Khoán xe công: Làm nửa vời sẽ thành lãng phí

Sự kiện: Kinh Doanh

Sau Bộ Tài chính, tới lượt Hà Nội cũng thí điểm khoán xe công từ 1/1/2017. Bước tiên phong của Hà Nội rất đáng hoan nghênh. Nhưng với việc cho phép các đơn vị giữ nguyên số xe công, đồng thời vẫn trả tiền cho các vị trí được khoán, vô hình chung chi phí khoán và nuôi xe công vẫn có thể gây tốn kém thêm lần nữa.

Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ thí điểm khoán kinh phí xe công tại 8 đơn vị (4 sở và 4 quận/huyện) với mức khoán 9 triệu đồng/lãnh đạo/tháng. Dù khoán kinh phí sử dụng xe công cho các lãnh đạo cấp sở và quận, huyện nhưng mỗi đơn vị vẫn được giữ lại 2 xe phục vụ chung theo quy định. Như vậy, nếu đơn vị có 6 lãnh đạo được tiêu chuẩn xe công phục vụ công tác (hệ số phụ cấp từ 0,7 trở lên), sẽ có 2 người được bố trí riêng 2 xe để đi lại thường xuyên, 4 lãnh đạo còn lại sẽ nhận khoán kinh phí hằng tháng (thay vì 2 xe phục vụ cả 6 lãnh đạo như trước).

Theo Quyết định 32/2015 của Thủ tướng về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe công, ở cấp sở ngành, quận, huyện chỉ được trang bị tối đa 2 xe công phục vụ công tác chung. Như vậy, lâu nay các sở ngành, quận, huyện của Hà Nội vẫn có 2 xe công phục vụ công tác chung cho tất cả lãnh đạo. Trường hợp 2 lãnh đạo đã sử dụng xe công, những lãnh đạo khác phải tự túc phương tiện đi lại và được tính công tác phí. Với cách thí điểm của Hà Nội, những lãnh đạo trước đây đi công tác không có xe cơ quan đưa đón nay sẽ tự động được cộng vào tài khoản 9 triệu đồng/tháng.

Khoán xe công: Làm nửa vời sẽ thành lãng phí - 1

Chi phí khoán và nuôi xe công vẫn có thể gây tốn kém thêm lần nữa. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Theo một cán bộ Bộ Tài chính, lâu nay các lãnh đạo sở ngành, quận, huyện đi công tác tự túc xe về được thanh toán công tác phí là chính xác nhất, đúng thực tế đi lại. Việc khoán trọn gói sẽ hạn chế phiền hà cho lãnh đạo tự lo phương tiện đi công tác.

Tuy nhiên, nếu khoán kinh phí sử dụng xe công để đạt mục tiêu tiết kiệm, chống lãng phí thì cách làm của Hà Nội vẫn phải bàn thêm. Vì 2 xe công và lái xe vẫn còn đó, ngân sách nhà nước vẫn chi trả để nuôi như khi chưa khoán. Thậm chí, sau khoán xe công, ngân sách chi ra cho việc đi lại của lãnh đạo các sở ngành, quận, huyện còn lớn hơn, khi không phải lãnh đạo nào cũng đi công tác thường xuyên. Với mức khoán 9 triệu đồng/người/tháng của Hà Nội, mỗi lãnh đạo không có xe công phục vụ sẽ được nhận khoảng 400 nghìn đồng/ngày cho việc đi lại công tác, dù đi hay không.

Không nên làm nửa vời

Trao đổi với Tiền Phong, PGS.TS Bùi Thị An (nguyên Đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội) cho biết, khoán xe công là tốt, rất đáng hoan nghênh, giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nợ công tăng cao. Đồng thời, việc khoán xe công cũng giúp nâng cao ý thức tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt trong việc sử dụng xe công không đúng tiêu chuẩn, định mức, đối tượng như vừa qua. “Hà Nội thí điểm khoán xe công rất tốt, nhưng phải nghiên cứu cách làm để vừa khoán kinh phí đi lại nhưng cũng giúp cắt giảm được số đầu xe công và tính tới đặc thù từng địa bàn. Đã làm là làm tận cùng, làm cho đúng, không nửa vời, khi đã khoán phải khoán hết và thu hồi lại xe, không thể để đã khoán vẫn giữ lại xe công”, bà An nói. Theo đó, đa số quận, huyện của Hà Nội có diện tích không quá lớn, nên cần nghiên cứu kỹ mức khoán cho hợp lý.

Theo bà An, khi đã khoán kinh phí đi lại phải công khai, minh bạch để người dân biết và giám sát, tránh tình trạng nhận khoán nhưng vẫn dùng xe công đi lại, người dân nhìn vào rất phản cảm, lợi bất cập hại, không những không chống được lãng phí mà còn lãng phí hơn.

Theo một cán bộ Bộ Tài chính, bộ đang nghiên cứu phương án, định mức khoán kinh phí sử dụng xe công với lãnh đạo các cơ quan địa phương cho phù hợp thực tế. Vì mỗi cơ quan, đơn vị lại có đặc thù riêng, như ở cấp sở lãnh đạo đi công tác trên địa bàn cả tỉnh, thành phố, trong khi cấp quận, huyện cũng chủ yếu đi trong địa bàn (lâu lâu mới đi họp ở tỉnh). Hay cùng ở cấp quận, huyện, nhưng lãnh đạo các huyện miền núi có khi đi công tác phải vài chục cây số, còn ở thành phố địa bàn sẽ hẹp hơn nhưng công việc nhiều hơn. Bộ Tài chính cho biết, sẽ có dự thảo phương án khoán xe công để lấy ý kiến các địa phương thời gian tới.

UBND Thành phố Hà Nội đã phê duyệt phương án thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe công từ ngày 1/1/2017. Theo đó, mức khoán là 9 triệu đồng/lãnh đạo/tháng, các đơn vị thực hiện thí điểm khoán gồm 4 sở: Tài chính, GTVT, LĐ-TB&XH, KH&ĐT, 4 quận, huyện: Hà Đông, Long Biên, Gia Lâm, Thanh Trì. Tuy thực hiện khoán kinh phí xe công, nhưng các đơn vị vẫn tiếp tục được giữ lại 2 xe phục vụ công tác chung như trước (ai không đi xe công sẽ được khoán). Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị rà soát toàn bộ xe công tại cơ quan, đơn vị, nếu phát sinh xe dôi dư có thể thanh lý, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc báo cáo lãnh đạo thành phố xem xét.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hữu Việt (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN