Hôm nay nhà nhà chạy khỏi chứng khoán
Nếu hôm qua, nhà đầu tư tranh nhau mua thì hôm nay, nhà nhà tìm mọi cách chạy khỏi chứng khoán.
Sàn Thành phố Hồ Chí Minh
Trong phiên giao dịch đầu tuần, thị trường bất ngờ hứng khởi khi VN-Index tăng hơn 6 điểm. Tiếp đà tăng của ngày hôm qua, sáng nay, thị trường mở cửa với sự hưng phấn mạnh của nhà đầu tư. Lực mua ồ ạt chảy vào thị trường khiến thanh khoản tăng mạnh. Những blue-chip như BID, GAS, MSN,… giúp VN-Index có thời điểm vượt qua 560 điểm.
Kết thúc thời gian giao dịch buổi sáng, thị trường vẫn rất sôi động với lượng mua chiếm ưu thế. VN-Index tăng 4,58 điểm lên 560,48 điểm. Kết quả này khiến nhà đầu tư phơi phới niềm tin VN-Index sẽ có một ngày giao dịch thành công.
Tuy nhiên, tình hình bất ngờ thay đổi. Ngay khi VN-Index tăng tới 4 điểm, thị trường đảo chiều chỉ trong chớp mắt. Bảng giao dịch điện tử nhanh chóng chìm trong sắc đỏ. Lệnh bán được tung ra ồ ạt. Hiện tượng chốt lời xuất hiện rõ nét. Áp lực chốt lời lan tỏa từ nhóm VN30, nơi nhiều mã đã tăng mạnh trong mấy ngày qua.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/2, VN-Index giảm 2 điểm, tương ứng 0,36% và dừng ở mức 553,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 175.048.180 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 2.852,62 tỷ đồng. Tổng khối lượng giao dịch thỏa thuận là 4.203.330 cổ phiếu, tương ứng 220,82 tỷ đồng. Toàn sàn có có 98 mã tăng giá, 70 mã đứng giá và 130 mã giảm giá.
VN30-Index có tốc độ giảm mạnh gấp đôi VN-Index. Chốt phiên giao dịch ngày 11/1, VN30-Index giảm 4,02 điểm, tương ứng 0,64% và dừng ở mức 627,4 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 66.759.605 cổ phiếu, tương ứng 1.566,65 tỷ đồng. Trong nhóm có 4 mã tăng giá, 6 mã đứng giá và 20 mã giảm giá.
Hôm nay, cả blue-chip, midcap và penny đều là nguyên nhân khiến VN-Index giảm điểm. (Ảnh minh họa)
Có thể thấy, hôm nay, cả blue-chip, midcap và penny đều là nguyên nhân khiến VN-Index giảm điểm. Trong đó, blue-chip là “tội đồ” lớn nhất khi lao dốc tương đối mạnh. Có tới 20/30 cổ phiếu vốn hóa lớn chìm trong sắc đỏ.
Những blue-chip giảm mạnh có thể kể đến như FPT giảm 500 đồng/CP xuống 55.000 đồng/CP, KDC giảm 1.000 đồng/CP xuống 62.000 đồng/CP, REE giảm 700 đồng/CP xuống 33.300 đồng/CP, SSI giảm 400 đồng/CP xuống 23.400 đồng/CP, VNM giảm 1.000 đồng/CP xuống 139.000 đồng/CP,… Điều đáng nói, rất nhiều mã trong số đó, đầu phiên còn đóng vai trò dẫn dắt thị trường đi lên.
Ở chiều ngược lại, chỉ có 4/30 cổ phiếu vốn hóa lớn tăng điểm. Các mã đó là DRC tăng 200 đồng/CP lên 43.500 đồng/CP, MSN tăng 500 đồng/CP lên 92.000 đồng/CP, PET tăng 700 đồng/CP lên 22.800 đồng/CP, VIC tăng 500 đồng/CP lên 76.500 đồng/CP.
Hôm nay, dấu ấn đáng kể nhất trên sàn Thành phố Hồ Chí Minh chính là thanh khoản tăng vọt. Dòng tiền đổ mạnh vào thị trường. Như thường lệ, dòng tiền vẫn chọn blue-chip. Hôm nay, ITA là cái tên được lựa chọn.
Khối lượng giao dịch của ITA tăng gấp khoảng 2,5 lần so với hôm qua khi đạt tới 15.478.910 đơn vị. Khối ngoại mua vào 265.070 đơn vị ITA. Giao dịch sôi động nhưng ITA lại có bước thụt lùi về giá khi giảm 200 đồng/CP xuống 7.300 đồng/CP.
Nhiều blue-chip khác cũng bị mạnh tay bán ra đẩy khối lượng giao dịch tăng mạnh. Đó là HAG với 5775570 đơn vị, SSI với 5.380.350 đơn vị, PVT với 4.255.860 đơn vị, PET với 4.592.910 đơn vị,
Sàn Hà Nội
Sàn Hà Nội cũng có phiên thăng trầm như sàn Thành phố Hồ Chí Minh. Kết thúc phiên giao dịch 11/2, HNX-Index giảm 0,01 điểm, tương ứng 0,01% và đóng cửa ở mức 75,55 điểm. Tổng khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội đạt 90.520.413 cổ phiếu, tương ứng 838,5 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 916.798 cổ phiếu, tương ứng 4,84 tỷ đồng.
Toàn sàn ghi nhận 116 mã tăng giá, 63 mã đứng giá và 116 mã giảm giá.
HNX30-Index cùng chiều với HNX-Index. Đóng cửa phiên 11/2, HNX30-Index giảm 0,94 điểm, tương ứng 0,63% và đóng cửa ở mức 148,39 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 59.611.200 cổ phiếu, tương ứng 620,75 tỷ đồng Trong nhóm có 10 mã tăng giá, 4 mã đứng giá và 15 mã giảm giá.
Số mã blue-chip giảm giá trên sàn Hà Nội ít hơn trên sàn Thành phố Hồ Chí Minh nên HNX-Index có tốc độ đi xuống khiêm tốn hơn VN-Index. Một số mã hạn chế đà tăng của HNX-Index có thể kể đến như ACB tăng 100 đồng/CP lên 16.300 đồng/CP, HUT tăng 200 đồng/CP lên 8.700 đồng/CP, ICG tăng 400 đồng/CP lên 7.100 đồng/CP, LAS tăng 500 đồng/CP lên 47.000 đồng/CP,….
Ở chiều ngược lại, một số mã dẫn dắt thị trường đi xuống là AAA giảm 1.100 đồng/CP xuống 23.000 đồng/CP, BCC giảm 500 đồng/CP xuống 6.000 đồng/CP, BVS giảm 400 đồng/CP xuống 13.000 đồng/CP, DBC giảm 600 đồng/CP xuống 24.500 đồng/CP, KLS giảm 100 đồng/CP xuống 9.600 đồng/CP, NTP giảm 500 đồng/CP xuống 66.000 đồng/CP,….
Hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài lại giao dịch sôi động ở một số mã. Tuy nhiên, sự sôi động này không có tác dụng nâng đỡ giá. Khối ngoại mua vào 729.400 đơn vị SHB và 300.025 đơn vị VND nhưng cuối cùng 2 blue-chip này cũng không thể duy trì được đà tăng của phiên sáng. SHB giảm 100 đồng/CP xuống 7.600 đồng/CP. VND giảm 100 đồng/CP xuống 13.300 đồng/CP
PVX vẫn nóng nhưng nóng trên nghĩa tiêu cực. Cổ phiếu này không thể có chuỗi ngày tăng trần liên tiếp nữa. Thay vì đó, PVX suýt giảm sàn khi mất 200 đồng/CP xuống 3.300 đồng/CP. Trước đó, có thời điểm, PVX tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch của PVX cao ngất ngưởng, đạt 9.002.753 đơn vị.