Không bán cổ phần Tập đoàn Cao su Việt Nam cho nhà đầu tư nước ngoài vì sao?

Sự kiện: Kinh Doanh

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, trong phương án cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam không có nhà đầu tư nước ngoài vì đây là Tập đoàn có vốn lớn, đất đai lớn, lao động cũng rất lớn.

Tại buổi họp báo về tình hình của ngành năm 2017 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 29/12, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phê duyệt tiêu chí, quyết định và chịu trách nhiệm lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong nước sau khi bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng, không bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài; bảo đảm nhà đầu tư cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Không bán cổ phần Tập đoàn Cao su Việt Nam cho nhà đầu tư nước ngoài vì sao? - 1

Ảnh minh họa

“Đây là Tập đoàn có vốn lớn, diện tích đất đai lớn không chỉ trong nước mà quốc tế, cụ thể trong nước với hơn 300.000 ha và nước ngoài hơn 100.000 ha, số lượng lao động thường xuyên và thời vụ cũng rất lớn. Việc tiến hành cổ phần hóa Tập đoàn này diễn ra rất thận trọng, cân nhắc để tránh những tác động không đáng có”, Thứ trưởng nói.

Cũng theo Thứ trưởng, sau khi cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nhà nước vẫn nắm giữ 75% vốn điều lệ, nên về cơ bản đây vẫn là doanh nghiệp nhà nước. 25% vốn xã hội hóa sau khi bán đấu giá công khai, bán cho người lao động, bán cho công đoàn trong doanh nghiệp, còn lại 11,25% cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, nhưng không bán cho nhà đầu tư nước ngoài.

Lý giải vì sao không bán cổ phần của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài,Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, có rất nhiều lý do nhưng cơ bản nhất là vì đất đai, tập đoàn này có hơn 300.000 ha, có những nơi có vị trí rất quan trọng về kinh tế, quốc phòng an ninh, đất đai ở đô thị cũng có những vị trí rất đắc địa.

Thứ hai, hơn 100.000 ha của Tập đoàn này được Chính phủ Lào và Campuchia cho phép đầu tư. Vì vậy muốn cổ phần hóa đưa thêm nhà đầu tư khác ở nước ngoài cần có sự đồng ý theo thông lệ quốc tế.

Theo thứ trưởng Hà Công Tuấn, đến bây giờ chưa có nhà đầu tư chiến lược nào đàm phán chính thức, nhưng Bộ NN&PTNT tin rằng với cách làm công khai, minh bạch, chắc chắn sẽ có nhà đầu tư chiến lược xuất hiện.

Trước đó, ngày 26/12, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký Quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển thành công ty cổ phần Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG).

Như vậy, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có số lượng cổ phần tương đương là 4 tỉ cổ phần. Với mức giá khởi điểm thực hiện IPO, công ty được định giá lên 52.000 tỉ đồng. Trong đó, Nhà nước sẽ nắm giữ 75% vốn điều lệ, tương ứng 3 tỉ cổ phần. Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 475.123.761 chiếm 11,88% vốn điều lệ. Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 48.921.710, chiếm 1,22% vốn điều lệ. Cổ phần bán cho tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp là 830.769 cổ phần, chiếm 0,02% vốn điều lệ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thùy (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN