Hoảng loạn bao trùm Phố Wall

Mức độ sợ hãi của nhà đầu tư tăng cao kỷ lục đã nhấn chìm Phố Wall.

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục bị nhấn chìm trong sắc đỏ khi cả 3 chỉ số chính đều đi xuống. Trong đó Dow Jones có phiên giảm thứ sáu liên tiếp.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 09/05/2012, chỉ số Dow Jones giảm thêm 97,03 điểm, tương ứng 0,75%, đóng cửa ở mức 12.835,06 điểm, đánh dấu phiên đi xuống thứ 6 liên tiếp.

Trong số 30 cổ phiếu đang niêm yết tại đây, cổ phiếu của United Tech và General Electric dẫn đầu đà giảm với tỷ lệ tương ứng với 2,3% và 1,77%.

Chỉ số S&P 500 tiếp tục giảm 9,14 điểm, tương ứng 0,67%, dừng ở mức 1.354,58 điểm. Như vậy, chỉ số này đang về sát ngưỡng quan trọng 1.350 điểm.

Tất cả 10 chỉ số ngành trên S&P 500 đều giảm điểm trong đó cổ phiếu ngành tài chính và công nghiệp giảm mạnh nhất.

Theo thống kê của Reuters, trong 441 công ty đã báo cáo kết quả kinh doanh quý trên chỉ số S&P 500, hiện có 66,7% công ty công bố lợi nhuận vượt dự báo của các chuyên gia phân tích.

Chỉ số Nasdaq giảm thêm 11,56 điểm, tương ứng 0,39%, chốt phiên ở mức 2.934,71 điểm. Như vậy, chỉ số này vẫn cách xa ngưỡng 3.000 điểm quan trọng.

Chỉ số CBOE Volatility Index, VIX, chỉ số đo mức độ sợ hãi của các nhà đầu tư, tăng kỷ lục trong 2 tháng gần đây với mức tăng 5,8% lên mức 20,15 điểm.

Chỉ số KBW Bank (BKX) giảm 1,6%, trong đó cổ phiếu của JPMorgan giảm 1,8% xuống 40,64 USD/cổ phiếu.

Có khoảng 7,79 tỷ cổ phiếu giao dịch thành công trên cả 3 sàn giao dịch New York, America Exchange và Nasdaq. Khối lượng này đã cao hơn so với mức bình quân 6,8 tỷ cổ phiếu tính từ đầu năm đến nay.

Hoảng loạn bao trùm Phố Wall - 1

Mức độ sợ hãi của nhà đầu tư tăng cao kỷ lục đã nhấn chìm Phố Wall.

Không chỉ Phố Wall, chứng khoán toàn cầu lao dốc trước bất ổn chính trị của Hy Lạp sau khi các cuộc đàm phán liên minh bế tắc. Bế tắc đã khơi lại những lo ngại về hai gói cứu trợ đàm phán kể từ tháng 5/2010. Với sự chia rẽ trong Quốc hội và các nhà hoạch định chính sách ở Berlin và Brussels, cuộc khủng hoảng nợ lại một lần nữa khiến Hy Lạp có nguy cơ đối mặt với việc thoát ra khỏi đồng euro.

Ngoài ra, một số thông tin tại thị trường vĩ mô kém lạc quan của Mỹ cũng góp phần nhấn chìm Phố Wall. Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ công bố hàng tồn kho bán buôn trong tháng 3 tăng thấp hơn dự báo. Lượng hàng tồn kho bán buôn nhích nhẹ 0,3% lên mức cao kỷ lục 480,4 tỷ USD sau khi đã tăng 0,9% trong tháng 2.

Ngoài ra, việc một vài cổ phiếu lớn giảm sâu cũng tác động mạnh tới thị trường. Trong đó đáng kể nhất là Cisco Systems. Cổ phiếu của người khổng lồ công nghệ đóng cửa ở mức 17,23 USD/cổ phiếu sau khi giảm 8,3%.

Cổ phiếu Cisco lao dốc sau khi hãng này tuyên bố viễn cảnh khó khăn hơn của hãng trong quý này. Giám đốc điều hành John Chambers nhấn mạnh từ “thận trọng” khi nói về kinh doanh.

Cổ phiếu của Macy’s cũng giảm mạnh khi mất tới 3,7% xuống 38,05 USD/cổ phiếu. Công ty này vẫn giữ nguyên dự báo thu nhập trên cổ phiếu năm nay là khoảng 3,25 tới 3,3 USD/cổ phiếu. Trong khi đó, các nhà phân tích lại dự báo con số này này 3,39 USD/cổ phiếu.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu của “người nổi tiếng” Disney tăng 1,6% lên mức 45,02 USD/cổ phiếu, mức tăng mạnh nhất trên Dow Jones. Giá cổ phiếu Gold Corp và Newmont Mining tăng 3,01% và 3,98% tương ứng. Cổ phiếu của hãng xe Toyota danh tiếng cũng tăng tới 3,04% sau khi công bố mức tăng vọt trong lợi nhuận quý này.

John Carey, người giám sát 220 tỷ USD tại Pioneer Investments ở Boston cho biết: “Các cuộc bầu cử ở châu Âu mở ra khả năng mới cho gói giải cứu. Thật quá khó để đưa ra lời phân tích. Sự không chắc chắn luôn làm khó nhà đầu tư”.

Randy Frederick, giám đốc điều hành tại Charles Schwab ở Austin, Texas phân tích: “Thật khó để bước vào thị trường. Tôi đang khuyên khách hàng của mình tự bảo vệ mình bằng cách tránh xa thị trường trong tháng 7 vì chúng ta sẽ nhìn thấy thị trường có thể chìm sâu”.

Bernstein ở New York lại cho rằng hiện nhà đầu tư đánh giá quá thấp rủi ro bên ngoài nước Mỹ và đánh giá quá cao rủi ro bên trong nước Mỹ.

Thị trường chứng khoán châu Âu cũng chìm trong sắc đỏ. Chỉ số Stoxx Europe 600 giảm 0,3% xuống mức 249,73 điểm. Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 13/01. Chỉ số FTSEurofirst 300, chỉ số của các cổ phiếu bluechip tại khu vực châu Âu, giảm 0,4% xuống mức 1.014,46 điểm.

Có tới 14 trong tổng số 18 chỉ số chứng khoán chính tại khu vực Tây Âu đã giảm điểm trong phiên giao dịch hôm qua. Trong đó, thị trường Tây Ban Nha có mức rơi mạnh nhất. Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha giảm 2,8% xuống 6.812,70 điểm.

Tại Anh, chỉ số FTSE rơi 24,50 điểm, tương ứng 0,44% chốt ở mức 5.530,05 điểm. Chỉ số chung của Pháp - CAC 40 giảm 6,15 điểm, tương ứng 0,2% đóng cửa ở mức 3.118,65 điểm.

Ở chiều ngược lại, chỉ số chứng khoán của Đức, DAX 30 tăng thêm 30,57 điểm, tương ứng 0,47% chốt ở mức 6.475,31 điểm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN