Johnathan Hạnh Nguyễn “bật mí” xây Trung tâm tài chính 4 tỷ USD

Johnathan Hạnh Nguyễn đã đề xuất xây dựng Trung tâm tài chính hiện đại nhất Đông Nam Á với số vốn 4 tỷ USD.

Johnathan Hạnh Nguyễn “bật mí” xây Trung tâm tài chính 4 tỷ USD - 1

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) - Ảnh: Yên Trang

Tin tưởng vào khát vọng đưa TP.HCM lên vị trí số 1 khu vực của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, bốn nhà đầu tư đứng đầu là tập đoàn của ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã đề xuất xây dựng Dự án Trung tâm tài chính - Hội nghị hiện đại bậc nhất Đông Nam Á với số vốn đầu tư 4 tỷ USD.

“Dự án này được kỳ vọng sẽ là khu trung tâm tài chính, chứng khoán mới có quy mô bậc nhất Đông Nam Á. Chúng tôi cũng đã lên đề án chi tiết, các bước triển khai, phân chia trách nhiệm cho các nhà đầu tư, thậm chí có cả ngày dự kiến sẽ hoàn thành dự án…”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), người đề xuất đưa dự án này về TP.HCM, vui mừng khi mở đầu câu chuyện với PV Báo Giao thông.

Một tháng đã lên xong đề án chi tiết

Thưa ông, ý tưởng nào khiến ông trình dự án Trung tâm tài chính - hội nghị Khu đô thị mới Thủ Thiêm lên lãnh đạo TP.HCM và Thủ tướng Chính phủ?

Khoảng tháng 3/2016, Bí thư Đinh La Thăng nói mong muốn TP.HCM tiếp tục giữ vững ở vị trí đầu tàu, động lực cho những mục tiêu chiến lược của cả nước. Và ước muốn lớn hơn nữa là giành lại cho TP.HCM ngôi vị trung tâm tài chính, khoa học, công nghệ của khu vực Đông Nam Á. Ý tưởng này được doanh nghiệp và các cơ quan chức năng ủng hộ. Bản thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng liên tục đưa ra cam kết rằng, Chính phủ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sau vài tuần tôi đã lên ý tưởng và làm việc với những ông chủ của các tập đoàn lớn của Mỹ để cùng hợp tác.

Làm thế nào để ông có thể thuyết phục những nhà tỷ phú Mỹ đổ hàng tỷ USD vào dự án này?

Trước hết xin khẳng định, tôi không phải là nhà môi giới bất động sản mà là nhà đầu tư. Trong tổng số vốn dự kiến đầu tư khoảng 4 tỷ USD ấy tôi cũng tham gia. Việc này đã được nói rõ trong hồ sơ dự án Thủ Thiêm gửi lãnh đạo TP.HCM và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Dự kiến, Dự án Khu phức hợp nằm trong Khu chức năng số 1 của Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quy mô khoảng 11 ha. Trong đó, tòa tháp văn phòng kỳ vọng sẽ là trung tâm tài chính - chứng khoán, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến làm việc. Dự án sẽ được triển khai trong thời gian 3 năm 2 tháng, với tổng vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn kỳ vọng, Dự án sẽ thu hút thêm hàng tỷ USD cho Việt Nam, bởi sẽ có hàng trăm doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu thế giới đến đây làm việc. Trong đó, riêng Cantor Fitzgerald sẽ kéo 6 - 8 tập đoàn ở Hoa Kỳ tới đầu tư ở TP.HCM và đặt trụ sở tại Khu phức hợp.

Riêng việc thuyết phục nhà đầu tư Mỹ, tôi thực hiện cách đây hai tháng. Thực tế họ cũng đang hợp tác với chúng tôi rồi, có mối quan hệ từ trước nên quá trình thảo luận không mấy khó khăn. Trước đó hai năm chúng tôi định rằng sẽ đầu tư vào một dự án khoảng 200-300 triệu USD nhưng chuyên về giải trí và diện tích nhỏ hơn. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa được duyệt và vẫn còn để đó. Nay từ ý tưởng của Bí thư Đinh La Thăng và những gì đang còn dở dang tôi nghĩ tại sao không phát triển hẳn một khu Trung tâm Tài chính - hội nghị bậc nhất Đông Nam Á.

Ba đối tác tôi trao đổi là: Tập đoàn đến từ ba lĩnh vực khác nhau. Trong đó, Tập đoàn Steelman Partners nằm trong top các công ty thiết kế, kiến trúc lớn nhất thế giới. Tập đoàn Cantor Fitzgerald chuyên về tài chính, còn Weidner Resorts nổi tiếng với ngành khách sạn, casino. Cụ thể, như Tập đoàn Cantor Fitzgerald là tổ chức tài chính, đầu tư, cung cấp các dịch vụ tài chính được thành lập từ năm 1945, đã hiện diện tại 30 quốc gia với khoảng 1.600 nhân viên. Chỉ trong vòng đúng 30 ngày phía Mỹ đã lên một kế hoạch bài bản chi tiết cho đề án, thậm chí chúng tôi đã phân công chi tiết ai làm việc gì và dự kiến nếu được triển khai ngay thì trong vòng bốn năm sẽ được hoàn thành. Tôi cũng nhận được thư tay của những vị lãnh đạo cao cấp của các tập đoàn này.

Johnathan Hạnh Nguyễn “bật mí” xây Trung tâm tài chính 4 tỷ USD - 2

Bí thư Đinh La Thăng và các nhà đầu tư đến từ Mỹ, trong đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn (ngoài cùng bên trái) là Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - Ảnh: Trung Hiếu

Cần có cơ chế riêng

Việc nhà đầu tư Mỹ đổ tiền vào Việt Nam và việc Trung tâm tài chính - hội nghị khu đô thị mới Thủ Thiêm đi vào hoạt động, chúng ta được lợi gì?

Trước hết chúng ta sẽ thấy dòng vốn ngoại đổ mạnh vào Việt Nam. Sau khi đầu tư vào đây họ sẽ đặt chi nhánh văn phòng tại trung tâm này, theo đó là các công ty con và các đối tác. Nghĩa là vốn sẽ tiếp tục đổ vào ngay cả khi hoàn thành xong dự án. Lượng tiền mặt đổ vào trung tâm này nếu đi vào hoạt động rất lớn. Chưa kể đi theo là việc làm, hay họ đào tạo nguồn nhân lực bậc cao… Sau khi chúng tôi trao đổi với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đến nay, đã có tới 6-8 tập đoàn tài chính đăng ký mở văn phòng tại khu trung tâm tài chính này.

Thưa ông, trong loạt bài Hiến kế để TP.HCM trở lại vị thế Hòn ngọc Viễn Đông đăng trên Báo Giao thông, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng đã đề cập đến việc Cần quy hoạch khu Trung tâm tài chính tập trung với những mô hình hoạt động cụ thể. Vậy, trung tâm tài chính - hội nghị các ông định triển khai sẽ hoạt động với mô hình thế nào?

Đây không phải là trung tâm tài chính thuần túy mà là một khu phức hợp khép kín với đủ các loại dịch vụ bao gồm: Trung tâm tài chính là các tập đoàn lớn, các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng, sàn giao dịch chứng khoán, khu văn phòng, bên cạnh là khách sạn 5 sao với hàng nghìn phòng, bệnh viện quốc tế, khu mua sắm giải trí, nhà hàng. Họ làm việc tại khu tài chính và có thể nghỉ ngơi, thư giãn, ăn uống cùng trong khu này. Và đây sẽ trở thành một trung tâm vệ tinh của TP.HCM.

Tuy nhiên, với một khu đặc biệt như vậy cũng cần có những cơ chế riêng. Chẳng hạn như các khu vui chơi giải trí có thể cho mở cửa 24/24h. Vì tôi biết nhiều chuyên gia khi sang Việt Nam do trái múi giờ nên đến 3-4 giờ sáng không ngủ được. Thậm chí cả vấn đề nên cho phép mở casino ở đây như ở Hồ Tràm đã có.

Nếu vậy, ông có nghĩ rằng sẽ xảy ra tệ nạn?

Không thể có tệ nạn được, vì trung tâm này từ khách sạn, nhà hàng, văn phòng… đều là hạng A. Với một khu trung tâm vệ tinh liên hoàn đầy đủ dịch vụ với đẳng cấp 5 sao, một bữa ăn lên tới cả nghìn USD thì khó có thể có tình trạng mất an ninh trật tự hay tệ nạn.

Nên sớm cho phép triển khai dự án

Có ý kiến cho rằng, với diện tích 11ha như vậy, có thể để kêu gọi từng nhà đầu tư khác nhau từ các quốc gia?

Chúng ta cũng có những cụm do Nhật Bản, Hàn Quốc đầu tư rồi nhưng với dự án này nếu cắt từng lô ra cho mỗi nhà đầu tư vào thì xảy ra tình trạng chúng ta không có được một trung tâm tài chính khép kín, cao cấp, chuyên nghiệp đúng nghĩa để TP.HCM trở thành Hòn ngọc Viễn Đông. Ở Philippines cũng có trung tâm tài chính nhưng lại rời rạc không liên hoàn. Trong khi ta hướng tới là số một Đông Nam Á thì không thể quy hoạch theo kiểu dàn trải, ông hạng A vào đứng cạnh ông B, C. Tôi nghĩ đây là dự án lớn không chỉ đem lại lợi ích cho TP.HCM mà lợi ích của quốc gia nên cần được đầu tư từ A-Z để đồng bộ mọi thứ. Nếu UBND TP.HCM, Ban quản lý dự án Thủ Thiêm có quyết định sớm thì dự án sẽ hoàn thành sau 4 năm. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài cũng cần được Chính phủ cam kết bởi các định chế tài chính ổn định. Ngoài ra, môi trường kinh doanh, quy hoạch nhanh, thuế… đều được nhà đầu tư rất quan tâm. Sắp tới chuyến thăm của Tổng thống Obama hy vọng sẽ thúc đẩy nhanh hơn việc các tập đoàn Mỹ đổ vốn vào Việt Nam.

Với trung tâm tài chính như vậy có bao gồm hội sở chính của những ngân hàng trên địa bàn TP.HCM hay không, thưa ông?

Về nguyên tắc, trung tâm tài chính đều trải chiếu cho những ngân hàng Việt. Tuy nhiên, chúng ta phải ưu tiên những tập đoàn tài chính quốc tế, doanh nghiệp đa quốc gia, hay các đối tác có giao dịch với họ. Với 70 tầng rất khó để có đủ chỗ cho mọi doanh nghiệp. Vì mỗi một doanh nghiệp chỉ cần thuê vài tầng đã hết rồi. Hơn nữa, các hội sở ngân hàng Việt Nam vẫn có khu vực riêng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cố gắng dành một số vị trí để các ngân hàng Việt Nam có thể tham gia cùng với các tập đoàn nước ngoài.

Cảm ơn ông!

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn có tên trong hồ sơ Panama?

Mấy ngày qua, một số báo đưa tin ông Johnathan Hạnh Nguyễn có tên trong hồ sơ Panama. Trao đổi với PV, ông Johnathan Hạnh Nguyễn khẳng định: “Trong số 189 người Việt có tên trong hồ sơ Panama hoàn toàn không có tên của tôi. Mà tôi chỉ có tên trong danh sách của công ty đa quốc gia vì tôi là doanh nhân Việt kiều Philippines”.

Về việc có tên trong danh sách của hai công ty đa quốc gia, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ, ngày 6/3/2008, Công ty Imex Asia Pacific International Limited (IAP) được thành lập, có mời tôi mua cổ phần để trở thành cổ đông của công ty. Tuy nhiên, ngày 9/9/2008 tôi đã trả lại cổ phần của Công ty IAP. Đối với Công ty Imex Pan Pacific Group Inc (IPP Group Inc), ông Hạnh Nguyễn có tham gia cổ phần nhưng cũng chỉ được 3 năm và đến ngày 4/9/2007 ông không còn vốn tại công ty này.

Ông Hạnh Nguyễn cho rằng, việc mua cổ phần của các công ty này là bình thường. Bản thân ông là doanh nhân Việt kiều Philippines và là nhà đầu tư quốc tế. Vấn đề này ở các nước trên thế giới là hoàn toàn hợp lệ, không có gì phạm pháp. Riêng Tập đoàn IPP tại Việt Nam, trong đó có các công ty thuộc Tập đoàn IPP hàng năm cũng đóng thuế lên tới 1.270 tỷ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yên Trang (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN