàng trong dân và trong ngân hàng vẫn nằm im, không được chuyển thành vốn cho sản xuất kinh doanh.

Khi các ngân hàng bị buộc phải ngừng nhận gửi vàng lấy lãi, trả lại vàng cho người gửi, Ngân hàng Nhà nước bán vàng cho ngân hàng thương mại là đúng. Nhưng nay sao lại cứ tiếp tục bán vàng?

Phó Giáo sư Ngô Trí Long, một chuyên gia kinh tế, từng nhận xét rằng Nghị định 24 của Chính phủ nhằm chống vàng hóa về cơ bản vẫn chưa đạt được mục tiêu. Ông nói: “Chống vàng hóa là làm sao cho người ta không sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán cũng như không trữ lượng vàng vật chất lớn. Đặc biệt lượng vàng trong dân hiện rất lớn. Vì thế, cần phải có giải pháp thu hút để phục vụ cho quốc kế dân sinh. Nhưng với việc đưa ra thị trường hơn 52 tấn vàng, vô hình trung vàng vật chất đã tăng lên. Đó là sự bất hợp lý”.

Cho dù chính sách này có thành công hay không, đến một lúc nào đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ buộc phải ngừng bán vàng. Chuyện gì sẽ xảy ra khi Ngân hàng Nhà nước chấm dứt bán vàng mà vẫn giữ độc quyền nhập khẩu kim loại quý này? Trước đó, cung vàng nhiều nhưng giá cũng chẳng giảm. Một khi cung ít đi, cho dù giá vàng thế giới không đổi thì giá vàng trong nước cũng có thể sẽ tăng vọt.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói: “Có nhiều câu hỏi được đặt ra. Một là tại sao giá vàng còn chênh lệch đến như vậy và bao giờ giá vàng trong nước và giá thế giới có thể tiếp cận được với nhau? Thứ hai, số vàng trong dân để làm gì? Thứ ba, vàng do Ngân hàng Nhà nước bán ra phần lớn do các ngân hàng thương mại mua, còn số vàng ra được thành vàng trang sức hoặc vàng miếng đến tay người dân thì ít thôi. Vậy số vàng đó đã đi đâu và nên xử lý như thế nào? Đó là vấn đề cần phải xem xét”.

Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là ổn định thị trường, không muốn vàng làm méo mó nền kinh tế và ảnh hưởng đến tỉ giá. Tuy nhiên, thực hiện việc này bằng cách bán vàng liệu có ổn? Và liệu có cần thiết ổn định thị trường này hay giữ ổn định dự trữ ngoại hối mới cần hơn?

Nếu xem ổn định dự trữ ngoại hối là cần thiết và không muốn vàng làm méo mó nền kinh tế, có lẽ cách hay nhất là chấm dứt đấu thầu vàng. Hãy xem vàng như một món hàng xa xỉ hạn chế nhập, cần đánh thuế thật nặng, ai muốn mua thì phải trả giá cao; cao đến mức không mấy người muốn sở hữu nó nữa. Lúc đó, nhu cầu không còn, chẳng ai mua vàng thì thị trường vàng sẽ bị thu hẹp, tiền sẽ được chuyển qua các kênh khác, trong đó có sản xuất kinh doanh. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Trân (Nhịp cầu đầu tư)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN