Học tỷ phú Malaysia vượt khủng hoảng
Khi được hỏi về những góp ý cho Việt Nam, tỷ phú số 1 Malaysia cho rằng, “Nếu được góp ý với Ngài Chủ tịch nước Việt Nam, tôi sẽ nói dân số đông là tài sản chứ không phải món nợ, nhưng quan trọng hơn là cách giáo dục người dân.”
Một trong những người giàu nhất Malaysia, sở hữu tài sản lên đến 9 tỷ USD đã mở lòng nói về những ngày khó khăn đến mức trắng tay trong cuộc khủng hoảng kinh tế.
Ông Tan Sri Tan Sri Dato’seri Vincent Tan, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Berjaya kể về cuộc đời mình bằng câu chuyện bỏ học đúng thời điểm quan trọng - học đại học. Năm 18 tuổi, ông bỏ học để ở nhà giúp cha vận hành doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn. Cùng lúc đó, ông đi làm thêm để kiếm tiền ở một ngân hàng rồi làm đại lý bảo hiểm.
Số phận đưa ông đến với việc kinh doanh bởi cơ hội dù nhỏ nhất cũng làm ông không thể ngồi yên. Năm 1981, trong lúc ít người biết đến đồ ăn nhanh thì ông kết nối với McDonald đưa loại hình này vào Malaysia. Và ông đã phải mất 8 năm để hoàn thành việc đưa cửa hàng đầu tiên vào đất nước Hồi giáo này.
Ông Tan say sưa kể về cuộc đời mình trước hơn 20 doanh nghiệp Việt Nam cất công sang học hỏi tận nơi kinh nghiệm "thoát chết" trong khủng hoảng kinh tế. Chuyến đi nằm trong chuỗi hoạt động Leader Talk - TOP 100 Phong cách Doanh nhân VN.
Môi trường kinh doanh: Quyết định sống hay chết
Đầu những năm 1980, tinh thần kinh doanh của ông Tan gặp được chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp của Thủ tướng Mahathir Mohamad ngày đó và ông đã mua lại nhiều công ty như Công ty sổ số Malaysia, Công ty bán hàng đa cấp Costway. Trong thương trường, sự nhạy cảm đã mách bảo ông Tan kinh doanh nhiều lĩnh vực và chia vốn ra nhiều doanh nghiệp.
Khó khăn nhất 87-98 khủng hoảng kinh tế lan rộng ở châu Á, bắt đầu từ Thái Lan đến Malaysia, Hàn Quốc. Để cứu nền kinh tế, các nước vay tiền của IMF kèm với chính sách thắt chặt tiền tệ. Nhiều công ty bị quốc hữu hóa hoặc đóng cửa.
Thủ tướng Malaysia đã cứu doanh nghiệp bằng cách không vay tiền của IMF, khuyến khích doanh nghiệp cổ phần hóa và ít can thiệp vào việc của doanh nghiệp. Đồng thời đưa nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Malaysia. Nhờ môi trường kinh doanh ổn định mà doanh nghiệp từng bước thoát ra khỏi khủng hoảng.
Khi được hỏi nếu được góp ý với Việt Nam ông sẽ nói gì? Như chất chứa từ lâu, ông nói liền một mạch: Nếu được góp ý với Ngài Chủ tịch nước Việt Nam, tôi sẽ nói dân số đông là tài sản chứ không phải món nợ, nhưng quan trọng hơn là cách giáo dục người dân.
Cái thiếu nhất ở trình độ người dân Việt Nam là tiếng Anh, có tiếng Anh mới làm ăn được với nước ngoài, thậm chí đi làm thuê ở nước ngoài. Các trường ở VN nên dạy song ngữ từ sớm, ở nhà nói tiếng Việt rồi thì đến trường nên tiếng Anh chứ không nên học toàn tiếng Việt nữa.
Dân số Việt Nam ngang với Philippines, cũng khó khăn trong giải quyết việc làm nhưng người Philippines có tiếng Anh nên có thể làm thuê hoặc ra nước ngoài làm việc cho nước ngoài. Kinh tế Philippines bớt khó khăn rất nhiều nhờ khoản tiền chuyển về từ nước ngoài.
Ngoài ra, trong lúc khó khăn thì tìm cách tăng xuất khẩu, hạ lãi suất để ổn định sản xuất kinh doanh trong nước. Doanh nghiệp có nội lực thì đất nước mới vượt qua được khủng hoảng.
Làm những việc nhiều người can
Trong quá trình kinh doanh, ông làm nhiều việc mà nhân viên và người thân can ngăn. Khu liên hợp văn phòng, khách sạn, mua sắm Times Square ở vị trí đắc địa tại trung tâm Kuala Lumpur với diện tích 300.000 m2 được ông dùng để đưa các loại hàng trung bình đến rẻ tiền vào bán.
Lý giải điều này, ông cho rằng nếu mua hàng hiệu thì người ta sẽ đến Anh hoặc Pháp, đa số người dân Malaysia chỉ mua sắm hàng hóa có giá trung bình nên có thể trung tâm không sang trọng nhưng luôn đông khách.
Lâu đài nghỉ dưỡng trong khu liên hợp Berjaya Hill
Lúc khó khăn mất đi 2 tài sản lớn. Bị ép bán công ty truyền thông Digi. Năm 1997, ông phải cắn răng bán công ty bảo hiểm ông sở hữu 70% (prudential chiếm 30%) để có tiền trang trải nợ để vượt qua khó khăn.
Nhiều người can ngăn ông bởi đó là khối tài sản lớn của công ty, phải bán đi trong lúc kinh tế suy thoái sẽ bị mất giá. Tuy nhiên, nhờ vậy mà trong lúc hàng loạt công ty phá sản thì ông sống sót. Kinh nghiệm của ông là đa dạng hóa loại hình kinh doanh để có thể vứt bớt hàng hóa ra khỏi con tàu trong lúc bão.
Ở đỉnh cao của sự nghiệm, ông tiếp tục quá trình đa dạng hóa bằng cách khai thác các thị trường mới. Ông quyết định đầu tư vào Trung Quốc, Thái Lan và mới đây nhất là Việt Nam.
Khi vào Việt Nam ông cũng được đồng nghiệp khuyên can nhưng ông quyết tâm đầu tư với kinh nghiệm làm việc ở Việt Nam là làm chậm nhưng chắc chắn. Lãi suất ở Việt Nam cao nên ông quyết định vay tiền ở Malay chấp nhận rủi ro hối đoái.
Đã quyết tâm thì làm đến cùng, vào thị trường Việt Nam khó nhưng trong cái khó sẽ nghĩ ra cách và kiên định sẽ vượt qua.
Giữ sức khỏe và tiết kiệm thời gian
Để có sức khỏe làm việc trong áp lực cực lớn ông tự đặt ra các nguyên tắc: Không hút thuốc, không uống rượu, tập thể dục hằng ngày, ăn nhiều rau ít đạm. Không như các đại gia khác, ông tuyệt đối không chơi golf vì ông cho rằng môn này quá mất thời gian.
Rút về khi đang ở đỉnh cao, chuyển giao toàn bộ công ty cho con trai 38 tuổi, ông dành thời gian đóng góp cho đất nước Malaysia. Ông vừa lập quỹ Better Malaysia với số tiền 200 triệu USD để làm những công việc theo đúng tên quỹ: Để Malaysia tốt hơn.
Cuộc đời ông, theo ông là được trời phù hộ để giàu có hơn nhu cầu, điều ông trăn trở nhất là làm sao để đóng góp cho đất nước, để đồng tiền của mình được sử dụng đúng đắn đưa những người dân Malaysia khác vượt nghèo và giàu có hơn.
Đây cũng là điều ông muốn các doanh nghiệp Việt Nam dù gặp nhau trong vỏn vẹn 1 ngày suy nghĩ trăn trở và biến thành quan điểm sống và kinh doanh.