Hoạt động tín dụng quay về bản chất thực

6 tháng đầu năm 2012, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng mới chỉ khắc phục được tình trạng âm, nhưng đến cuối năm, con số tăng trưởng tín dụng toàn ngành được công bố đã đạt 8,91%.

Nhìn lại những con số tăng trưởng tín dụng

Số liệu về tăng trưởng dư nợ tín dụng tín dụng đối với nền kinh tế (bao gồm cả đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác) được công bố tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ cuối tháng 11/2012 là 4,15% so với cuối năm 2011. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra thống kê, tính đến 20/12/2012, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 6,45% so với cuối năm 2011. Tiếp đó, cơ quan này công bố tăng trưởng tín dụng năm 2012 đạt khoảng 8,91%.

Theo NHNN, nếu tính cả đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, thì hệ thống các TCTD đã cung ứng vào nền kinh tế tương đương mức tăng trưởng tín dụng khoảng 13,91% trong năm 2012. Đó là chuyện của năm 2012, còn sang năm nay, tình hình các con số tăng giảm “bất thường” vẫn tiếp tục. Cuối tháng 1/2013, NHNN công bố dư nợ cho vay của toàn hệ thống ngân hàng âm 1% và đến ngày 19/2, con số này đã được cải thiện, với mức âm 0,16% so với cuối năm 2012 trong khi tháng 2 là tháng Tết Nguyên đán và có tới 9 ngày nghỉ lễ.

Hoạt động tín dụng quay về bản chất thực - 1

Tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng trong 2 tháng đầu năm âm 0,16

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, con số tăng trưởng tín dụng tăng đột biến cuối năm trong khi các chỉ số kinh tế vĩ mô được cải thiện không đáng kể, nên có khả năng, con số tăng trưởng tín dụng cuối năm đã không được các TCTD báo cáo chính xác, nhằm mục đích nhận được định mức tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2013. Điều này đã được thể hiện bằng việc ngay sau đó, tín dụng quay về mức âm trong những tháng đầu năm 2013.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, có thể các ngân hàng đang cố gắng đưa ra một bức tranh tăng trưởng tín dụng tươi sáng hơn so với thực tế.

Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT một NHTM cho rằng, việc tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng vào cuối năm tăng vọt là thực tế của thị trường. “Vào cuối năm, nhu cầu khoản vay có kỳ hạn rất ngắn phục vụ mùa kinh doanh Tết rất lớn. Đến cuối tháng 1/2013, nhiều khách hàng tất toán các khoản vay này. Bên cạnh đó, nhu cầu vay vốn mới rất yếu, nên hầu hết các ngân hàng đều tăng trưởng tín dụng âm trong hai tháng đầu năm 2013”, vị Chủ tịch trên nói.

Đồng quan điểm trên, Tổng giám đốc một NHTM nhận định, tăng trưởng tín dụng từ tháng 6-9/2012 dù đã khả quan hơn 6 tháng đầu năm, nhưng vẫn còn rất chậm. Do vậy, các ngân hàng đã thay đổi  quan điểm cho vay: chấp nhận lợi nhuận ít đi, thậm chí có khoản vay không lợi nhuận còn hơn giữ vốn trong ngân hàng để chịu lỗ, khiến tín dụng tăng trưởng đột biến trong quý IV.

Tăng trưởng tín dụng cao, có tốt?

Theo Phó tổng giám đốc một ngân hàng, bất cứ một chính sách nào đưa ra cũng có mặt trái và quy định về trần tăng trưởng tín dụng cũng vậy. Một mặt, quy định này giúp cơ quan quản lý kiểm soát được dư nợ cho vay trong nền kinh tế của các tổ chức tín dụng, nhưng mặt khác lại tạo ra tình trạng chạy theo thành tích để đạt mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng. Trong bối cảnh ngành ngân hàng phải thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ thì việc duy trì những biện pháp hành chính là cần thiết, nhưng một khi các tổ chức tín dụng đã phát triển lành mạnh, các NHTM tự xem xét lại tăng trưởng tín dụng bao nhiêu là hợp lý, chứ không cần cứ phải đạt chỉ tiêu tín dụng cao mới là tốt.

Thực tế cũng cho thấy, nhiều năm trước, một số ngân hàng vì chạy theo mục tiêu tăng trưởng nóng mà đã bỏ qua chất lượng tín dụng, dẫn đến hậu quả là nợ xấu tăng cao.

“Con số tăng trưởng tín dụng âm hay dương chỉ cho thấy được một phần của vấn đề. Tốc độ tăng trưởng tín dụng âm không hẳn đã là xu hướng tiêu cực, bởi hoạt động tín dụng đã quay về bản chất thật, mang tính bền vững”, ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên ANZ (Việt Nam) chia sẻ.

“Trong năm nay, Việt Nam không nhất thiết phải đạt được con số tăng trưởng tín dụng 12%. Điều quan trọng là chất lượng tín dụng phải tốt, để giảm thiểu nguy cơ nợ xấu tăng cao. Nhiệm vụ cần được ưu tiên hàng đầu là củng cố hoạt động của ngân hàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhuệ Mẫn (Đầu tư Chứng khoán)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN