Không chỉ bóng đá, kinh tế cũng có nhiều tin vui dịp cuối năm!
Ông Vũ Tiến Lộc, cho biết không chỉ bóng đá, lĩnh vực kinh tế cũng đang có rất nhiều tin vui dịp cuối năm.
Phát biểu sáng 4/12 tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2018 (VBF 2018), ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra những niềm vui dịp cuối năm của kinh tế Việt Nam như ngày 18/10, Ủy ban Châu Âu quyết định đệ trình EVFTA lên Hội đồng Châu Âu; ngày 12/11, Quốc hội Việt nam thông qua Nghị quyết phê chuẩn CPTPP.
Ông Lộc cho biết, hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đánh dấu một bước tiến quan trọng của Việt Nam trong tiến trình hội nhập đỉnh cao, vươn tới những chuẩn mực hàng đầu trên thế giới.
Tiếp đó, ngày 18/11, PWC công bố báo cáo khảo sát ý kiến của gần 1.200 CEO hàng đầu của 21 nền kinh tế APEC. Kết quả, năm 2018 là năm thứ 2 liên tiếp, Việt Nam đã vượt Trung Quốc trở thành nền kinh tế có tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất. Sau Việt Nam, trong Top 5 còn có Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia và Thái Lan. Cũng theo kết quả cuộc khảo sát này, 34 - 40% doanh nghiệp ở Việt Nam kỳ vọng các hiệp định thương mại tự do mới sẽ giúp họ tăng doanh thu trong thời gian tới.
Ông Lộc cho biết, hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đánh dấu một bước tiến quan trọng của Việt Nam trong tiến trình hội nhập đỉnh cao, vươn tới những chuẩn mực hàng đầu trên thế giới.
Thương mại toàn cầu và các chuỗi giá trị đang dịch chuyển và Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế được dự báo sẽ hưởng lợi nhiều từ quá trình này.
Ông Vũ Tiến Lộc, cho biết không chỉ bóng đá, lĩnh vực kinh tế cũng đang có rất nhiều tin vui dịp cuối năm.
“Nhưng tất cả mới chỉ là cơ hội. Chìa khóa thành công cho quá trình chuyển các cơ hội thành hiện thực chính là công cuộc cải cách thể chế trong nước. Hội nhập và cải cách thể chế luôn là cặp đôi song sinh tạo ra những động lực chính cho sự phát triển của Việt Nam”, ông Lộc nhấn mạnh.
Đại diện VCCI cho biết, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực cải cách của Chính phủ trong năm qua, đặc biệt là ở 2 điểm sáng nhất: Chương trình cải cách hành chính, cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành cùng những nỗ lực bước đầu trong việc xây dựng Chính phủ điện tử và nền kinh tế số.
Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng những chuyển động dù rất ấn tượng nhưng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng của doanh nghiệp. Đáng chú ý, mức độ chuyển biến không đồng đều, có sự chênh lệch khá lớn giữa các lĩnh vực và địa phương.
Đơn cử như việc cắt giảm điều kiện kinh doanh có nhiều tín hiệu tích cực nhưng vẫn có 58% doanh nghiệp đang phải xin các loại giấy phép kinh doanh có điều kiện và 42% doanh nghiệp trong số đó cho biết họ gặp khó khăn khi xin phép.
Đại diện VCCI, ông Lộc kiến nghị sớm có tiêu chí thống nhất về tiêu chuẩn của điều kiện kinh doanh để bảo đảm hiệu quả và nhất quán, nhân rộng mô hình trung tâm một cửa quốc gia của Bộ Xây dựng để doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ tại một cơ quan nhà nước, cơ quan đó có trách nhiệm phải chuyển hồ sơ cho các cơ quan khác theo yêu cầu.
Về thanh kiểm tra, Chủ tịch VCCI kiến nghị giao nhiệm vụ cho cơ quan thanh tra tỉnh làm đầu mối kiểm soát các hoạt động thanh kiểm tra doanh nghiệp trong tỉnh, kể cả các cuộc thanh kiểm tra của các bộ ngành trung ương. Theo đó, mọi cuộc thanh tra theo kế hoạch phải được thông báo trước cho cơ quan thanh tra tỉnh để sắp xếp và bố trí nhằm đạt 3 mục tiêu: Giảm số lần và thời gian thanh, kiểm tra; không thanh, kiểm tra trùng lặp; tăng tối đa số đoàn liên ngành, thay vì mỗi đơn vị tiến hành riêng lẻ, áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra.
“Đây cần phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm của các bộ ngành, chứ không thể chỉ dừng lại ở giai đoạn nghiên cứu, cân nhắc áp dụng như hiện nay”, ông Lộc nói.
Ngoài ra, đại diện VCCI cũng kiến nghị các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục tăng cường công khai minh bạch thông tin trên website cơ quan chính quyền, đặc biệt là việc đăng tải đầy đủ các thông tin như các quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương, các dự án đầu tư công, đấu thầu, các dự án kêu gọi đầu tư, các dự án đối tác công tư.
“Những thông tin về phản hồi, đánh giá, phản ánh vướng mắc kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp cũng cần được chú ý đăng tải, ví dụ như đánh giá mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về các thủ tục hành chính của địa phương. Ngoài ra, danh sách các đối tượng bị thanh, kiểm tra theo kế hoạch cũng cần được đăng tải trên website của các cơ quan nhà nước”, ông Lộc kiến nghị.