Khi các quỹ đầu cơ bán ròng hơn 100 tấn vàng
Giá vàng thế giới đã có một khởi đầu tồi tệ cho năm 2013 và giới quan sát lo ngại rằng, đợt tăng giá kéo dài suốt 12 năm liên tục vừa qua của kim loại quý này sắp đi vào hồi kết.
Theo tin từ Bloomberg, khởi đầu của giá vàng trong năm nay là tệ nhất trong 1/4 thế kỷ trở lại đây, đe dọa đặt dấu chấm hết cho đợt tăng giá dài nhất của vàng kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Các nhà đầu tư trên thế giới cũng đang ở trong một đợt bán vàng mạnh hiếm gặp.
Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy, trong tháng 2 vừa qua, các nhà đầu tư đã bán ròng 106,2 tấn vàng, trị giá 5,4 tỷ USD, từ các quỹ tín thác, trong đó quỹ SPDR Gold Trust là quỹ lớn nhất. Đây là đợt xả hàng mạnh nhất của các ETF vàng kể từ khi loại hình đầu tư vàng này ra đời vào năm 2003. Từ đầu tháng 3 tới nay, các quỹ này bán ròng thêm 21,6 tấn vàng nữa.
Các ngân hàng Credit Suisse và Barclays dự báo rằng, đợt tăng giá 12 năm qua của vàng sẽ đi vào thoái trào trong năm nay. Trong quý 4/2012, nhà đầu cơ tỷ phú George Soros đã giảm 55% mức nắm giữ các sản phẩm đầu tư vàng tín thác (ETP). Tính đến cuối năm ngoái, công ty quản lý quỹ Soros Fund Management của tỷ phú 82 tuổi này nắm giữ số vàng trị giá 97 triệu USD thông qua SPDR Gold Trust.
Một tỷ phú đầu cơ nổi tiếng khác là John Paulson thì không bán vàng ra trong quý 4. Hiện tỷ phú này là nhà đầu tư lớn nhất trong SPDR Gold Trust, với mức nắm giữ trị giá khoảng 3,3 tỷ USD.
Từ năm 2007 tới nay, chưa khi nào các quỹ đầu cơ lại tỏ ra bi quan về triển vọng giá vàng như hiện tại. Tâm trạng bi quan này bắt nguồn từ sự tăng tốc của các nền kinh tế và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) xem xét khả năng kết thúc chính sách nới lỏng định lượng. Giá vàng đã tăng gần như gấp đôi kể từ khi các ngân hàng trung ương mà dẫn đầu là FED bắt đầu mua số nợ trị giá hơn 3,5 nghìn tỷ USD kể từ tháng 12/2008 để hỗ trợ tăng trưởng.
Theo Bloomberg, mức độ lạc quan của các quỹ đầu cơ về triển vọng giá vàng hiện đã giảm 84% so với ở thời điểm trước khi giá vàng thế giới đạt kỷ lục vào tháng 9/2011.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu hiện đang ở mức đỉnh của 4 năm và tỷ giá đồng Euro cao nhất trong 7 tháng, có tới 8/13 nhà phân tích được Bloomberg thăm dò ý kiến nói rằng, họ dự báo giá vàng trung bình của năm 2014 sẽ thấp hơn năm nay.
“Mọi người tin rằng nền kinh tế thế giới đang hồi phục. Nhất là ở Mỹ, đang có những tín hiệu tích cực và điều này có thể dẫn tới việc tăng lãi suất ở một thời điểm nào đó. Có vẻ như các dòng tiền nóng đang rút khỏi thị trường vàng”, ông San Antonio, Phó chủ tịch phụ trách đầu tư chứng khoán tại USAA Investments, nhận xét.
Giá vàng tại thị trường London từ đầu năm tới nay đã giảm 5,8%, xuống còn dưới 1.580 USD/oz, đánh dấu sự khởi đầu tệ nhất từ năm 1988. Ở mức hiện tại, giá vàng chỉ cần giảm thêm 4% nữa là rơi vào trạng thái thị trường giá xuống (bear market). Năm ngoái, giá vàng trung bình đạt mức cao kỷ lục 1.699 USD/oz.
Trong khi đó, chỉ số Standard & Poor’s GSCI, thước đo giá của 24 loại hàng hóa đã tăng 0,3% kể từ đầu tháng 1 tới nay. Chỉ số MSCI All- Country World Index của thị trường chứng khoán toàn cầu tăng 6,1% trong cùng khoảng thời gian.
Ngân hàng Goldman Sachs mới đây đã giảm 12% mức dự báo mục tiêu cho giá vàng trong 3 tháng xuống còn 1.615 USD/oz và kỳ vọng mức giá 1.550 USD/oz trong vòng 1 năm. Theo Credit Suisse, giá vàng đang “bị định giá quá cao” và khó có khả năng trở lại mức kỷ lục 1.921,15 USD/oz đã lập vào tháng 9/2011. Ngân hàng này cùng một loạt nhà băng khác bao gồm Barclays Plc, Societe Generale SA, Natixis SA, BNP Paribas SA, ABN Amro Bank NV, Danske Bank A/S và TD Securities Inc đồng loạt dự báo mức giá trung bình của vàng năm 2014 sẽ giảm so với năm 2013.
Giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán toàn cầu đã tăng thêm khoảng 6,6 nghìn tỷ USD kể từ tháng 11/2012 tới nay. Các chuyên gia kinh tế được Bloomberg thăm dò ý kiến dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ tăng trong tất cả các quý của năm nay. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì dự báo, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,5% trong năm 2013 so với mức tăng 3,2% trong năm 2012.
Tuy nhiên, trái với xu thế bán ra của nhiều nhà đầu tư, các ngân hàng trung ương vẫn đang tích cực mua vàng để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối.
Theo số liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), năm ngoái, các ngân hàng trung ương đã mua ròng 534,6 tấn vàng, mạnh nhất kể từ năm 1964. Barclays dự báo, các ngân hàng trung ương sẽ mua thêm 300 tấn vàng nữa trong năm nay và tiếp tục mua thêm một khối lượng vàng tương tự trong năm 2014.
Bên cạnh đó, giá vàng giảm có thể làm gia tăng tiêu thụ vàng trang sức, nguồn lực cầu lớn nhất trên thị trường vàng. Theo Barclays, nhu cầu vàng trang sức của thế giới sẽ tăng 3,2% trong năm nay sau khi giảm 8,2% trong năm 2012.
Ngoài ra, giá vàng cũng không giảm đối với tất cả các nhà đầu tư trên thế giới. Từ đầu năm đến nay, giá vàng tính bằng đồng Yên Nhật đã tăng 4,5%, giá vàng tính bằng đồng Bảng Anh đã tăng 2,8% do các đồng tiền này xuống giá so với USD.