Khi doanh nhân trẻ bỏ du học đi nuôi gà

Sau những lời chúc mừng nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (ngày 13.10), giới doanh nhân quay lại với công việc làm ăn. Phía trước là sân chơi TPP, AFTA, là rất nhiều thuận lợi cũng như khó khăn. Phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị ghi nhận những chia sẻ, ý kiến của cộng đồng doanh nhân trẻ, những người bước vào thương trường giữa thời khó khăn.

Xuất thân của mỗi người khác nhau, được cha mẹ đỡ đầu hay không nhận được sự ủng hộ của gia đình, họ đều chịu một áp lực là chứng minh năng lực của mình. Ra làm ăn vào bối cảnh chung không thuận lợi, vốn liếng lớn nhất là kiến thức mà chưa có kinh nghiệm thương trường, áp lực này càng cao. Muốn làm thật là động lực chính thúc đẩy họ cố gắng.

Bỏ du học đi nuôi gà

Tại diễn đàn Xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam – Nhật Bản (ngày 9.10.2013), ông Hirotaka Yasuzumi, giám đốc tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP.HCM lúc đầu không quan tâm đến trứng gà bởi nó quá quen thuộc. Thế nhưng, chuyện gà nghe nhạc giao hưởng và đẻ trứng Omega-3 đã khiến ông chú ý đến trại gà đặc biệt của chàng trai trẻ 24 tuổi Nguyễn Duy Thiên Ân, giám đốc công ty sản xuất và thương mại Omega Minh Ân đến từ huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Không hứa hẹn gì với Thiên Ân, nhưng ông Hirotaka Yasuzumi động viên hãy tiếp tục những gì đang làm và làm tốt hơn, rồi sẽ có cơ hội.

Khi doanh nhân trẻ bỏ du học đi nuôi gà - 1

Nguyễn Duy Thiên Ân (trái) tiếp xúc với ông Hirotaka Yasuzumi, giám đốc Jetro tại TP.HCM.

Theo học ngành công nghệ sinh học ở trường đại học Văn Lang, Thiên Ân chọn đề tài tốt nghiệp là “Tăng hàm lượng Omega-3 trong trứng gà”. Đề tài này đã được các thầy ở viện Sinh học nhiệt đới nghiên cứu bước đầu, Thiên Ân tiếp tục để sản xuất trứng gà Omega-3 thương phẩm. Đề tài tốt nghiệp đã giúp Thiên Ân nhận được một suất học bổng tại Pháp. Cha mẹ chưa kịp vui đã đành nén lòng nhìn con trai trưởng bỏ du học, đòi đi nuôi gà, bán trứng vì nóng lòng muốn thực hiện chính công trình nghiên cứu mà mình góp phần và đã được viện Sinh học nhiệt đới chuyển giao.

Năm 2012, các chuyên gia kinh tế chưa dám khẳng định khủng hoảng đã đến đáy hay chưa, những dự đoán phát triển luôn rất thận trọng. Mặt khác, trước đó không lâu, vài doanh nghiệp có tên tuổi trong ngành chăn nuôi gà đã phải dẹp trại. Thế mà, nhiệt huyết của chàng sinh viên mới ra trường đã thuyết phục được một số người đồng ý góp 2 tỉ đồng vốn đầu tư một trại gà 5.000 con để anh hiện thực hoá những luận cứ chắc nịch về khả năng sản xuất, tiêu thụ trứng gà Omega-3.

Tin bản thân

Khác với người bỏ du học đi nuôi gà kia, năm 2004, Mai Trường Giang lại cố tìm cho được một suất học bổng ở Singapore. Sau khi tốt nghiệp, thu nhập từ công việc ở Singapore khá cao đã không giữ được Trường Giang ở lại đảo quốc này khi anh nhìn thấy tiệm bánh Chewy Junior luôn đông người xếp hàng chờ mua bánh su. Bánh su kem ở Việt Nam cũng có. Trường Giang nhận thấy chủ thương hiệu Chewy Junior đã nâng cấp món bánh này bằng cách tạo thêm nhiều hương vị mới lạ vào bánh và chú trọng trang trí để tạo nên vẻ tinh tế của mỗi chiếc bánh. Năm 2009, Giang quyết định nhượng quyền thương hiệu này về Việt Nam. Có người bảo chàng trai trẻ 24 tuổi này bốc đồng vì trong lúc kinh tế suy giảm, người dân tiết kiệm chi tiêu, bánh su không là thứ thiết yếu, làm sao nói người ta mua, nhất là giới sinh viên – đối tượng ban đầu Giang chọn để tiếp thị – càng không là nhóm khách hàng dư dả.

Quả thật mấy tháng lỗ nặng, vốn liếng đi mượn cạn dần, nhưng Giang không muốn bỏ cuộc. Anh hỏi khách hàng vì sao không mua bánh và đã kịp nhận ra mình chọn sai đối tượng khách hàng cũng như phương thức tiếp cận khách hàng. Anh thay đổi ngay, nhắm vào giới văn phòng, gia đình và làm bánh nhỏ lại để giá mỗi chiếc bánh thấp xuống, mọi người có thể ủng hộ. Thành công ở cửa hàng đầu tiên, Giang tích cực tiếp thị rồi mở thêm những cửa hàng tiếp theo và định hướng công ty cổ phần Khuông Việt theo đuổi hình thức kinh doanh nhượng quyền.

May mắn có cha mẹ trong giới kinh doanh, Hồ Mỹ Linh, giám đốc điều hành toà nhà tổ chức sự kiện Gala Royale (quận 1, TP.HCM) ít nhiều nhận được sự hỗ trợ khi khởi nghiệp vào năm 2007, lúc chị 24 tuổi. Có vốn không có nghĩa là mọi việc thuận lợi, nhất là khi ra thương trường sau, vấp phải lúc kinh tế suy giảm, liên hoan, hội nghị cũng bị tiết giảm. Nữ doanh nhân trẻ này đã kéo khách hàng đến với Gala Royale bằng những ý tưởng mới trong tổ chức tiệc như những tiệc cưới với các chủ đề đám cưới quê, lâu đài hạnh phúc, đêm tiệc đèn cầy, tiệc xanh… Nhờ vậy, Mỹ Linh đã vượt qua những năm khó khăn, để Gala Royale trở thành địa chỉ được chọn tổ chức hội nghị thường xuyên của giới doanh nhân trẻ và tiệc cưới của những đôi bạn thích sự mới lạ. Mỹ Linh chưa coi đó là kinh doanh thành công, chỉ mới là làm được những gì mình tin bản thân làm được.

Những đích đến tiếp theo

Cho gà nghe nhạc giao hưởng là cách vỗ gà ăn nhiều, đẻ trứng sai, còn quy trình quan trọng nhất là chế biến thức ăn đặc biệt nuôi gà cho trứng có hàm lượng Omega-3, DHA, các vitamin mang đến giá trị dinh dưỡng cao hơn trứng thường. Nói suông không thể khiến người tiêu dùng bỏ tiền mua. Trứng gà từ trại Minh Ân được đưa đi kiểm nghiệm chứng nhận chất lượng ở trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lượng chất lượng 3 và chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm do chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản cấp.

Thiên Ân tâm sự, do quy trình chăn nuôi phức tạp và chi phí đầu vào nhiều nên giá trứng gà Omega-3 khá cao, bán lẻ 5.000 đồng/trứng. Sau những lần đi hội chợ tiếp thị, anh mừng là mỗi tháng, trung bình trại gà Minh Ân xuất ra thị trường khoảng 140.000 trứng gà Omega-3, chứng tỏ người tiêu dùng đã tin tưởng sản phẩm. Nhu cầu đang tăng, Thiên Ân chuẩn bị xây dựng tiếp chuồng trại để nuôi thêm 5.000 con gà nữa. Bây giờ anh không quá lo về vốn vì hiệu quả khá tốt chỉ sau một năm sản xuất kinh doanh và phương án khả thi tiếp theo sẽ giúp anh tìm kiếm nguồn vốn dễ dàng hơn.

Mai Trường Giang đến giờ đã mở được 18 tiệm bánh Chewy Junior ở TP.HCM và vài tỉnh, thành. Anh cũng vừa mua lại quyền kinh doanh nhượng quyền thương hiệu bánh crepe Genki của Mỹ. Không chỉ có vậy, anh còn đang sở hữu chín cửa hàng Startup Coffee, một thương hiệu do chính anh xây dựng nên. Trường Giang cho biết kinh doanh nhượng quyền các thương hiệu thức ăn nhanh của nước ngoài chỉ là bước đầu để đúc kết kinh nghiệm cho kế hoạch xây dựng những thương hiệu nhượng quyền về ẩm thực truyền thống Việt Nam. Anh tiết lộ đang chuẩn bị ra mắt một cửa hàng phở theo mô hình nhượng quyền. Khi được hỏi anh có nghĩ mình mạo hiểm khi đã từng có thương hiệu phở nhượng quyền nổi tiếng, giờ đã mờ nhạt, trong khi những cửa hàng phở lâu năm vẫn được thực khách yêu thích, Trường Giang trả lời đã tìm hiểu để có thể làm tốt. Tuy vậy, Trường Giang cũng thổ lộ nỗi lo nhất của anh là tuyển dụng nhân sự bởi nếu không có con người tốt cũng khó kiểm soát chất lượng sản phẩm và chất lượng phục vụ.

Chỉ mới vài năm trên thương trường, đường dài còn ở phía trước, những doanh nhân trẻ vẫn tiếp tục theo đuổi con đường mình đã chọn. Họ đang bổ sung những gì còn thiếu là kiến thức quản trị, nhất là quản trị nhân lực, năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Các Ngọc (Sài Gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN