"Khóc ròng" vì khách, chủ tiệm cầm đồ vẫn thu lợi “khủng” trong mùa World Cup

Sự kiện: World Cup 2026

Theo quy định pháp luật, lãi suất cho vay theo hình thức cầm đồ không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Nhưng thực tế, hầu hết tiệm cầm đồ đều vi phạm mức lãi suất này.

Tiệm cầm đồ thu lợi “khủng” mùa World Cup

Bước vào mùa World Cup, các tiệm cầm đồ cũng trở nên nhộn nhịp, bận rộn hơn. Khách đến cầm cố tài sản không đếm xuể, chủ tiệm cầm đồ cũng hoạt động hết “công suất”. Vì quá nhiều khách đến cầm đồ, không ít tiệm cầm đồ từ chối các tài sản có giá trị thấp, lại để tốn diện tích, họ chỉ nhận điện thoại, laptop xịn.

World Cup bước vào giai đoạn kết thúc, các con bạc thua cá độ bóng đá “bỏ của chạy lấy người” khiến các tiệm cầm đồ ồ ạt rao bán tài sản của khách giá rẻ. Không ít chủ tiệm cầm đồ than thở về vấn đề thanh lý tài sản của khách bị lỗ.

"Khóc ròng" vì khách, chủ tiệm cầm đồ vẫn thu lợi “khủng” trong mùa World Cup - 1

Dù than lỗ khi dân cá độ "bỏ của chạy lấy người", thực tế chủ tiệm cầm đồ thu lợi khủng từ mùa World Cup này.

Tuy nhiên, chủ tiệm cầm đồ có khẳng định đang xả hàng, bán lỗ, nhưng khi tìm hiểu, tất cả số hàng đang gắn mác giá rẻ đều được cầm cố với hơn phân nửa giá trị thật của tài sản. Một số mặt hàng đã bị ép giá, mua lại của con bạc cá độ. Với mức giá mà các chủ tiệm đưa ra cho từng mặt hàng thì ước tính có thể thu lãi gần gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần.

Không chỉ thanh lý thu lợi nhuận cao, hầu hết tiệm cầm đồ cũng áp dụng chiêu “ép giá”, trả thấp hơn nhiều so với thị trường, hoặc chỉ nhận điện thoại, máy tính có giá trị cao, không bị trầy xước để dễ thanh lý khi khách không đến chuộc đồ đúng hẹn.

Anh Đ.P (35 tuổi, Hà Nội) vừa bước từ tiệm cầm đồ trên đường Láng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tôi mới mua iPhone 7 với giá gần 20 triệu đồng, vậy mà họ chỉ cầm có 4 triệu đồng. Dù biết mình bị ép giá, tôi vẫn đồng ý vì đang cần gấp tiền mặt”. Không chỉ thế, các tiệm cầm đồ còn thu lợi nhuận cao trong mùa World cup nhờ nâng lãi suất cao hơn những ngày thường. Theo khảo sát nhiều tiệm cầm đồ tại Hà Nội, hầu hết đều có lãi suất là 4.000-5.000 đồng/ 1 triệu/ 1 ngày. Nơi thấp nhất cũng từ 2.000-3.000 đồng. Như vậy, một ngày, tiệm cầm đồ chỉ cần bỏ ra 10 triệu đồng để cầm cố tài sản cho khách cũng thu về 50.000 đồng tiền lãi. 

Hầu hết tiệm cầm đồ vi phạm quy định lãi suất

Theo luật sư Hà Huy Phong, hoạt động kinh doanh cầm đồ là hoạt động kinh doanh có điều kiện, nhưng đang trong tình trạng bị buông lỏng quản lý nên vẫn xảy ra hiện tượng vi phạm quy định một cách công khai. Cụ thể là các thỏa thuận về lãi suất đang vượt quá mức giới hạn mà pháp luật cho phép và bên nhận cầm đồ hầu như không bị xử lý về hành vi này. Tại Điều 468 Bộ Luật Dân sự 2015: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.

"Khóc ròng" vì khách, chủ tiệm cầm đồ vẫn thu lợi “khủng” trong mùa World Cup - 2

Hầu hết tiệm cầm đồ đều có mức lãi suất vượt quá quy định và vi phạm pháp luật.

Luật sư Phong cho rằng đối với mức lãi suất cầm đồ của các tiệm cầm đồ hiện nay là 3.000-5000đ/ 1 triệu/ ngày, tương ứng với 0.3%-0.5%/ ngày, hay 9%-15%/ tháng hay 110%- 180%/ năm. Như vậy, mức tiền lãi thực tế mà các hiệu cầm đồ hiện tại đang thực hiện đã gấp 5-9 lần mà Bộ luật dân sự quy định. Do đó, có thể coi là hành vi thu lãi cao của các hiệu cầm đồ đang có dấu hiệu đi trái với quy định của pháp luật.

Theo ông, đây có thể coi là có dấu hiệu của phạm tội theo quy định của Bộ Luật hình sự. Cụ thể, Điều 201 Bộ Luật Hình sự quy định về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau: “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”.

Luật sư Huy Phong cũng cho rằng việc cầm đồ thực chất là cầm cố tài sản để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, do đó, trong trường hợp đã đến hạn trả nợ mà bên cầm đồ không chuộc đồ thì đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ và bên nhận cầm đồ có quyền bán thanh lý vật cầm cố. Điều này là phù hợp với quy định của pháp luật.

Tại Nghị định 02/CP năm 1995 và Thông tư liên bộ 02TT/LB hướng dẫn Nghị định 02/CP quy định lãi suất cầm đồ và phí cầm đồ tối đa không quá 4,2% tháng, tính trên số tiền được vay của mỗi lần cầm đồ. Trường hợp nếu bên cầm đồ muốn vay nóng ngắn hạn (dưới 15 ngày) lãi suất và phí cầm đồ cao nhất không quá 0,3%/ngày.
Dân cá độ World Cup “bỏ của chạy lấy người”, chủ tiệm cầm đồ ”khóc ròng”

Không chỉ tại các tiệm cầm đồ, thị trường thanh lý đồ World Cup online cũng sôi nổi không kém...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
World Cup 2026 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN