Khi những “quả đấm” không còn...thép - Bài 2: Những cỗ máy yếu, vì sao?

Từng được Chính phủ kỳ vọng là “những quả đấm thép” với đỉnh điểm đóng góp gần 40% GDP (năm 2008), khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang tụt lại, vị trí bánh lái nền kinh tế bị lung lay. Tại cơ chế hay do con người chưa đủ tài, đủ lực?

DNNN độc quyền - ngồi không cũng làm được

Cuối năm 2015, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ báo cáo tổng thể cập nhật tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2014 của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước. Theo đó, tổng các khoản phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty đạt 250.857 tỷ đồng, giảm 2% so với thực hiện năm 2013.

Căn cứ thực tế, bộ này nhận xét: Kết quả hoạt động của một số đơn vị chưa cao, có tập đoàn, tổng công ty báo cáo hoạt động của công ty mẹ có lãi, nhưng báo cáo hợp nhất vẫn bị lỗ và lỗ lũy kế theo báo cáo hợp nhất đến thời điểm hết năm tài chính 2014 còn cao hơn thời điểm hết năm tài chính 2013.

Khi những “quả đấm” không còn...thép - Bài 2: Những cỗ máy yếu, vì sao? - 1

Xi măng Hạ Long, một đơn vị đang nợ nần âm vốn cả ngàn tỷ.

Theo Bộ Tài chính, năm 2015 tổng giá trị tài sản của DN 100% sở hữu nhà nước là 3,105 triệu tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu nhà nước là 1,233  triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê vào năm 2014, DNNN chỉ tạo ra 24% doanh thu, dưới 20% giá trị sản xuất công nghiệp...

Lần giở lại một báo cáo tại Quốc hội kỳ trước đây, theo tính toán, xét về hiệu quả đầu tư, vai trò kinh tế của khu vực DNNN đang ngày càng suy giảm. Giai đoạn 2000 - 2006, khu vực kinh tế nhà nước đầu tư 7,2 đồng mới tạo ra được 1 đồng GDP, những năm 2007 - 2012 phải đầu tư tới 9,3 đồng mới tạo ra được 1 đồng. 

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn rất thấp và ngày càng giảm. Năm 2007, tỷ suất này của các DNNN khoảng 2,6%, nhưng đến năm 2012 giảm xuống chỉ còn 1%. Trong khi đó, tỷ lệ trả lãi vay bình quân cả trong và ngoài nước khoảng 4-5% nên nhiều DNNN khó có thể trả nợ. Điều này khiến áp lực nợ công ngày càng tăng.

Đến lúc phải thay đổi?

Trò chuyện với PV Tiền Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị một DNNN đang nằm trong “Top” nộp ngân sách nhiều ngàn tỷ những năm qua chia sẻ: “Chúng tôi rất hiểu cái hay, cái dở của DNNN là như thế nào và vì sao vậy. Trên thực tế đúng là DNNN rất được Nhà nước quan tâm và tạo điều kiện, thậm chí, có những DNNN độc quyền thì nói thật ngồi không, họ cũng có lợi nhuận. Tuy nhiên, muốn DNNN hoạt động tốt điều chúng tôi cần hơn là cơ chế thì lại không có”.

“Hiện vốn nhà nước tại doanh nghiệp có khoảng 1,3 triệu tỷ đồng, nếu quản lý tốt tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ở mức 17% - 20%. Nếu có cơ quan quản lý hiệu quả 1,3 triệu tỷ đồng vốn nhà nước tại các DN, tương ứng tỷ suất lợi nhuận đạt 17% thì mỗi năm có thể thu về 200.000 tỷ đồng lợi nhuận từ các DNNN”. 

Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội

Vị này đơn cử việc thu hút lao động hay nhân tài. Bây giờ, DNNN muốn tuyển thêm người thì bị Nghị định 52 về sử dụng lao động khống chế. Muốn xin thêm người, chúng tôi phải xin đủ chữ ký các cấp, bộ ngành. Hay cứ động đến phê duyệt đầu tư dự án, nếu so sánh với quy trình của doanh nghiệp tập đoàn tư nhân có lẽ dài hơn rất nhiều lần. Vì thế, nhiều khi cơ hội đã đi qua từ lâu dự án mới được phê duyệt. Một điểm nữa là hễ động làm gì thì tâm lý của nhiều lãnh đạo DNNN đều sợ bị dính đến pháp luật.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, không nói đến nhà nước hay tư nhân quan trọng nhất của một doanh nghiệp là phải có người đứng đầu giỏi. “Ưu ái DNNN là tốt nhưng họ cũng cần cơ chế chuyển động xứng đáng. Cái chúng ta cần, đó là phải có cơ chế để tuyển chọn những người đủ tầm lãnh đạo DNNN. Tôi nghĩ muốn có lãnh đạo giỏi ngay kể cả DNNN cũng cần chọn lọc dựa trên tố chất, năng lực chứ không phải do “nhân tạo”, ông Hưng nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Huyền - Lê Hữu Việt (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN