Hơn 455 triệu USD vốn ngoại đổ vào bất động sản
Bất động sản xếp vị trí thứ 2 trong các danh sách các ngành nghề thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 4 tháng đầu năm, với trên 455 triệu USD (khoảng 10.300 tỉ đồng) đổ vào thông qua hình thức đăng ký mới và bổ sung vốn.
Vốn ngoại tiếp tục đổ mạnh vào các dự án bất động sản trong 4 tháng đầu năm. Ảnh: NLĐ
Đây là số liệu được Tổng cục Thống kê công bố trong tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm.
Theo đó, tổng vốn FDI từ đầu năm đến giữa tháng 4-2018 cấp mới và tăng thêm đạt hơn 5,79 tỉ USD, giảm 37,3% so với cùng kỳ năm trước. Số dự án được cấp phép mới là 883, tăng 20,3% nhưng giảm về số lượng vốn đăng ký 27,2% khi đạt hơn 3,55 tỉ USD. Đồng thời, có 303 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư mới, với số vốn tăng thêm hơn 2,2 tỉ USD.
Trong 4 tháng đầu năm, số lượng nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp cũng đạt 1,56 tỉ USD và lượng nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ trị giá 703 triệu USD. Nhật Bản và Hàn Quốc là hai thị trường có lượng vốn ngoại rót nhiều nhất vào Việt Nam từ đầu năm đến nay.
Đáng lưu ý, hoạt động kinh doanh bất động sản là ngành đứng thứ 2 trong danh sách thu hút vốn FDI, sau ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Số vốn đăng ký của các dự án mới được cấp phép là 455 triệu USD (tương đương 10.300 tỉ đồng), chiếm 12,8% tổng lượng vốn FDI vào Việt Nam. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước, tổng lượng vốn ngoại rót vào kênh bất động sản đạt 564 triệu USD.
Tại TP HCM, theo số liệu của Cục thống kê TP, trong 4 tháng đầu năm tổng lượng vốn đầu tư FDI cấp mới và tăng thêm đạt 500,6 triệu USD, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong lĩnh vực bất động sản, có 10 dự án đầu tư đăng ký mới và tăng vốn với tổng lượng vốn đạt 68,7 triệu USD.
Thị trường bất động sản khởi sắc thời gian qua đã thu hút một lượng vốn ngoại lớn đổ vào, thông qua các dự án hợp tác đầu tư, góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Lúc này, dòng vốn FDI tiếp tục là nguồn lực quan trọng đầu tư vào thị trường, giúp các doanh nghiệp có thêm vốn cho những dự án trong bối cảnh tín dụng ngân hàng đang được "hãm phanh" vào bất động sản.