Khó giải ngân quỹ nghìn tỷ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Sự kiện: Kinh Doanh

Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thành lập với nguồn vốn hàng nghìn tỷ đồng, nhằm hỗ trợ DNNVV vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhưng số doanh nghiệp (DN) được giải ngân vốn từ quỹ này rất ít. Vì sao DN khát vốn trong khi nguồn tiền 2.000 tỷ đồng sẵn có không thể giải ngân?

Khó giải ngân quỹ nghìn tỷ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa - 1

Dây chuyền sản xuất của Công ty Bắc Việt tại khu công nghiệp Bắc Ninh. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Doanh nghiệp lo mất “phí bôi trơn”

Theo quy định, vốn vay từ quỹ này giúp DN xây dựng cơ bản tối đa 70% vốn đầu tư, lãi suất 5% (với thời hạn vay vốn 1 năm) và 7%/năm (vốn vay trung hạn). Thời gian vay tối đa 7 năm. Số vốn đầu tư còn lại, DN được cho vay từ ngân hàng nhận ủy thác và được áp dụng lãi suất ưu đãi với từng thời kỳ. Vốn vay sẽ được trả nợ theo nhiều phương thức, phù hợp với dòng tiền của DN.

Để vay tiền từ Quỹ phát triển DNNVV, DN có thể dùng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản đảm bảo. Đây là một trong những ưu điểm của quỹ này so với DN vay vốn từ ngân hàng. Thông thường, ngân hàng yêu cầu DNNVV có 100-150% giá trị tài sản đảm bảo cho khoản vay. Khi vay vốn từ quỹ, ngân hàng nhận ủy thác không được yêu cầu vượt quá 100% giá trị khoản vay và khuyến khích việc sử dụng tài sản hình thành trong tương lai (tài sản hình thành từ vốn vay) làm tài sản thế chấp.

Quỹ có 4 chương trình cho các loại hình DN gồm: Dành cho DN đổi mới sáng tạo; DN công nghiệp chế biến, chế tạo; DN nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; DN cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải. Mức vay tối đa cho mỗi DN từ 10 đến 25 tỷ đồng tùy theo từng loại hình DN.

Lý giải việc chấp nhận vay vốn bên ngoài, không vay từ Quỹ phát triển DNNVV, ông Nguyễn Hữu Quảng, Giám đốc Công ty chế biến lâm sản xuất khẩu tại Thanh Hóa cho biết, để tiếp cận nguồn vốn không dễ dàng. “Công ty tôi mở rộng nhà máy cần vay khoảng 20 tỷ đồng để nhập khẩu máy móc thiết bị nhưng vay vốn từ các quỹ phát triển cần rất nhiều thủ tục. Toàn bộ hồ sơ phải chờ thẩm định của hội đồng khoa học công nghệ và thẩm định của ngân hàng ủy thác. Hơn nữa, tôi e ngại mất phí “bôi trơn”, ông Quảng nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong về lo lắng của DN mất phí “bôi trơn” khi tiếp cận nguồn vốn từ quỹ này, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, Chủ tịch đại diện Quỹ phát triển DNNVV khẳng định: “Mọi thủ tục vay vốn đều minh bạch, có sự thẩm định của các bộ ngành liên quan và hoàn toàn không có chuyện mất phí “bôi trơn” và xin – cho trong vay vốn từ quỹ này”.

Vướng ở ngân hàng ủy thác hay quỹ non kinh nghiệm?

Theo bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc Quỹ phát triển DNNVV, sau khi thành lập, cán bộ của quỹ và cán bộ tư vấn từ 3 ngân hàng nhận ủy thác (Vietcombank, HD Bank, BIDV) đến nay đã có 1.000 DN được tư vấn. Nhưng chỉ có 20 DN gửi hồ sơ với nhu cầu vay tổng cộng 250 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi ngân hàng ủy thác thẩm định, Quỹ đã giải ngân cho 3 DN với tổng vốn 15 tỷ đồng thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo và công nghiệp chế biến chế tạo. Dự kiến hết năm 2017, quỹ này sẽ hoàn thành chương trình hỗ trợ tài chính cho DNNVV với tổng vốn hỗ trợ từ quỹ là 560 tỷ đồng.

Lý giải về nguyên nhân khiến số lượng DN được giải ngân vốn thấp, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết, vướng mắc lớn nhất nằm ở quy trình thẩm định của ngân hàng ủy thác với các thủ tục tài chính. Hơn nữa, nhiều DN chưa có kinh nghiệm trong việc lập đề án, hồ sơ nên không thuyết phục được hội đồng thẩm định.

Theo lãnh đạo Quỹ phát triển DNNVV, một số DN còn e ngại, dè dặt, cho rằng, khó nhận được hỗ trợ từ chương trình ưu đãi của Nhà nước. Hơn nữa, DN chưa chủ động cung cấp thông tin tài chính minh bạch, xây dựng dự án đúng mục đích sản xuất kinh doanh. Tình trạng kê khai tăng nhu cầu vay vốn so với dự toán thực tế để triển khai dự án, nhằm được phê duyệt hạn mức cho vay cao là rất phổ biến.

“Có tình trạng một DN lập nhiều dự án vay vốn để giữ chỗ, một cá nhân làm đại diện cho nhiều DN nộp hồ sơ vay vốn … Khi cán bộ của quỹ này tư vấn, tìm hiểu thông tin cụ thể thì đại diện DN đề nghị gia hạn nộp hồ sơ để điều chỉnh nhu cầu vay vốn, sửa đổi phương án vay vốn”, bà Hồng nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Ban Khách hàng DNNVV của một ngân hàng ủy thác cho vay Quỹ này nói: Thực ra, ngân hàng rất năng nổ trong thẩm định hồ sơ đề nghị vay vốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngay cả khi hồ sơ đã được thẩm định và chuyển cho phía Quỹ thì cán bộ của Quỹ cũng chậm xem xét giải ngân vì kinh nghiệm cho vay chưa thể tinh thông như cán bộ ngân hàng. Cho vay bao nhiêu, đầu tư vào cái gì, vì sao cho vay… chỉ cán bộ ngân hàng mới có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn để thẩm định. Cũng theo cán bộ của ngân hàng ủy thác này, năm 2016, các ngân hàng cũng đã tư vấn cho phía Quỹ mở nhóm ngành nghề cho vay từ 7 lên 30 ngành nghề, nhưng thực tế triển khai cũng rất chậm. Một lý do khác nữa là mức cho vay đối với một số ngành nghề còn quá thấp, không bõ công để DN lập hồ sơ, dự án xin vay vốn…

Quỹ Phát triển DNNVV được thành lập theo Quyết định số 601/QĐ-TTg ngày 17/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Quỹ là tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc Bộ KH&ĐT, với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, cấp từ ngân sách nhà nước. Quỹ hỗ trợ DNNVV có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích của Nhà nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Nga (Tiền Phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN