Không lấy tiền thuế của dân cứu đại gia BĐS
"Minh bạch và công bằng là biện pháp mà chúng ta phải đáp ứng, phải thực hiện để việc đó không phải là cứu một đại gia BĐS, hoặc một vài đại gia BĐS nào đó"... - GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT nhận định.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS hiện nay, Dự thảo Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 của Chính phủ dự tính cho phép chuyển các dự án nhà ở thương mại sang làm nhà tái định cư, nhà ở xã hội để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua cho các đối tượng chính sách. GS đánh giá giải pháp này như thế nào?
Tôi nghĩ rằng đây là một giải pháp tốt. Bởi vì hiện nay chúng ta dư thừa BĐS tồn đọng và việc quan trọng là phải giải quyết kho BĐS tồn đọng này. Đây là một việc rất quan trọng vì nó liên quan đến nợ xấu, tức là dòng tiền vận hành trong kinh tế - xã hội đang bị tắc nghẽn ở đây.
Một trong những cách giải quyết đó là chúng ta vận dụng vào những việc khác nhau. Trong đó có việc chuyển sang hình thành các cơ sở dịch vụ. Còn có một cách nữa là sự can thiệp của Nhà nước bằng cách sử dụng ngân sách Nhà nước được chi cho xây dựng nhà tái định cư, nhà ở công vụ, nhà ở xã hội được mua các loại bất động sản này.
Còn câu chuyện mua như thế nào lại là câu chuyện khác. Như thế nào để mua ví dụ có đấu giá hay không đấu giá? Quá trình đấu giá thực hiện như thế nào?... Tất cả các giải pháp giải cứu thị trường BĐS hiện nay đều dựa trên hai nguyên tắc rất cơ bản: Minh bạch và công bằng.
Cụ thể là như thế nào thưa GS?
Ví dụ như chúng ta mua chẳng hạn thì phải đưa ra một quy chế rất rõ ràng, cách thức thực hiện phải đảm bảo hết sức công bằng tức là ai có BĐS tồn đọng, nhà đầu tư nào có BĐS tồn đọng thì đều có quyền được tham gia.
Tiêu chí đưa ra rất là rõ ràng, minh bạch. Cách thức thực hiện, quá trình thực hiện, kiểm soát rất chặt chẽ, sao cho đảm bảo tiền bỏ ra mua với giá rẻ nhất so với tất cả những người có BĐS tồn đọng mà muốn được tham gia vào việc này.
Trước đây, khi thị trường BĐS sốt thì các đối tượng cần thực sự, các đối tượng chính sách (tái định cư), đối tượng cần phúc lợi xã hội (diện mua nhà thu nhập thấp) khó kiếm nhà. Thậm chí, nhà thu nhập thấp bị đẩy giá lên. Đến nay, khi ế lại lấy đối tượng này làm phép chuyển. Như vậy, dễ bị hiểu lầm lấy tiền làm ngân sách để giải quyết hàng tồn kho cho đại gia BĐS, GS nghĩ sao về điều này?
Không, nghĩ dưới một góc độ nào đó điều đó có thể có lý. Nhưng chúng ta hãy hiểu lúc này là lúc giải cứu thị trường BĐS, nó có tác động rất lớn đến việc làm ấm lại nền kinh tế, để cho nền kinh tế hoạt động tốt hơn, không chịu tác động của những nhược điểm của những giai đoạn vừa qua. Chúng ta hãy lấy tiêu chí đó làm chính.
Phân tích dưới góc độ đó thì đây là việc chúng ta cần làm. Còn khi làm xong chúng ta có thể rút kinh nghiệm vì sao nó lại như thế, đã làm những cái gì mà chính sách đó chưa ổn, dẫn đến tình trạng này thì đó là việc sau. Trong mỗi giai đoạn chúng ta hãy đưa những mục tiêu chính để chúng ta thực hiện.
Nhưng nếu có hiện tượng đó thì chúng ta phải giải quyết như thế nào?
Như tôi đã nói phải minh bạch và công bằng là biện pháp mà chúng ta phải đáp ứng, phải thực hiện để việc đó không phải là cứu một đại gia BĐS nào đó, hoặc một vài đại gia BĐS nào đó.
Đây là chủ trương chúng ta giải phóng hàng tồn kho. Tức là giải phóng nợ xấu hiện nay. Để giải phóng nó đằng nào chúng ta cũng phải có nhà ở công vụ, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư. Những việc đó chúng ta tiến hành theo một phương thức đấu giá sao cho không vượt quá dự chi ngân sách về các loại nhà này.
Nhà công vụ, nhà xã hội, nhà tái định cư thì tôi cho rằng đây cũng không phải việc cứu mà là một việc đảm bảo cho chi ngân sách đúng nguyên tắc. Và đồng thời nó lại đóng góp giải phóng nợ xấu mà hiện nay chúng ta đang gặp phải.
Theo GS, liệu có thể làm phép chuyển thay tên đơn giản như vậy không?
Theo tôi, mọi việc phải căn cứ vào quy hoạch. Ví dụ như việc quy hoạch nhà ở này là nhà ở thương mại hay xã hội thì câu chuyện đó là câu chuyện quy hoạch phù hợp hoàn toàn là chuyện chúng ta làm được.
Cũng có thể quy hoạch lúc này là nhà ở, bây giờ biến thành một trung tâm thương mại chẳng hạn, hoặc trung tâm dịch vụ thì điều quan trọng chúng ta phải xem xét có phù hợp với quy hoạch hay không.
Còn khi đã phù hợp với quy hoạch thì việc gọi nó là thế này hay thế kia thì không có vấn đề gì lắm.
Nhà thu nhập thấp, nhà tái định cư trước đây có quy chuẩn cụ thể như thế nào, giờ phải thay đổi ra sao để phù hợp với nhà thương mại, thưa GS?
Tôi cho rằng nó cũng không có gì riêng biệt cho nhà tái định cư. Nhà tái định cư phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của hộ xây dựng. Mục tiêu đáp ứng giá trị nó như vậy thì xây dựng nó theo từng dự án. Những dự án được duyệt theo đúng quy chuẩn của Bộ Xây dựng thì hoàn toàn được sử dụng vào mục đích đó.
Nhà tái định cư là nhà nước giải quyết tái định cư thì phải xây dựng trước để tạo điều kiện người được tái định cư có nhiều lựa chọn phương án cho mình.
Theo tôi cũng không có gì vướng mắc trong chuyện quy chuẩn chuẩn cho từng loại nhà khác nhau. Vấn đề là cái quy chuẩn kỹ thuật đó nó theo đúng cái văn bản mà Bộ Xây dựng đã ban hành và cấp hạng nhà ấy ứng với quy chuẩn đó thỏa mãn là được.
Thực ra mà nói nhà thu nhập thấp, nhà ở thương mại có gì khác nhau đâu. Về nguyên tắc đó là một không gian ở. Còn ở đó chất lượng nó như thế nào thì phụ thuộc vào dự án đó hình thành.
Để giải quyết tình hình BĐS hiện nay, Dự thảo còn dự tính lập ra các quỹ mới như quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ đầu tư BĐS… GS nhìn nhận điều này như thế nào?
Quỹ là một phương án huy động vốn phù hợp với thị trường BĐS hơn là luồng tín dụng. Bởi quỹ có thể đảm bảo cho các khoản vay trung hạn và dài hạn, được huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau.
Các giải pháp thành lập các quỹ là kiến nghị từ rất lâu, và đây là một biện pháp lâu dài cho thị trường BĐS chứ không phải là giải pháp trước mắt.
Giải pháp trước mắt hiện nay là chúng ta tình thành lập quỹ thì bao giờ quỹ vận hành. Việc khuyến khích thành lập các quỹ để tạo ra nguồn huy động mới cho thị trường BĐS thì đây là một giải pháp cho một tương lai xa hơn chứ không phải là giải pháp trước mắt.
Nhưng chúng ta phải làm trước mắt mới đạt được cách thức huy động vốn tốt hơn cho một tương lai xa hơn.
Cần phải kiểm soát quỹ này như thế nào để tránh thất thoát, sử dụng không đúng mục đích hoặc bị chiếm dụng vốn thưa GS?
Khi thành lập quỹ bao giờ nó cũng có quy tắc hệ thống hành lang pháp lý kèm theo thì bây giờ mới là chủ trương hoặc chủ trương đã có rồi thì bây giờ phải đẩy mạnh hình thành các quỹ này thì giải pháp nó là như vậy.
Còn khi các quỹ vận hành thì nó đều có hành lang pháp lý kèm theo. Điều đó chúng ta phải làm.
Tất nhiên, cái gì chúng ta cũng cần minh bạch. Ví dụ hoạt động của quỹ ai đóng góp? Phát hành gọi vốn cho quỹ là như thế nào? Quỹ này cho ai vay? Cho dự án nào vay cần phải minh bạch. Tôi cho rằng cái tối thiểu đầu ra đầu vào đầu ra của quỹ phải minh bạch.
- Xin cảm ơn GS!