Không tăng thuế đột biến

Điều chỉnh lại mức thuế đối với các hộ kinh doanh lớn khai mức doanh thu chưa phù hợp.

Sáng 26-12, trong buổi tổng kết về thuế, ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết TP.HCM đang xem xét doanh thu hộ kinh doanh khai, không để các hộ bị tăng thuế đột biến.

Ông Tấn khẳng định với những hộ ngành hàng thiết yếu thì hạn chế tăng thuế. Các hộ kinh doanh lớn khai mức doanh thu chưa phù hợp quy mô cũng sẽ được điều chỉnh lại.

Ông Tấn cũng cho rằng phải làm rõ khái niệm “cho thuê tài sản” khi tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Hiện nay hàng chục ngàn hộ kinh doanh nhà trọ, nhà phố, nhà biệt thự... nhấp nhổm lo lắng không biết mình sẽ chịu thuế TNCN năm 2015 như thế nào, tỉ lệ 2% hay 5% vì chưa có hướng dẫn nào cụ thể.

Không tăng thuế đột biến - 1

Theo ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, những hộ ngành hàng thiết yếu thì hạn chế tăng thuế. Ảnh: HTD

Huớng dẫn chưa rõ

Luật 71/2014 sửa đổi, bổ sung các luật về thuế quy định tỉ lệ thuế TNCN đối với “dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu” là 2%, riêng “hoạt động cho thuê tài sản”, tuy nằm trong nhóm này nhưng chịu tỉ lệ thuế là 5% doanh thu. Dự thảo nghị định, thông tư hướng dẫn trên website của Bộ Tài chính cũng không nói rõ “cho thuê tài sản” là thế nào.

Hiện nay, theo Thông tư 219/2013 của Bộ Tài chính thì nhà trọ được xếp chung nhóm với “dịch vụ lưu trú, kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ”. Dịch vụ “cho thuê nhà” thì lại nằm trong nhóm “dịch vụ cho thuê nhà, đất, cửa hàng, nhà xưởng, cho thuê tài sản và đồ dùng cá nhân khác”.

Phân loại trên khá phù hợp với hệ thống ngành kinh tế. Theo Quyết định 337/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn chi tiết về ngành kinh tế thì “dịch vụ lưu trú” gồm: Cung cấp cơ sở lưu trú ngắn hạn cho khách du lịch, khách vãng lai khác; cung cấp cơ sở lưu trú dài hạn cho sinh viên, công nhân và những đối tượng tương tự (gọi là nhà trọ).

Quyết định 337 cũng nêu rõ “lưu trú dài hạn, ví dụ cho thuê căn hộ hằng tháng hoặc hằng năm được phân loại trong ngành bất động sản”.

Theo Luật Cư trú thì người đến lưu trú tại khách sạn, nhà nghỉ... phải làm thủ tục thông báo. Nếu sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thì phải đăng ký tạm trú sau khi đến ở 30 ngày. Như vậy, lưu trú (lưu trú ngắn hạn) là dưới 30 ngày, trên 30 ngày là phải chuyển sang đăng ký tạm trú (lưu trú dài hạn).

Thuế sao cho phù hợp?

Một cán bộ của Cục Thuế phân vân, cho sinh viên, công nhân thuê nhà cũng là cho thuê tài sản thì có phải chịu thuế 5% không, luật không nói rõ. Song nếu áp mức thuế này thì chính sách xã hội đối với công nhân, sinh viên, hộ kinh doanh sẽ không phát huy được. Mặt khác, nếu xác định cho thuê căn hộ, biệt thự cũng như “nhà trọ”, chịu thuế 2% thì một là mất nguồn thu thuế, hai là không phù hợp Luật 71/2014 vì luật quy định “cho thuê tài sản” mà nhà, biệt thự được xem là tài sản.

Một vấn đề khó khăn về kỹ thuật là nếu phân loại nhà trọ cho công nhân, sinh viên thuê chịu thuế 2%, còn căn hộ, biệt thự... chịu thuế 5% thì làm sao phân biệt hai loại này để mà thu thuế? Tiêu chí nào xác định chỗ cho thuê đó là nhà trọ hay nhà, căn hộ, người trọ là công nhân, sinh viên hay đối tượng khác?

Ông Nguyễn Đình Tấn cho biết vấn đề đang được Bộ Tài chính dự thảo và sẽ phải làm rõ vướng mắc này.

Truy thu được 500 tỉ đồng các vụ chuyển nhượng vốn

Theo báo cáo của Cục Thuế TP.HCM tại hội nghị tổng kết của Tổng cục Thuế (ngày 26-12) thì trong năm qua, Cục đã tập trung kiểm tra, xử lý trên 630 vụ chuyển nhượng vốn, truy thu được khoảng 500 tỉ đồng với các trường hợp chuyển nhượng vốn mà không khai nộp đủ thuế. Điển hình là vụ Y khoa Hoàn Mỹ và Phở 24. Đến nay, cá nhân khai thiếu thuế trong vụ Y khoa Hoàn Mỹ đã nộp được 115 tỉ đồng thuế, số còn nợ khoảng 40 tỉ đồng thì xin hẹn trả trước 31-12-2014.

Để có thể truy thu được số thuế này, theo Cục Thuế là cần rà soát thông tin về chuyển nhượng vốn (thay đổi tên thành viên công ty ) từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, các số liệu giao dịch ngân hàng, thông tin trên báo chí và mạng xã hội để làm việc với những người chuyển nhượng. Hầu hết các công ty đều không chịu hợp tác, né tránh, chuyển trụ sở, trì hoãn cung cấp hồ sơ cũng như giải trình số liệu.

Cũng theo báo cáo của Cục, số nợ thuế tính đến ngày 30-11 tăng trên 21% so với thời điểm 31-12 năm ngoái. Nguyên nhân chính là doanh nghiệp gặp khó khăn, không kịp nộp thuế, doanh nghiệp ngưng kinh doanh, giải thể, bỏ trốn, phá sản ngày càng nhiều.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Như (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN