Khi "sếp" bị bắt, ngân hàng xử lý khủng hoảng thế nào?
Nhờ thực hiện nghiêm túc, bài bản, chuyên nghiệp các biện pháp ứng phó với sự cố thanh khoản, đồng thời có sự hỗ trợ kịp thời của Ngân hàng Nhà nước và các đối tác, một số ngân hàng như Á Châu (ACB), Xây dựng (VNCB) đã đi qua khủng hoảng sau khi lãnh đạo cao cấp bị khởi tố, bắt giữ.
Khách hàng ồ ạt rút tiền
Cuối tháng 7 vừa qua, thị trường tài chính không khỏi bất ngờ trước thông tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ba lãnh đạo cao cấp của Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, gồm: Ông Phạm Công Danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, ông Phan Thành Mai, thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc và ông Mai Hữu Khương, thành viên HĐQT, phụ trách tài chính, do cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Cả ba bị can trong vụ án này nguyên là nhân sự chủ chốt của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) với các chức danh tương ứng: Chủ tịch HĐQT; thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc và thành viên HĐQT, phụ trách tài chính. Mặc dù cả ba người đã bị miễn nhiệm khỏi các vị trí nói trên tại VNCB trước khi bị bắt, song ngân hàng vẫn không khỏi bị ảnh hưởng.
Theo thông tin đăng tải trên Thời báo Ngân hàng - cơ quan của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong ngày đầu tiên Cơ quan Cảnh sát điều tra đưa ra thông tin, VNCB đã bị rút khoảng 1.000 tỷ đồng và tiếp tục bị rút ra trong ngày kế tiếp, song khối lượng đã giảm xuống 50%.
VNCB không phải ngân hàng đầu tiên rơi vào tình trạng khách hàng đổ xô đến rút tiền khi hay tin lãnh đạo bị khởi tố, bắt giữ. Trước đó, ngày 23/8/2012, Tổng Giám đốc ngân hàng ACB Lý Xuân Hải cũng đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an bắt giữ về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ngay lập tức, ACB rơi vào tình trạng khách hàng ồ ạt đến rút tiền, mà theo tân Tổng Giám đốc ACB Đỗ Minh Toàn, “đỉnh điểm của sự cố là lượng tiền rút ra trong một ngày tới khoảng 6.000 tỷ đồng”!.
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng ACB
Đi qua khủng hoảng
Trong bối cảnh cả thị trường tài chính rúng động, khách hàng ồ ạt đến rút tiền, song chỉ đến 25/8, hoạt động của ACB đã cơ bản ổn định trở lại. Kết quả này, theo Tổng Giám đốc Đỗ Minh Toàn, đó là nhờ ngay từ đầu năm 2012, ACB đã xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố thanh khoản theo những tình huống, cấp độ khác nhau cho từng bộ phận, từng nhân viên, nhờ vậy sự cố vừa qua đã được giải quyết mạch lạc, ổn thoả.
Do đã chuẩn bị cả về tâm lý, giải pháp và nguồn lực, nên tại thời điểm đó, ACB mới chỉ sử dụng đến tiền vay trên thị trường mở OMO mà chưa phải dùng tới tiền tái cấp vốn đặc biệt của NHNN. Và chỉ sau chưa đầy một tuần, lượng tiền rút ra đã giảm mạnh, trong đó, một số khách hàng rút ra rồi lại mang đến gửi lại.
Diễn biến tại VNCB cũng như trên thị trường tài chính, tiền tệ tuần qua cũng cho thấy sự cố liên quan đến ngân hàng này đã được xử lý khá tích cực, chủ động. Ngày 28/7, một ngày trước khi vụ án bị khởi tố, VNCB công bố đã miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc đối với ông Phạm Công Danh và ông Phan Thành Mai; đồng thời hoàn thành việc bổ nhiệm lãnh đạo cấp cao thay thế: Bà Vũ Bạch Yến - thành viên HĐQT được bầu là Chủ tịch Hội đồng Quản trị; ông Đàm Minh Đức, Phó Tổng Giám đốc phụ trách khu vực Hà Nội được bầu là Phó Tổng Giám đốc phụ trách.
VNCB cam kết, với sự hỗ trợ tối đa của NHNN, ngân hàng đã chuẩn bị sẵn sàng đảm bảo thanh khoản; tiền gửi của các tổ chức, cá nhân tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam đảm bảo an toàn trong mọi trường hợp.
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 31/7, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến khẳng định, NHNN đã và đang tiếp tục giám sát để chỉ đạo điều hành đảm bảo VNCB hoạt động bình thường, không để xảy ra những yếu tố bất lợi tới VNCB và hoạt động của hệ thống ngân hàng, đồng thời khuyến cáo người gửi tiền không nên nôn nóng rút tiền ở VNCB.