Không dùng tiền ngân sách mua nợ xấu

Sáng 1/11, tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã đóng góp ý kiến tâm huyết, kêu gọi đổi mới để vượt qua khó khăn trong năm 2014-2015 đã được dự báo trước.

Không đổi mới, không hết khó khăn

Về những băn khoăn của các ĐB về cách tính GDP, độ chính xác của các con số thống kê, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết thống kê của Việt Nam chưa phải là hiện đại, toàn diện nhưng đã hòa nhập quốc tế nên các phương pháp thống kê đều tương thích với thế giới. “Hằng năm các tổ chức thế giới đều kiểm tra, giám sát. Nên cơ bản là chấp nhận được còn tuyệt đối chính xác thì không ai đảm bảo được”, ông Vinh nói.

Ông Vinh khẳng định, số liệu thống kê cho thấy ngành sản xuất của đang phục hồi, mặc dù chưa nhiều và chưa căn bản, bền vững nhưng đó là những tín hiệu tốt.

Về con số tăng trưởng 5,4% GDP cho năm 2013, Bộ trưởng Vinh chia sẻ, đây là con số hoàn toàn có căn cứ và cần xây dựng niềm tin để vươn tới. Theo Bộ trưởng Vinh, đây là thời điểm quan trọng của đất nước, nên điều quan trọng nhất là Quốc hội cần phân tích kỹ và có cách nhìn thẳng thắn để trả lời câu hỏi làm gì và làm thế nào để chuẩn bị cho trung hạn và dài hạn.

“Năm 2014 – 2015, nếu Việt Nam không đổi mới chắc chắn sẽ khó khăn, đó là điều hoàn toàn có căn cứ, và tôi tin là ĐB cảm nhận được điều này. Tôi tin tưởng đất nước Việt Nam sẽ phát triển không thua kém các nước như Hàn Quốc và Nhật Bản”, Bộ trưởng Vinh bày tỏ hy vọng.

Không dùng tiền ngân sách mua nợ xấu - 1

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh.

Có cách nhìn khác về vấn đề nguồn nhân lực, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Ngô Đức Mạnh cho rằng, chất lượng lao động Việt Nam chỉ bằng 1/10 của Indonesia, 1/20 của Thái Lan, 1/135 của Nhật Bản. ĐB Mạnh đề nghị phải đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hội nhập quốc tế, có như vậy ta mới có đủ năng lực để thương thảo các hợp đồng thương mại, có đủ nhân lực để tham gia các nghĩa vụ hội nhập của mình. Bài toán này phải giải từ khâu cải cách giáo dục, cải cách đào tạo nguồn nhân lực, và nhất là xây dựng chế độ tuyển dụng, sử dụng được người tài vào cơ quan của nhà nước.

Ngoài ra, ông Mạnh cho rằng cần tăng cường sự tham gia của gần 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, quan tâm tới công tác bảo hộ, tạo điều kiện cho đồng bào có điều kiện về nước làm ăn sinh sống, mua nhà đất, huy động trí tuệ, đóng góp vào sự nghiêp xây dựng đất nước.

Tập trung giải quyết nợ xấu

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, dưới sự điều hành của Chính phủ, nền kinh tế có bước chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn có nhiều hạn chế như hụt thu ngân sách lớn, tái cơ cấu nền kinh tế chậm, nợ xấu vẫn chưa được giải quyết.... ĐB An kiến nghị Chính phủ cần đưa ra phân tích cụ thể về nguyên nhân nền kinh tế phát triển không bền vững. Theo ĐB An, vấn đề nợ xấu rất nguy hiểm, gây ảnh hướng lớn đến quá trình phát triển kinh tế.

Về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nêu con số, riêng Công ty quản lý tài sản (VAMC) đến nay đã mua vào được khoảng 10 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Ông Bình cho biết, các nước đều có công ty tương tự như vậy, người ta sử dụng lượng tiền lớn để tiến hành mua lại nợ của các tổ chức tín dụng, ta có nhiều khó khăn nên không thể rập khuôn kinh nghiệm của nước bạn mà phải có cơ chế chính sách phù hợp.

“Việc mua bán nợ của VAMC không sử dụng tiền ngân sách, các khoản nợ mà VAMC đã mua lại thì không tính vào nợ xấu của doanh nghiệp, do vậy tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn mới. VAMC mua nợ về thì sẽ tiến hành cơ cấu lại các khoản nợ cả về lãi suất, về tính chất nguồn vốn, thời hạn vay… Phấn đấu trong năm nay VAMC mua được 30-35 nghìn tỷ đồng nợ xấu, từ nay đến năm 2014 mua được 100 đến 150 nghìn tỷ đồng, tạo ra thị trường mua bán nợ tập trung”, Thống đốc Bình nói.

Ông Bình cho rằng do dốc sức triển khai nhiều biện pháp nên nợ xấu của toàn hệ thống đã không tăng thêm trên 10% nữa. Để xử lý nợ xấu phải có các giải pháp đồng bộ hơn, trong đó nếu giải quyết được nợ đọng xây dựng cơ bản sẽ giải quyết được 3% nợ xấu, và về tổng thể cần tăng tổng cầu của nền kinh tế để có khởi sắc hơn góp phần giải quyết căn bản nợ xấu.

Trong khi đó, ĐB Đặng Ngọc Quỳnh (Hưng Yên) cho rằng, nói nhiều đến nợ xấu ngân hàng nhưng ít nói đến nợ thuế chưa thu được. Tình hình hiện nay là thu thuế chậm và hoàn thuế nhanh, cần kiên quyết truy thu nợ thuế để tăng thu ngân sách.

Từ câu chuyện thất thoát tại Vinashin và Vinalines, Đại biểu Dương Trung Quốc nói: QH có trách nhiệm ban hành Luật Ngân sách, thông qua và quyết toán ngân sách hàng năm, quyết định những khoản thu chi đặc biệt như những vấn đề quốc gia đại sự và thực thi việc giám sát ngân sách thường xuyên. Chính phủ là người được giao chi tiêu theo luật và chịu sự giám sát của QH. “Cho nên hiệu quả sử dụng ngân sách trước tiên thuộc về QH; QH và ĐBQH không thể cho mình vô can trước những sai phạm trong bộ máy hành pháp và phải chịu trách nhiệm trước nhân dân như người được ủy thác”, ông Quốc nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Khanh (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN