Khó hiểu giá vàng

Người mua vàng đang phải chịu thiệt khi giá trong nước quá cao, hiện khoảng cách với giá thế giới luôn từ mức 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/lượng

Trong 2 tuần qua, giá vàng trong nước lại liên tục tăng cao, dù kể từ khi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng có hiệu lực (ngày 25-5), việc sản xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu sản xuất vàng miếng… được quy về một mối là Ngân hàng (NH) Nhà nước. Vì sao thị trường vàng vẫn “ngựa quen đường cũ” và người dân luôn phải mua vàng với giá đắt?

Sợ “cơn sốt” mới?

Phiên giao dịch ngày 4-9, giá vàng trong nước biến động với biên độ hẹp theo xu hướng tăng là chính. Mở cửa đầu ngày, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng mua vào 45,02 triệu đồng/lượng, bán ra 45,22 triệu đồng/lượng, tăng hơn 700.000 đồng/lượng so với giá đóng cửa trước kỳ nghỉ lễ. Trong phiên buổi sáng, giá vàng có giảm nhẹ về mốc 45,15 triệu đồng/lượng (bán ra) nhưng đã tăng trở lại vào buổi chiều. Đến gần cuối ngày, giá vàng ở mức 45,15 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Như vậy, chỉ hơn 2 tuần qua, kim loại này nhảy vọt từ mốc 42,53 triệu đồng/lượng lên mốc trên 45 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới cũng có phiên tăng mạnh vào cuối tuần, từ vùng 1.650 USD/ounce lên trên mốc 1.690 USD/ounce. Hai ngày qua, giá vàng thế giới liên tục đứng vững ở vùng giá cao. Gần cuối ngày 4-9, giá thế giới giao ngay ở mức 1.694 USD/ounce. Tính trong khoảng 2 tuần qua, giá vàng thế giới tăng tổng cộng hơn 60 USD/ounce (tương đương 1,6 triệu đồng/lượng theo tỉ giá niêm yết). Trong khi đó, đà tăng của giá vàng trong nước vượt xa giá thế giới, đẩy chênh lệch dãn rộng từ mức hơn 2 triệu đồng/lượng lên gần 3 triệu đồng/lượng.

Khó hiểu giá vàng - 1

Cách biệt quá lớn với giá vàng thế giới, người mua vàng trong nước có thể gặp rủi ro.

Dù vàng giá cao nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, lực mua vẫn không giảm. Thị trường vàng bắt đầu có “sóng” từ khoảng 2 tuần nay. Không ít người chuyển từ tiền đồng sang vàng, USD nhưng chủ yếu là vàng. Nhiều người băn khoăn: Liệu vàng có đang bước vào một “cơn sốt” mới như thời điểm bùng nổ giá vàng từ cuối tháng 7 năm ngoái, với mức đỉnh 49,3 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 8-2011?

Chưa rõ ràng trong quản lý

Đại diện SJC cho biết thị trường vàng ngày 4-9 tiếp tục giao dịch sôi động. Lượng vàng bán ra trong ngày khoảng hơn 5.000 lượng. Từ hơn một tuần nay, mỗi ngày SJC đều bán khoảng 5.000 - 6.000 lượng vàng nhưng lực mua từ người dân vẫn chưa có dấu hiệu giảm sút. Có lẽ vì vậy mà hơn 48.000 lượng vàng SJC được dập lại từ vàng SJC móp méo và chuyển đổi từ vàng miếng loại khác đã được cung ứng ra thị trường cũng không thể kéo lùi giá trong nước. Ở góc độ khác, khi Nghị định 24 ra đời, dư luận kỳ vọng đây sẽ là bước tiến mới đưa thị trường vàng về một mối, dần kéo giá vàng trong nước về sát thế giới. Mục tiêu được NH Nhà nước đưa ra là chênh lệch giá vàng “nội - ngoại” từ 300.000 - 400.000 đồng/lượng nhưng thực tế đang bỏ xa mục tiêu này.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc quản lý vàng thời gian qua vẫn chưa rõ xu hướng. Theo nghị định, NH Nhà nước sẽ độc quyền sản xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu sản xuất vàng miếng. Xưởng dập vàng miếng đã được bàn giao từ SJC qua cho NH Nhà nước Chi nhánh TPHCM quản lý. Chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh nhận xét: Đến nay, việc chuyển đổi Công ty SJC sang cho NH Nhà nước quản lý như thế nào chưa được công bố rõ ràng nên chuyện NH Nhà nước thông qua SJC điều hành thị trường vàng hoặc chỉ đạo SJC là khác nhau”. 

Khoản chênh lệch đi đâu?

Theo các chuyên gia kinh tế, vàng miếng đang là mặt hàng độc quyền do NH Nhà nước sản xuất, quản lý nên có thể có phần chênh lệch với giá thế giới giống như “đánh” thuế tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng này. Tuy nhiên, vấn đề người dân quan tâm là phần chênh lệch 2 - 3 triệu đồng/lượng, Nhà nước có được hưởng như “đánh” thuế không hay rơi vào tay một nhóm nào đó?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN