Khốn đốn với dự án BĐS mác dầu khí
Dự án Hanoi Time Tower được khởi công từ lâu tại khu đô thị mới Văn Phú, quận Hà Đông, nhưng đến nay, tiến độ vẫn chậm như rùa. Đây là một trong số nhiều dự án gắn mác "dầu khí"mà người mua nhà ồ ạt đòi rút vốn.
Dự án Hà Nội Time Towers do công ty cổ phần Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí (PVCR) làm chủ đầu tư. Không chỉ bị chậm cả năm trời, mà trong quan hệ với khách hàng, chủ đầu tư cũng có nhiều khuất tất, thiếu tôn trọng. PVCR đã đơn phương giữ toàn bộ hợp đồng đặt cọc quyền mua của khách, chỉ giao giấy biên nhận cho nhà đầu tư. Ngay cả việc dự án bị chậm, khách hàng cũng không nhận được thông tin nào từ phía chủ đầu tư.
Trước đó ít lâu, không ít người mua nhà phải vất vả mới có cơ hội giành quyền mua căn hộ, với mức giá chênh hàng trăm triệu đồng. Từ mức giá trên 23,7 triệu đồng/m2, trên thị trường bất động sản hiện nay nhiều người mua chấp nhận bán rẻ với giá chỉ 21 triệu đồng. Dự án dậm chân tại chỗ khiến cho người mua đua nhau rút vốn.
Trả lời báo chí, chủ đầu tư cho hay, dự án chậm tiến độ do tình hình kinh tế khó khăn chung, thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều dự án của các nhà đầu tư bị ảnh hưởng đến tiến độ, bán hàng, giá cả... Vì vậy, dự án Hanoi Time Towers cũng ít nhiều bị ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Chủ đầu tư đưa ra lời hứa sẽ kịp tiến độ, tuy nhiên, nhiều người mua nhà vẫn nghi ngại.
Dự án Diamond Tower ban đầu do Công ty cổ phần bất động sản Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC Land) làm chủ đầu tư, sau đó PVFC Land chuyển nhượng cho Công ty Đầu tư xây lắp Dầu khí Imico. Đến cuối năm 2010, Imico tiếp tục chuyển nhượng dự án cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Vinaconex PVC.
PVFC Land đã từng trả lời rằng, đơn vị này không phải là chủ đầu tư nên việc tiến hành khởi công hay thi tuyển phương án kiến trúc và lập dự án đầu tư dự án không thuộc trách nhiệm, quyền hạn của PVFC Land. Sau nhiều lần đổi chủ, dự án chậm tiến độ chỉ nhà đầu tư bị thiệt.
Một dự án bất động sản đang được chào bán tới các nhà đầu tư (ảnh minh họa)
Một dự án khác của doanh nghiệp dầu khí là Nam Đàn Plaza tại đường Phạm Hùng, khởi công xây dựng từ năm 2008 và theo kế hoạch, sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2010. Tuy nhiên, nhiều năm sau khi khởi công, dự án vẫn chưa triển khai được gì, hiện đang cho thuê làm sân bóng, chỗ gửi xe.
Trước đó, hàng loạt cổ đông lớn từng góp vốn đầu tư dự án đã tìm cách thoái vốn khỏi dự án. Công ty CP Địa ốc Dầu khí đang làm thủ tục dự kiến chuyển đổi chức năng từ tổ hợp công trình TTTM và văn phòng cao cấp thành trung tâm thương mại và chung cư. Dự án đổi tên thành Pha Lê Xanh với quy mô khoảng hơn 1.000 căn hộ, cao 54 tầng.
Mới đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khẳng định đã báo cáo Chính phủ về việc xin rút vốn khỏi đầu tư dự án PVN Tower (Mễ Trì - Từ Liêm - Hà Nội). Dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 600 triệu đôla này sẽ huy động vốn xã hội từ nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước
Tại Quảng Ninh, hai dự án rùa của tập đoàn này cũng bị chính quyền địa phương buộc phải đề nghị thu hồi. Hai dự án của tập đoàn đang triển khai tại Quảng Ninh là dự án xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng và khách sạn Hạ Long (khu trung tâm Cột Đồng Hồ thuộc phường Bạch Đằng, TP. Hạ Long); và khu đô thị sinh thái thương mại dịch vụ Đảo Việt (xã Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên).
Theo cam kết của chủ đầu tư là PVN, đến hết quý IV năm nay, dự án xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng và khách sạn Hạ Long sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được xúc tiến đầu tư và hiện tập đoàn đã chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương tiếp quản dự án. Với dự án khu đô thị sinh thái thương mại dịch vụ Đảo Việt, UBND tỉnh Quảng Ninh đã hai lần gia hạn dự án, nhưng PVN cũng chưa hoàn thành.
Lãnh đạo Quảng Ninh cho rằng, tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho PVN trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, song cả hai dự án đều đã quá chậm so với tiến độ cam kết, mà nguyên nhân chính là do chủ đầu tư.
Hơn nữa, việc PVN chuyển nhượng dự án xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng và khách sạn Hạ Long cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương là không đúng với quy định của pháp luật. Vì vậy, theo quy định, cả hai dự án này đều buộc phải thu hồi.
Có thể nói những dự án mác dầu khí trước đây luôn được gắn vào hàng sao, người mua và nhà đầu tư đều kỳ vọng nhiều vào uy tín và tiềm lực của chủ đầu tư nhưng thực tế họ đã thất vọng. Họ đã phải mua chênh, góp vốn từ những ngày đầu khi dự án còn trên giấy đến khi dự án chậm tiến độ, gặp vấn đề về pháp lý chính họ là người chịu thiệt đầu tiên. Thị trường khó khăn cũng là một cuộc sàng lọc các chủ đầu tư, chỉ những dự án người thực việc thực sẽ tồn tại và nhận được sự quan tâm của khách hàng.