Không chịu kém cạnh, đại gia Việt dồn dập ra tay thâu tóm công ty ngoại

Sự kiện: Kinh Doanh

Năm 2018 ghi nhận nhiều thương vụ mua bán sáp nhập trong đó ông chủ Việt ra tay thâu tóm doanh nghiệp ngoại.

Trong nhiều năm trở lại đây, khi nhắc đến các thương vụ thâu tóm doanh nghiệp có một bên là nước ngoài, người ta thường nghĩ ngay tới việc các thương hiệu lớn và tên tuổi Việt “bán mình” cho doanh nghiệp ngoại. Đơn cử mới đây như thương vụ đình đám 5 tỷ đôla mua cổ phần Sabeco của người Thái, tập đoàn SCG trở thành ông chủ mới của Nhựa Bình Minh.

Hay trước đó là một loạt các thương hiệu quen thuộc với người Việt đã rơi vào tay nước ngoài như Big C, Nguyễn Kim, Kinh Đô, Tribeco, Phở 24, Dạ Lan… Và sắp tới tiếp tục có lẽ là Habeco. 

Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay, đã xuất hiện các thương vụ M&A mà đại gia Việt với sức mạnh tài chính và sự tự tin của mình, đã đi thâu tóm các doanh nghiệp nước ngoài. 

FPT thâu tóm công ty tư vấn công nghệ của Mỹ

Mới đây Tập đoàn FPT thông báo đã kí kết mua 90% cổ phần của Intellinet Consulting (Intellinet). Công ty này thành lập từ năm 1993, có trụ sở tại Atlanta, Mỹ, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn công nghệ. Intellinet có nhiều chuyên gia kinh nghiệm và khoảng 200 khách hàng lớn, trong đó có nhiều khách hàng trong danh sách Fortune 500.

Không chịu kém cạnh, đại gia Việt dồn dập ra tay thâu tóm công ty ngoại - 1

Lễ ký kết thỏa thuận đầu tư chiến lược giữa FPT và Intellinet. Ảnh: FPT

Intellinet đạt doanh thu 30 triệu USD vào năm 2017 và được Consulting Magazine đánh giá là một trong những công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ (dựa trên tăng trưởng doanh thu giai đoạn 2013-2016). Về giá trị thương vụ, FPT cho biết công ty đã trả cho Intellinet 30 triệu USD và phần còn lại sẽ dựa vào kết quả kinh doanh của Intellinet trong tương lai. Tổng giá trị của thương vụ có thể lên tới 40-50 triệu USD.

Cách đây 4 năm, vào 2014, FPT cũng đã gây tiếng vang lớn trong thị trường M&A khi công bố mua lại một công ty công nghệ thông tin tại châu Âu - Công ty RWE IT Slovakia - công ty con của một tập đoàn hàng đầu về năng lượng của Đức. Đây là thương vụ mua bán sáp nhập đầu tiên tại nước ngoài của một doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam.

Vinamilk đẩy mạnh thâu tóm các công ty và nhà máy sữa nước ngoài

Mới đây nhất, vào 19/7, Vinamilk đã thông báo về việc HĐQT công ty đã thông qua nghị quyết về việc đầu tư nắm giữ 51% cổ phần của công ty Lao-Jagro Development Xieng Khouang Co., Ltd có trụ sở tại tỉnh XiengKhouan, Lào để phát triển tổ hợp trang trại bò sữa - bò thịt công nghệ cao. Tổng vốn đầu tư của dự án do các bên góp vốn là hơn 38.7 triệu USD.

Không chịu kém cạnh, đại gia Việt dồn dập ra tay thâu tóm công ty ngoại - 2

Bò sữa Organic của Vinamilk.

Trước đó, năm 2014, Vinamilk đã rót 7 triệu USD để mua 70% cổ phần của Driftwiood – công ty của Mỹ có trụ sở chính tại bang Califonia, Hoa Kỳ. Driftwood chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm từ sữa (sữa tươi, sữa đậu nành, kem sữa…), nước hoa quả và đồ ăn nhẹ… Năm 2016, Vinamilk tiếp tục rót thêm 3 triệu USD vào công ty này để tăng tỷ lệ sở hữu lên 100% và làm chủ duy nhất của Driftwiood.  

Cuối tháng 7/2017, Vinamilk cũng đã hoàn tất thâu tóm 100% cổ phần của AngkorMilk với tổng số vốn đầu tư là 20,9 triệu USD. 

VinFast thâu tóm “ông lớn” xe hơi Mỹ

Ngày 28/6, Tập đoàn Vingroup đã công bố thông tin về việc VinFast (thương hiệu xe hơi của Vingroup) chính thức "thâu tóm" thành công toàn bộ nhà máy của General Motors (GM) tại Hà Nội để tăng cường năng lực sản xuất dòng ô tô cỡ nhỏ đã được VinFast mua bản quyền từ GM. 

VinFast cũng sẽ tiếp nhận lại toàn bộ hệ thống đại lý uỷ quyền hiện tại của thương hiệu Chevrolet và trở thành nhà phân phối độc quyền thương hiệu này tại thị trường Việt Nam.

Trước khi thuộc về VinFast, GM Việt Nam bán ra gần 10.600 xe vào năm 2017 và nắm hơn 4% thị phần phân phối xe hơi tại Việt Nam. Đến hết tháng 5 vừa qua, GM đã bán gần 4.000 chiếc tại thị trường Việt.

Không chịu kém cạnh, đại gia Việt dồn dập ra tay thâu tóm công ty ngoại - 3

Các hoạt động bán hàng, dịch vụ xe Chevrolet sắp tới sẽ do VinFast thực hiện.

Trước đó, thương hiệu xe hơi của Vingroup cũng đã bắt tay với một loạt đối tác lớn trong ngành công nghiệp ôtô như BMW, Magna Steyr, AVL, Pininfarina, Bosh, Siemens, với mục tiêu sản xuất ra các dòng xe tiêu chuẩn quốc tế.

Trong quá khứ, một số đại gia nổi tiếng khác cũng đã từng thâu tóm các doanh nghiệp ngoại. Giai đoạn 2015-2016, Masan mua lại 52% cổ phần Công ty cổ phần Việt - Pháp chuyên sản xuất thức ăn gia súc (thương hiệu Proconco) và 100% cổ phần Công ty cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco). Hay vào năm 2015, Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) thâu tóm thành công Công ty Mass Noble của Mỹ.

Mặc dù mức độ thành công của các thương vụ thâu tóm này còn phải đợi thời gian trả lời, nhưng nó cho thấy tín hiệu đáng mừng rằng nhiều doanh nghiệp Việt đang tự tin vào tiềm lực kinh doanh của mình. Đây là một xu hướng cần khuyến khích để gia tăng sức ảnh hưởng của thương hiệu và sản phẩmViệt Nam trên thị trường quốc tế, qua đó có thể chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Sơn ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN