Hy Lạp hiện nay được xếp đồng hạng với Zimbabwe
Ngày 30.6, Hy Lạp đã tuyên bố không trả được số nợ 1,5 tỷ euro cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Theo đó, Hy Lạp đã chính thức trở thành nền kinh tế phát triển đầu tiên vỡ nợ trước IMF và quốc gia này đã gia nhập hàng ngũ “những quốc gia vỡ nợ” với Cuba và Zimbabwe.
Hiện nay, tình trạng của Hy Lạp cũng chỉ tương tự với hoàn cảnh của đất nước Zimbabwe. Năm 2014, Zimbabwe đã bị phá sản, nhiều nhà kinh tế dự đoán, chính phủ quốc gia này sẽ không trả lương kịp thời, hoặc tệ hơn là không có khả năng chi trả vào cuối năm 2014. Tình hình tài chính của Zimbabwe càng tệ hơn do người dân thi nhau rút tiền tiết kiệm ra khỏi ngân hàng.
Hội đồng quản trị của Quỹ tiền tệ quốc tế đã thông báo rằng Hy Lạp đang ở trong tình trạng vỡ nợ sau khi các cuộc đàm phán giữa quốc gia này và chủ nợ không đạt được thỏa thuận.
Ảnh: nguồn Bloombeg
Trong khi thảo luận về những hỗ trợ khẩn cấp, Ngân hàng Trung ương châu Âu hiện nay đang xem xét sự kiện không thể trả nợ cho IMF tác động như thế nào đến khả năng thanh toán của các ngân hàng Hy Lạp khi thảo luận về chương trình cứu trợ khẩn cấp. Sau đó, quyết định của ECB sẽ ảnh hưởng đến việc Hy Lạp có ở lại eurozone hay không. Theo đó, kết quả này có thể ảnh hưởng đến tư cách thành viên của Hy Lạp trong Eurozone.
Klaus Regling, người đứng đầu các quỹ cứu trợ ở khu vực đồng euro cho biết, IMF và ECB có quyền yêu cầu Hy Lạp nhanh chóng thanh toán nợ.
“Dĩ nhiên, vỡ nợ trước IMF sẽ không đảm bảo cho Hy Lạp có thể ở lại Eurozone. Nếu Hy Lạp bỏ phiếu “đồng ý” với đề xuất của các chủ nợ trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5.7, thì có khả năng Hy Lạp sẽ được ở lại Eurozone. Tuy nhiên, khi Hy Lạp phải sử dụng đồng tiền khác với đồng euro ở trong khu vực này, thì vẫn sẽ rất khó cho Hy Lạp để tồn tại” , David Stubbs, một chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan Asset Management ở London, cho biết.
Vấn đề Hy Lạp vỡ nợ được xem là vấn đề lớn nhất trong lịch sử của IMF. Theo đó, sẽ có rất ít cơ hội để IMF chấp nhận lời yêu cầu xin gia hạn của Hy Lạp.
"Mọi người đã hoàn toàn chán ngấy với vấn đề này", Andrea Montanino, một cựu thành viên trong hội đồng quản trị của IMF cho biết.