Không dễ xử lý nợ xấu theo giá thị trường
Nhiều chuyên gia tài chính băn khoăn dùng tiền ngân sách mua nợ xấu và chẳng may thị trường biến động, tài sản thế chấp của khoản nợ xấu đó không bán được hoặc phải bán thấp hơn giá vốn thì trách nhiệm thuộc về ai?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra phương án dùng ngân sách để xử lý một phần nợ xấu. Đề xuất này nằm trong dự thảo Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Trong khi đó, lãnh đạo Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết VAMC sẽ có thêm vốn để mua nợ xấu theo giá thị trường nhưng phải bảo đảm không lỗ.
Lo ảnh hưởng do thị trường biến động
Lâu nay, VAMC mua nợ xấu từ các ngân hàng (NH) theo giá trị sổ sách. NH nhận lại trái phiếu đặc biệt và có thể dùng làm tài sản thế chấp vay vốn NH Nhà nước khi cần thiết. Mặt khác, NH cũng dùng lợi nhuận để trích lập dự phòng 10%-20% giá trị nợ/năm, kéo dài trong 5-10 năm. Sau thời gian này, nợ xấu coi như được giải quyết, NH trả lại trái phiếu cho VAMC.
Nợ xấu đang là gánh nặng của nhiều ngân hàng. Ảnh: Tấn Thạnh
Như thế, VAMC giống như kho cất giữ nợ xấu với một thời gian nhất định. Khi thị trường thuận lợi, con nợ và NH thống nhất bán tài sản; NH thu hồi được nợ và số tiền này trở thành lợi nhuận. NH có nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước, chia cổ tức, chi trả lương, thưởng cho nhân viên, trích lập các quỹ hoạt động...
Một phương thức khác là VAMC có thể mua nợ xấu theo giá thị trường. Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐTV VAMC, ông Nguyễn Quốc Hùng, phương thức giao dịch này không dễ thực hiện bởi nếu sau khi mua, thị trường biến động không tốt thì VAMC sẽ lãnh đủ. Còn nếu mua với giá thấp thì NH không bán. Hệ quả là bên mua và bên bán không gặp nhau và đến nay, VAMC chưa mua được khoản nợ xấu nào theo giá thị trường từ các NH.
“Vì thế, muốn mua bán nợ theo giá thị trường cần phải có một tổ chức trung gian như Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp định giá khoản nợ. Nếu không, nhà nước có tăng thêm vốn, VAMC cũng không dám nhận” - ông Hùng nói.
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - NH, trong 465.000 tỉ đồng nợ xấu, hệ thống NH đã cơ bản xử lý 55%, 45% còn lại bán cho VAMC và các tổ chức khác, chứ không phải tất cả gom về VAMC và “nằm chết” ở đó. VAMC đã mua từ các NH khoảng 250.000 tỉ đồng nợ xấu và đến nay, trên sổ sách xử lý được khoảng 15%. Thế nhưng, việc xử lý nợ xấu của VAMC đang gây nhiều băn khoăn về việc có nên sử dụng tiền ngân sách hay không.
Nhùng nhằng quan hệ giữa chủ nợ và con nợ
Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng phương án dùng ngân sách mua nợ xấu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đúng song thời điểm này chưa cần thiết. Vấn đề trước mắt là cần có cơ chế, hành lang pháp lý mới để NH và VAMC thuận mua vừa bán. Ví dụ, một khoản nợ xấu được định giá 100 đồng và để bảo đảm không thua lỗ, nhà nước có thể tạo ra cơ chế cho phép VAMC mua với giá 60 đồng. Như vậy, NH chỉ trích lập dự phòng cho 40 đồng trong vòng 5-10 năm. Sau đó, VAMC sẽ bán nợ ra thị trường và nếu giá bán dưới 100 đồng thì NH phải chấp nhận, còn trường hợp có lãi thì VAMC sẽ chia sẻ với NH.
“Nếu được như thế, VAMC sẵn sàng nhận tiền ngân sách để mua nợ xấu rồi chuyển hóa thành “tiền tươi thóc thật” có giá trị ngang bằng hoặc nhiều hơn khoản nợ đã mua. Như vậy, ngân sách để xử lý nợ xấu không mất đi mà thực chất ứng trước cho VAMC một khoản tiền để mua bán nợ xấu” - ông Hùng phân tích.
Mới đây, nhà nước dự kiến luật hóa mua bán nợ xấu, đưa ra các quy định về việc đấu giá nợ xấu và tài sản thế chấp để tạo điều kiện cho VAMC xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 14-9, nhiều ý kiến cho rằng VAMC tự đấu giá hoặc lựa chọn công ty khác đấu giá tài sản là chưa ổn.
Để xử lý dứt điểm một khoản nợ xấu đã mua từ NH, lãnh đạo nhiều NH cho biết VAMC phải định giá và mua luôn tài sản thế chấp của khoản nợ xấu đó. Mặt khác, NH, con nợ (thường là chủ tài sản) phải đồng ý về giá cả, chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản. Sau đó, VAMC tiến hành đấu giá tài sản để bán cho người khác.
Thế nhưng, hiện nay, quyền của con nợ cao hơn chủ nợ. Dù rằng VAMC chào mua tài sản với mức giá hợp lý nhưng nếu con nợ không đồng ý thì việc xử lý nợ xấu sẽ bất thành. Chưa kể, nhiều năm trước, tài sản thế chấp được định giá rất cao. Nay, VAMC định giá lại phù hợp với giá cả thị trường nhưng có thể con nợ vẫn không đồng ý vì khi bán tài sản sẽ không đủ tiền trả hết nợ cho NH.
Ngân hàng tự xử lý là chính Trao đổi với báo giới, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết đang để cho các NH tự đề ra phương án xử lý nợ xấu. Chính phủ chỉ bảo đảm thị trường tài chính ổn định để NH hoạt động. Đó là sự hỗ trợ rất lớn của nhà nước cho các NH. “Trường hợp NH không khắc phục được nợ xấu thì buộc nhà nước phải vào cuộc. Khi đó, việc đầu tiên là nhà nước mua nợ xấu theo giá thị trường thông qua định giá của kiểm toán quốc tế. Nếu họ định giá tài sản thế chấp âm thì NH phải bù vào” - ông Kiên nhấn mạnh. |