Khó như điều hành tỷ giá (?!)

Năm 2015, VND bị mất giá khoảng 5% so với USD. Đặc biệt đợt biến động từ cơn bão tỷ giá Nhân dân tệ của Trung Quốc khiến cả nhà điều hành, giới nhà băng và nhiều doanh nghiệp bất ngờ, lao đao.

Trước việc IMF đã tuyên bố đồng Nhân dân tệ đủ điều kiện vào giỏ tiền tệ quốc tế, bài toán tỷ giá năm 2016 dự kiến gặp nhiều thách thức!

Khó như điều hành tỷ giá (?!) - 1

Điều hành tỷ giá luôn có những biến động tiềm ẩn khó lường?!

Khó đoán, nhiều tiềm ẩn

Ngày 30/11, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuyên bố đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đủ điều kiện để đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế, còn được gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR).  Quyết định này đã đưa NDT vào nhóm các đồng tiền dự trữ chính thức của IMF, hiện tại gồm USD, euro, đồng bảng Anh và yen Nhật. Quyết định của IMF sẽ có hiệu lực từ 1/10/2016. Tại thời điểm đó, theo IMF nhận định, đồng NDT sẽ chiếm tỉ trọng 10,92% trong giỏ tiền tệ, so với tỉ trọng của đồng USD là 41,73%, của đồng euro là 30,93%, của đồng yen là 8,33% và đồng bảng Anh là 8,09%. Chuyên gia của IMF dự báo, tỉ trọng của NDT có thể sẽ tăng dần lên 14-16%. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1999, giỏ tiền tệ dự trữ quốc tế của IMF có thay đổi. Vào năm 2010, IMF đã từ chối chấp nhận đồng NDT với lý do đồng tiền chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn cần thiết. Bình luận về sự kiện này, theo báo chí nước ngoài, giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell, đồng thời là cựu quan chức IMF tại Trung Quốc, Eswar Prasad đã cho rằng: “Đồng NDT được gia nhập Câu lạc bộ Dự trữ tiền tệ hàng đầu thế giới là một bước đi lớn đối với Trung Quốc và có ý nghĩa đối với hệ thống tiền tệ thế giới”.

Vậy sự kiện NDT vào rổ tiền tệ quốc tế sẽ tác động đến điều hành tỷ giá trong thời gian tới thế nào?  Một chuyên gia khác thì phân tích: Tỷ giá hối đoái trong năm 2016 dự báo còn nhiều biến động khi chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ còn nhiều bất ngờ để bảo vệ nền kinh tế của nước này. VND đã bị phá giá tới 5% trong khi cam kết năm 2015 chỉ ở mức 2%, đó cũng là tình thế bất khả kháng mà bất cứ nhà điều hành nào cũng không thể lường trước.

Trong một hội thảo tổ chức mới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy Fulbright cũng nhận xét rằng: bài toán tỷ giá vẫn là bài toán khó từ trước đến nay, đặc biệt trong tình hình chính trị, kinh tế thế giới biến động không ngừng như hiện nay.

Chủ động phòng ngừa - nên có

Còn nhớ, dạo đầu năm 2011, khi  tỷ giá đột ngột tăng mạnh tới 9,3%, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu cuống cuồng vì bể sô kinh doanh và bị “lỗ tỷ giá” tới hàng trăm tỷ đồng vì chênh lệch tỷ giá. Chẳng nói đâu xa, đến tập đoàn Xăng dầu Petrolimex trong lần họp nào cũng than phải chật vật  “dong” từ năm này sang năm khác khi không hạch toán được ngay khoản lỗ nặng tỷ giá đó.

Năm 2016, câu chuyện tỷ giá của Việt Nam không đơn thuần chịu sự điều hành linh hoạt từ nhà quản lý, không đơn thuần về định giá giữa VND và USD, khi thương mại Việt - Trung thâm hụt nặng nề, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc trong 9 tháng năm 2015 lên tới 24,3 tỷ USD, nhiều ngành có nguyên vật liệu phụ thuộc Trung Quốc… Hiện nhiều doanh nghiệp đang lo lắng về “cơn bão tỷ giá” có thể xuất hiện trong thời gian tới và tìm cách chống đỡ.

Cách phòng bão tốt nhất, Phó Tổng giám đốc một NHTM cổ phần cho rằng không có cách nào cả ngân hàng và doanh nghiệp đều phải xác định tâm thế chủ động. Còn nói với Tiền Phong, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận: Hiện tại, đồng NDT chưa vào thời điểm này ngay đâu mà tới 1/10/2016, tuy nhiên từ nay tới đó, cũng cần có những chuẩn bị. Theo ông Hiếu, mặt tích cực của việc này là tại thời điểm đó Việt Nam có điểm lợi những thanh toán mậu dịch với Trung Quốc trước đây nay vốn dĩ phải thanh toán qua đồng tiền thứ ba là đồng USD thì nay có thể thanh toán trực tiếp. Nhưng có cái bất lợi là khi NDT được thả nổi,  đồng tiền đó có thể phá giá. Bất lợi nữa là khi Việt  Nam “neo” VND với USD thì ta sẽ phải đối phó. “Tới đây, sẽ có nhiều tác động trên thị trường tiền tệ thế giới khi NDT vào rổ. Trong tương lai cũng cần có một tỷ lệ nào đó hợp lệ dự trữ NDT chứ không thể là không có chút dự trữ nào”, ông Hiếu nói.

Trong một bản tin nợ công vừa phát đi cuối tháng 11/2015, Công ty chứng khoán Bảo Việt cũng đã cảnh báo những tiềm ẩn rủi ro đối với nợ công, trong đó có đoạn: Việc điều chỉnh tỷ giá USD/VND sẽ tác động mạnh đến rủi ro nợ công của Việt Nam. Cụ thể hơn, bản phân tích chỉ ra: So với kịch bản cơ sở là tiền đồng mất giá ở mức trung bình 3%/năm giai đoạn 2016-2020, nếu giả định trong năm 2016 có một cú sốc mất giá tiền đồng ở mức 5% (có thể chịu tác động trực tiếp và gián tiếp từ các kỳ tăng lãi suất của FED) thì sẽ đẩy dư nợ nước ngoài của Chính phủ lên trên 25% GDP ngay trong năm này, và tổng dư nợ trực tiếp của Chính phủ vượt quá 55% GDP vào năm 2018. Nếu cú sốc mất giá ở qui mô lớn hơn là 10% thì rủi ro nợ công có thể xảy ra sớm hơn khi tổng dư nợ trực tiếp của Chính phủ sẽ vượt quá 55% GDP vào năm 2017.  

DN lưu ý các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá

- DN cần sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá hối đoái, chọn thời điểm mua - bán ngoại tệ thích hợp; có thể mua theo tỷ giá hiện hành, hoặc mua bán khi tỷ giá hối đoái lúc có lợi cho DN; Trả trước khoản vay, chẳng hạn vay 3 tháng, nhưng nếu đến tháng thứ 2 DN đã có tiền và thương lượng với ngân hàng trả trước hạn.

- DN có thể mở tài khoản ngoại tệ ở nơi có các khoản phải thu, phải trả có cùng loại tiền tệ để không phải chuyển đổi giữa các đồng tiền; Thực hiện bù trừ rủi ro nhóm bằng cách chuyển đổi tiền tệ giữa tài sản và nợ phải trả. Đối với những công ty sản xuất, chuyển đổi các cơ sở để giúp chi phí và doanh thu có cùng một loại tiền tệ.

- DN có thể đưa rủi ro tỷ giá vào biên lợi nhuận và gánh chịu rủi ro dự báo trước. Chẳng hạn, tỷ giá VND 3% thì lồng ghép vào biên lợi nhuận và chi phí tăng tương ứng 3%.

- Việc hoán đổi tiền tệ cũng là một phương thức tốt. Hai DN hoán đổi cho nhau một lượng ngoại tệ và số tiền này sẽ được hoán đổi ngược trở lại ban đầu ở một thời điểm trong tương lai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Huyền ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN