Khó khăn, doanh nghiệp trông cậy sếp già

HĐQT của FPT đề xuất ông Trương Gia Bình tiếp tục kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc điều hành năm 2013.

HĐQT của FPT đề xuất ông Trương Gia Bình tiếp tục kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc điều hành năm 2013. Đề xuất này phải chờ đại hội cổ đông thông qua. Tuy nhiên, khả năng nắm giữ vị trí CEO của vị doanh nhân này là rất cao sau khi ông Bình quay lại ghế tổng giám đốc từ tháng 9/2012 thay cho ông Trương Đình Anh.

Nếu điều này xảy ra, việc chuyển giao quyền lực vị trí CEO cho thế hệ thứ hai tại DN này sẽ còn phải chờ lâu bởi các gương mặt đình đám trước đó là Trương Đình Anh và Nguyễn Thành Nam đều đã không “trụ” được dù mỗi lần thay tướng tại DN này đều khá ồn ào.

FPT vẫn vượt qua năm khó khăn với doanh thu và lợi nhuận ổn định nhưng so với muc tiêu mà chính DN này đặt ra và kỳ vọng của các cổ đông lớn thì còn chưa đạt.

Khó khăn, doanh nghiệp trông cậy sếp già - 1

Việc chuyển giao quyền lực vị trí CEO cho thế hệ thứ hai tại DN này sẽ còn phải chờ lâu bởi các gương mặt đình đám trước đó là Trương Đình Anh

Trước đó, giới đầu tư đã thực sự kỳ vọng vào ông Trần Đình Anh đã từng tuyên bố đưa FPT lọt vào danh sách Top 500 trong Forbes Global 2000 và mong muốn tăng trưởng lợi nhuận 4 lần trong 4 năm (2011- 2014).

Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng như mong đợi, cả doanh thu và lợi nhuận trong năm 2011 của tập đoàn chỉ tăng trên dưới 30%, thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng. Không những thế, doanh thu năm 2012 thậm chí còn giảm so với trước đó. Sự ra đi của “sếp tổng” 7x Đình Anh đã cho thấy một thực tế rằng sự chuyển giao quyền lực cho thế hệ kế cận tại FPT đã không thành công.

Trước đó, sự cố chuyển giao quyền lực tại Tập đoàn Hoa Sen (HSG) không những không thành công mà còn là một sự cố đáng tiếc với việc CEO thế hệ thứ 2 được kỳ vọng, ông Phạm Văn Trung chỉ ngồi ghế nóng được 18 ngày.

Sự việc sau đó còn nhùng nhằng khá lâu với việc Chủ tịch Lê Phước Vũ cáo buộc cựu CEO thiếu minh bạch trong điều hành, trong khi ông Trung phản hồi, thậm chí khởi kiện Tôn Hoa Sen với lý do "vu khống, bôi nhọ, xúc phạm danh dự" ông.

Cho dù, đến nay tình hình đã rất ổn định nhưng sự việc trên cũng cho thấy, việc chuyển giao vai trò lãnh đạo trực tiếp cho những người trẻ hơn không bao giờ dễ dàng.

Trong trường hợp Quốc Cường Gia Lai (QCG), mặc dù doanh nghiệp này mang tên đại gia Cường đô-la nhưng trên thực tế người xây dựng lên QCG và vận hành doanh nghiệp này từ trước cho đến nay vẫn là bà Nguyễn Thị Như Loan, mẹ ông Quốc Cường.

Sở hữu khá nhiều lợi thế như sự nổi tiếng của chính mình nhưng vị phó tổng giám đốc kiêm người công bố thông tin dường như vẫn chưa thực sự xâm nhập vào hoạt động điều hành doanh nghiệp. Số lượng cổ phiếu mà Quốc Cường nắm giữ tại QCG cũng khá khiêm tốn với 0,41% (so với mức gần 48% bà Loan nắm).

Vất vả tìm người kế cận

Thời kỳ đổi mới kinh tế đã chứng kiến khá nhiều doanh nhân nổi lên. Họ đã xây dựng lên những doanh nghiệp với quy mô tương đối lớn như FPT, HSG, QCG, HAG, VIC… Một số cổ đông sáng lập vẫn còn trẻ nhưng không ít đã sắp bước sang tuổi nghỉ ngơi. Việc chuyển giao quyền lực đã được những người nhìn xa trông rộng tính tới. Tuy nhiên, việc này dường như không hề dễ dàng.

Trong trường hợp FPT, trước đó, giới đầu tư và chính ngài chủ tịch Trương Gia Bình đã thực sự kỳ vọng vào “người trẻ tuổi tài năng, đầy khát vọng” Trương Đình Anh. Mặc dù vậy, kết cục đã không như mong muốn. Ông Đình Anh thực sự giỏi, nhưng ở một quy mô lớn hơn, việc điều hành có lẽ đã không còn hiệu quả như trước.

Với Quốc Cường Gia Lai, ngay cả kinh nghiệm thương trường mấy chục năm của bà Loan cũng chưa lèo lái được QCG ra khỏi giông bão. Doanh nghiệp vẫn lỗ và nợ nần chất đầy vai. Đó có lẽ là cái khó để có thể chuyển giao một trách nhiệm vô cùng nặng nề như vậy sang người con trai vốn nổi trội hơn ở các lĩnh vực khác, chứ không phải kinh doanh.

Nhiều doanh nhân khác cũng không muốn gây sức ép lên con cái của mình trong việc tiếp quản doanh nghiệp của mình. Một số tích lũy kinh nghiệm quản lý cho con cái một cách rất từ từ, từ việc làm công nhân cho tới quản lý từng bộ phận, theo từng nấc một. Số khác thậm chí còn không ép con cái theo nghiệp cha mẹ, mà cho chúng được theo những sở thích đam mê của mình.

Thực tế cho thấy, việc tin tưởng và giao trọng trách lãnh đạo cho thế hệ doanh nhân thứ 2 là mong muốn của không ít các doanh nhân thành đạt hiện nay. Tuy nhiên, tìm được người như mong muốn không dễ. Tìm người ở ngoài vào điều hành cũng không phải lúc nào cũng có và nó còn liên quan tới sự trung thành, trung thực trong làm ăn. Ngược lại, giao quyền cho con cái cũng không phải lúc nào cũng thuận lợi. Nhiều người con không muốn theo nghiệp kinh doanh trong khi một số khác lại không đủ tài năng, chưa đủ chín hoặc còn quá trẻ.

Thực sự, việc đảm bảo cùng một lúc hai công việc: vừa kinh doanh tốt, xây dựng được một doanh nghiệp tầm cỡ, vừa đảm bảo nuôi dạy con cái trưởng thành, tiếp quản tốt vai trò của mình là vô cùng khó. Số lượng “hoàng tử”, “công chúa” nỗi bước thành công bố mẹ trong cộng đồng doanh nhân nổi tiếng Việt Nam cũng không nhiều lắm cho dù các đại gia đều tâm niệm một điều: Con cái là của để dành, là cái hạnh phúc về cuối đời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huấn Tú (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN