Khó thu hồi dự án "quây tôn", chậm tiến độ

Theo Luật Đất đai, Nhà nước không phải bồi thường khi thu hồi nếu dự án chậm tiến độ sau khi ra hạn 2 năm. Thậm chí, Hà Nội nhiều lần cảnh báo dự án chậm tiến độ sẽ bị thu hồi, nhưng đến nay, việc thu hồi dự án vẫn giậm chân tại chỗ.

Theo Luật Đất đai, Nhà nước không phải bồi thường khi thu hồi nếu dự án chậm tiến độ sau khi ra hạn 2 năm. Thậm chí, Hà Nội nhiều lần cảnh báo dự án chậm tiến độ sẽ bị thu hồi, nhưng đến nay, việc thu hồi dự án vẫn giậm chân tại chỗ.

Khó thu hồi dự án "quây tôn", chậm tiến độ - 1

Dự án 131 Thái Hà bị chậm nhưng chưa thể thu hồi được do doanh nghiệp xin điều chỉnh quy hoạch. Ảnh: Như Ý.

Doanh nghiệp đủ chiêu giãn tiến độ

Sở Xây dựng Hà Nội vừa công khai một loạt doanh nghiệp có dự án chậm tiến độ hoặc giữ đất nhưng không chịu triển khai xây dựng và báo cáo UBND TP Hà Nội để thu hồi. Dù bị bêu tên, cảnh báo nhưng nhiều dự án vẫn án binh bất động. Trong đó, có dự án “Khu dịch vụ, văn phòng nhà ở kinh doanh” tại 131 Thái Hà, do Cty TNHH tổng hợp Huy Hùng làm chủ đầu tư. Dự án được Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép vào năm 2005, công trình này đang trong tình trạng bỏ hoang.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, nguyên nhân dự án này chậm tiến độ xuất phát từ chủ đầu tư như: Bị đình chỉ thi công, hoàn thiện hồ sơ pháp lý, nguồn vốn, năng lực tài chính của chủ đầu tư… Tuy nhiên, ngày 27/5, chủ đầu tư lại được Sở Quy hoạch & Kiến trúc Hà Nội cấp giấy phép quy hoạch, nâng quy mô dự án. Một thanh tra viên thuộc Đội thanh tra quận Đống Đa cho biết, việc điều chỉnh quy hoạch là cái cớ kéo dài thời gian “đắp chiếu” khi có đoàn vào kiểm tra.

Còn theo một thanh tra Đội Thanh tra quận Hoàng Mai, dự án Sky Garden (Định Công, Hoàng Mai) được chủ đầu tư lý giải việc thay đổi nhà thầu thi công do năng lực nhiều nhà thầu tham gia thi công kém ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Dự án gồm tòa tháp đôi cao 28 tầng, nhưng đến nay dự án mới chỉ xây đến tầng tám rồi để đó, không bóng người, vắng vẻ, cửa khóa im ỉm. 

Thu hồi khó vì nước ta còn nghèo?

Ông Nguyễn Phúc Quang, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết: “Thẩm quyền giao dự án không phải là cấp quận, huyện mà do thành phố. Cấp dự án, gia hạn rồi thu hồi dự án là quyền của chính quyền thành phố”. Vì vậy, dù dự án lớn nhỏ nằm trên địa bàn quận, huyện nhưng lãnh đạo các quận, huyện chỉ có thẩm quyền tham mưu cho thành phố xử lý các vấn đề liên quan tiến độ dự án.

Trong khi đó, ông Trần Đức Hoạt, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội cho biết: “Sở cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án trong đó ghi rõ tiến độ đầu tư. Về nguyên tắc, chủ đầu tư chậm tiến độ sẽ bị thu hồi dự án. Tuy nhiên, nước ta còn nghèo nên việc thu hồi khó”.

Ông Đào Trung Chính, Tổng Cục phó Tổng cục Đất đai (Bộ Tài nguyên & Môi trường) phân tích, Luật Đất đai năm 2003 quy định, việc xử lý đối với trường hợp đất đã được nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được đưa vào sử dụng trong 12 tháng liền, hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án bị nhà nước thực hiện thu hồi đất. Trong đó, người có đất bị thu hồi do vi phạm sẽ không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp và thanh toán trị giá đã đầu tư vào đất còn lại, tài sản gắn liền với đất.

“Nói là như vậy nhưng thực hiện rất khó bởi doanh nghiệp tìm đủ mọi cách xin gia hạn để không bị thu hồi. Đồng thời, khi thu hồi, dự án phải làm quy trình đấu giá đất rất phức tạp”, ông Chính nói.

Ông Chính cũng băn khoăn về tiến độ thu hồi dự án: “Việc thu hồi dự án quây tôn bao nhiêu năm nay chưa làm được nói gì đến việc thu hồi dự án đã xây dựng một phần”.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đợt kiểm tra, rà soát 573 dự án khu đô thị mới đã phát hiện 17 dự án chậm tiến độ hơn 2 năm, nhiều dự án bị trùng lặp và hàng chục dự án chưa phù hợp với quy hoạch. 30 dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng chưa đưa đất vào sử dụng trong 12 tháng.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Mai (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN