Không có nước nào tính tiền lương như Việt Nam?

“Chúng tôi thấy không có quốc gia nào mà doanh nghiệp lại phải chịu chi phí bảo hiểm xã hội lớn như Việt Nam khi mà mức đóng của doanh nghiệp là 22% quỹ lương trả cho người lao động”.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ 2015, ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội Hàn Quốc cho biết, theo quy định mới của Bộ Luật lao động 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành, khái niệm “tiền lương” được hiểu là khoản tiền thực tế người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận bao gồm mức lương theo công việc, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Với khái niệm về tiền lương này, người sử dụng lao động sẽ phải chi trả thêm các khoản liên quan đến bảo hiểm xã hội, tiền lương làm thêm giờ và dẫn đến việc gia tăng gánh nặng chi phí nhân công.

Không có nước nào tính tiền lương như Việt Nam? - 1

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2015

Theo ông, Bảo hiểm xã hội nên được chi trả bằng ngân sách nhà nước, và với việc các doanh nghiệp phải gánh phần lớn chi phí ấy như ở Việt Nam thì đây đang trở thành một vấn đề cần xem xét.

“Chúng tôi thấy không có quốc gia nào mà doanh nghiệp lại phải chịu chi phí bảo hiểm xã hội lớn như Việt Nam khi mà mức đóng của doanh nghiệp là 22% quỹ lương trả cho người lao động. Hơn thế nữa, mức lương tối thiểu vùng tại Việt Nam lại tăng khá nhanh với mức 10- 15% mỗi năm. Như vậy cùng với việc thay đổi tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cũng như cách tính tiền lương làm thêm giờ cộng với chi phí tiền ăn cho người lao động thì chi phí nhân công tại Việt Nam tăng lên đáng kể và đánh mất tính cạnh tranh của ngành công nghiệp sản xuất”, ông Ryu Hang Ha nêu.

Ông Shimon Tokuyama, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng cho biết, lương tối thiểu đã tăng 15,1% trong năm 2015, cao hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát.

“Chúng tôi hiểu rằng Chính phủ Việt Nam đang đặt ra mục tiêu tăng lương tối thiểu lên 4 triệu đồng vào năm 2018 nên đưa ra phương án điều chỉnh tăng hằng năm để đạt được mục tiêu đề ra”, ông Shimon Tokuyama nói.

Tuy nhiên ông Shimon Tokuyama cho rằng, lương tối thiểu nên được tính toán trên xem xét chính xác tỷ lệ lạm phát, thất nghiệp và tỷ lệ GDP dự kiến; đưa ra định nghĩa thống nhất về tiền lương tránh tình trạng người lao động thường hay so sánh mức tăng lương của mình với doanh nghiệp bên cạnh, tranh chấp lao động có thể phát sinh.

Do những yếu tố tác động tới gánh nặng chi phí nhân công của doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc đưa ra kiến nghị, thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo cách tính tiền lương của quy định mới sang năm 2016.

Bên cạnh đó, một vấn đề cũng là quan ngại của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam có liên quan đến số giờ làm thêm.

Điều 106 của Bộ Luật lao động 2012 quy định, bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm ko quá 12 giờ trong 1 ngày; và không quá 30 giờ trong 1 tháng, tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm. Trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm.

Tuy nhiên ông Hang Ha cho rằng doanh nghiệp sản xuất rất khó có thể đáp ứng được các đơn hàng sản xuất hoặc tiến độ vào những thời kỳ cao điểm nếu tuân thủ quy định về thời gian làm việc thêm giờ này.

Điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh và buộc các doanh nghiệp phải tăng ca sản xuất trong những thời kỳ cao điểm, điều này dẫn đến việc tăng chi phí lao động. Chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không đôi khi phát sinh và doanh nghiệp phải giảm giá sản phẩm cho người mua theo các điều kiện do người mua hàng đặt ra.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc kiến nghị, Chính phủ xem xét bỏ quy định làm thêm giờ không quá 30 giờ/tháng, điều chỉnh và áp dụng linh hoạt các quy định về làm thêm giờ theo các biện pháp như vào thời kỳ cao điểm, doanh nghiệp có thể bố trí cho người lao động làm thêm giờ một cách linh động để đáp ứng tiến độ giao hàng. Vào thời kỳ thấp điểm, doanh nghiệp có thể bố trí giảm thời gian làm việc và thời gian làm thêm giờ.

Phản hồi lại những ý kiến này, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ ghi nhận những ý kiến đề xuất của đại biểu và tiếp tục nghiên cứu. Trước mắt, Bộ đã tham mưu Chính phủ để có hướng dẫn một số ngành, lĩnh vực được làm thêm không quá 300 giờ theo quy định tại Điều 106 của Bộ Luật lao động.

Về mức lương tối thiểu, lãnh đạo Bộ cũng cho rằng Điều 91 Bộ Luật Lao động quy định căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, gia đình và điều kiện kinh tế xã hội, mức tiền lương của thị trường, Chính phủ sẽ công bố mức lương tối thiểu vùng trêm cơ sở tham vấn Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Hiện nay mức lương tối thiểu vùng hằng năm còn rất thấp, chưa đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình nên cần điều chỉnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thùy (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN