Khi doanh nghiệp gánh nợ chồng chất

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2016, bên cạnh những doanh nghiệp phấn khởi vì lãi to vẫn có không ít “đại gia” méo mặt bởi kết quả kinh doanh thua lỗ. Dù lãi suất cho vay trung dài hạn đã giảm tới 35% so với trước nhưng vay nợ chồng chất khiến nhiều ông chủ phải “gánh” lãi tiền tỷ hàng ngày.

Khi doanh nghiệp gánh nợ chồng chất - 1

Nhiều doanh nghiệp phải trả lãi vay tiền tỷ mỗi ngày.

Tốt vay, dày nợ

Cho đến thời điểm này, đúng như dự đoán của giới đầu tư trên sàn chứng khoán, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) chưa thể thoát khỏi tình trạng khó khăn.

 Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2016 cho thấy, doanh thu của HAG đạt gần 1.254 tỷ đồng, giảm còn hơn phân nửa so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng lên đến hơn 405 tỷ đồng, trong đó, riêng chi phí lãi vay đã lên tới 377 tỷ đồng. Tính ra, mỗi ngày HAG phải chi khoảng 4,2 tỷ đồng để trả lãi. Đến ngày 30/9, nợ phải trả của doanh nghiệp này đang ở mức hơn 34.893 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp nức tiếng khác trong ngành gỗ là Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã TTF) vừa báo lỗ thêm 394 tỷ đồng quý 3 sau khi đã lỗ đậm hơn 1.100 tỷ đồng hồi tháng 6. Cùng với đó, công ty phải trả 81 tỷ đồng chi phí tài chính, trong đó có 75,8 tỷ đồng là lãi vay. Hiện, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này tới ngày 30/9/2016 đã âm 34 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn vốn hiện tại đều là vốn vay. Công ty cũng phải vay ngân hàng ngắn hạn để tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Vay nợ ngân hàng của Gỗ Trường Thành hiện lên tới 2.380 tỷ đồng, chiếm 74% tổng nguồn vốn.

Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm mới đây của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), tính đến 30/6, Vinalines lỗ luỹ kế khoảng 4.031 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả lên tới 24.213 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính gần 16.500 tỷ đồng.

Còn theo thông tin vừa công bố thì hết năm 2015, Công ty TNHH MTV Tổng Công ty lương thực Miền Nam (Vinafood 2) đang vay ngân hàng 5.246 tỷ đồng và riêng chi phí lãi vay trong năm 2015 lên tới là 299 tỷ đồng. Báo cáo tài chính năm 2015 cho thấy, Tổng Công ty cà phê Việt Nam đang vay ngân hàng khoảng 1.068 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn là 856 tỷ đồng, vay dài hạn là 212 tỷ đồng.

Nhìn nhận về thực trạng vay nợ của doanh nghiệp Việt hiện nay, một lãnh đạo ngân hàng cho rằng, thực tế vay nợ đúng là con dao hai lưỡi có thể đẩy doanh nghiệp tới chỗ phá sản nếu vay quá nhiều. Với trường hợp Hoàng Anh Gia Lai, vị này nhìn nhận vấn đề doanh nghiệp gặp phải là đã đầu tư mạnh trong một thời gian ngắn, do đó khi cao su rớt giá lập  tức sẽ gặp khó khăn về dòng tiền.

Đã có ngưỡng cảnh báo

Theo quy định của Bộ Tài chính, kể từ ngày 1/1/2016, các doanh nghiệp bị khống chế về tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu nếu muốn chi phí lãi vay được tính là chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, nếu chi phí trả tiền lãi cho các khoản vốn vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu đối với lĩnh vực sản xuất; vượt quá 4 lần vốn chủ đối với lĩnh vực còn lại sẽ không được tính là chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Mục tiêu của chính sách là hạn chế tình trạng đi vay quá nhiều, đảm bảo an toàn tài chính cho doanh nghiệp, phản ánh đúng chi phí lãi vay phục vụ sản xuất kinh doanh và góp phần giảm rủi ro nợ xấu cho hệ thống ngân hàng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quang Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, hiện quy định vay nợ của doanh nghiệp đối với ngân hàng đã có và về nguyên tắc các tổ chức tín dụng luôn phải tuân thủ “Cho vay sản xuất kinh doanh, các tổ chức tín dụng luôn có tiêu chí xếp hạng phân hạng các loại khách hàng rồi căn cứ vào đó để tính ra hạn mức tín dụng cho vay. Cùng đó các ngân hàng kiểm soát dòng tiền cung cứng các dịch vụ qua tài khoản để có thể cho vay tín chấp”, ông Đông nói.

Trả lời câu hỏi “ngân hàng “soi” sức khỏe doanh nghiệp thế nào để quyết định rót những khoản vay lớn?”, bà Nguyễn Ánh Vân, Phó tổng Giám đốc phụ trách nguồn vốn Ngân hàng Bưu điện Liên Việt nhìn nhận: Việc cho vay sẽ tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng và sẽ có từng khung đánh giá. Tuy nhiên, vẫn có những tiêu chuẩn nhất định mà các bộ phận giám sát rủi ro đã xây dựng và áp chuẩn.

Theo TS Lê Đạt Chí, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM có rất nhiều lý do để doanh nghiệp quyết định vay nợ nhưng quan trọng hơn cả là mục đích vay và nếu để xảy ra tình trạng nợ quá nhiều, doanh nghiệp sẽ gặp rắc rối, bởi nợ được coi là chi phí cố định. Theo ông Chí, dù kinh doanh lời hay lỗ, doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo việc trả lãi vay đúng kỳ hạn và trả nợ gốc khi đáo hạn. Vì vậy, gia tăng nợ trong doanh nghiệp cũng đồng nghĩa với gia tăng thêm rủi ro tài chính. Nguy hiểm hơn, vay nợ quá nhiều có thể đẩy doanh nghiệp đến chỗ phá sản.

Theo Ngân hàng Nhà nước đến thời điểm cuối tháng 10/2016, tín dụng  đã tăng khoảng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương ứng đến thời điểm này có khoảng hơn 5 triệu tỷ đồng đi vào nền kinh tế. Trong đó, ngoài những chương trình cho vay sản xuất nông nghiệp hay theo chỉ đạo của Chính phủ, còn chiếm một tỷ trọng vay không nhỏ nằm ở các tập đoàn, tổng công ty cả nhà nước và tư nhân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Huyền (Báo Tiền Phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN