Lưu bài Bỏ lưu bài
Chia sẻ

Hoa Sen: Từ vua tôn đến thua lỗ trăm tỷ, vì đâu nên nỗi? - 2

Nhờ thị trường tôn thép thuận lợi và khả năng sản xuất của mình, năm 2016, Hoa Sen ghi nhận doanh thu kỉ lục 18.000 tỷ đồng, lợi nhuận tăng mạnh gấp đôi, gấp ba so với các năm trước khi đạt 1.500 tỷ đồng. Từ một doanh nghiệp tầm trung, Hoa Sen trở thành số 1 trong thị phần tôn mạ, được mệnh danh là vua tôn Việt.

Cổ phiếu HSG khi đó đã tăng gần gấp đôi. Đại gia Lê Phước Vũ – Chủ tịch Hoa Sen Group nhờ đó đã góp mặt vào top 15 người giàu nhất Việt Nam. Với những thành công lớn đạt được, Hoa Sen bắt đầu tính chuyện mở rộng sản xuất để tiếp tục tham vọng chiếm lĩnh thị trường tôn thép Việt và cạnh tranh với đối thủ Hòa Phát.

Hoa Sen: Từ vua tôn đến thua lỗ trăm tỷ, vì đâu nên nỗi? - 3

Tại ĐHCĐ bất thường vào tháng 9/2016, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) Lê Phước Vũ đã gây sốt giới đầu tư với câu nói “Ngu gì không làm thép". Khi nói về dự án liên hợp thép Cà Ná, ông Vũ cho rằng, nhìn Hoà Phát vừa rồi lãi tới 2.000 tỷ từ thép, thì "ngu gì không làm, ngu gì không đầu tư".

Ông Vũ tự tin với cổ đông về kế hoạch làm dự án thép Cà Ná với số vốn đầu tư dự kiến 10,6 tỷ USD (khoảng 237.000 tỷ đồng), trong khi đó vốn điều lệ của HSG lúc đó chỉ 3.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó, dự án này đã chìm dần.

Hoa Sen: Từ vua tôn đến thua lỗ trăm tỷ, vì đâu nên nỗi? - 4

Sau thành công lớn vào giai đoạn trên, Tập đoàn Hoa Sen đã bắt đầu cho thấy những dấu hiệu tiêu cực về tình hình kinh doanh kể từ đầu năm 2018. Và mới đây nhất, con số lỗ đậm hơn 100 tỷ mà công ty này công bố trong quý cuối cùng của niên độ 2017-2018 đã khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Tình trạng doanh thu tăng – lợi nhuận giảm đã bắt đầu xảy ra với Hoa Sen từ Quý 3 năm 2017 khi công ty thu về 7.280 tỷ đồng và lãi 271 tỷ đồng, trong khi cùng kì hai con số này là 4.600 tỷ đồng và 448 tỷ đồng. Diễn biến này càng tệ hơn khi đến quý 1 và 2 của niên độ 2017-2018, lãi ròng của Hoa Sen chỉ còn quanh mức trên 80 tỷ đồng.

Hoa Sen: Từ vua tôn đến thua lỗ trăm tỷ, vì đâu nên nỗi? - 5

Sau đó, Tập đoàn này đã thực hiện một loạt các động thái nhằm cải thiện tình hình kinh doanh và tái cơ cấu doanh nghiệp.

Hoa Sen đã bắt tay Formosa để mua bán thép cuộn cán nóng (HRC) nhằm giải quyết bài toàn ổn định chi phí nguyên liệu. Theo số liệu từ Hiệp hội thép Việt Nam, Formosa hiện là nhà sản xuất HRC duy nhất tại Việt Nam với sản lượng 6 triệu tấn/năm, đáp ứng 100% nhu cầu của thị trường trong nước.

Và mới đây nhất, Hoa Sen công bố chủ trương tái cấu trúc hệ thống phân phối quyết gom thị phần tại hai miền Trung, Bắc. Loạt hành động này của Hoa Sen đã phần nào khiến nhà đầu tư yên tâm hơn và cổ phiếu HSG đã có những phiên khởi sắc khi tăng 30% trong giai đoạn từ 7/9 đến 9/10.

Hoa Sen: Từ vua tôn đến thua lỗ trăm tỷ, vì đâu nên nỗi? - 6

Hoa Sen: Từ vua tôn đến thua lỗ trăm tỷ, vì đâu nên nỗi? - 7

Khoản lỗ tới 102 tỷ đồng quý cuối 2018 đã khiến những nhà đầu tư của Hoa Sen không còn giữ được bình tĩnh. Cổ phiếu HSG lao dốc không phanh xuống còn quanh ngưỡng 7.200 đồng, mức giá giao dịch của doanh nghiệp này vào khoảng thời gian 2014-2016. Tài sản của ông Vũ vì thế cũng giảm mạnh chỉ còn chưa đến 400 tỷ đồng, rớt top 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán.

Hoa Sen: Từ vua tôn đến thua lỗ trăm tỷ, vì đâu nên nỗi? - 8

Lợi nhuận cả niên độ 2017-2018 của Hoa Sen cũng chỉ còn 410 tỷ đồng, bằng đúng lợi nhuận của năm 2014.

So với đối thủ Hòa Phát thì Hoa Sen đã tụt lại rất xa. Trong giai đoạn từ 2014 đến nay, Hòa Phát liên tục tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận. Năm 2017, Hòa Phát thu về gần 47 ngàn tỷ doanh thu, lãi ròng hơn 8.000 tỷ đồng. Còn trong 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu của công ty này là gần 42.000 tỷ đồng, lãi hơn 6.800 tỷ đồng.

Hoa Sen: Từ vua tôn đến thua lỗ trăm tỷ, vì đâu nên nỗi? - 9

Hoa Sen: Từ vua tôn đến thua lỗ trăm tỷ, vì đâu nên nỗi? - 10

Trong một báo cáo phân tích của Chứng khoán HSC mới đây về Hoa Sen, có 3 nguyên nhân khiến công ty này kinh doanh ngày càng đi xuống.

Chi phí đầu vào tăng cao:

Theo HSC, giá bán bình quân sản phẩm ống nhựa của Hoa Sen trong năm 2018 đã tăng 18,3%, chủ yếu nhờ cơ cấu danh mục sản phẩm tốt hơn và một phần gia tăng của giá nguyên liệu được chuyển sang cho khách hàng. Mặc dù vậy, lợi nhuận gộp của Hoa Sen lại giảm mạnh 10,5%. Một trong những nguyên nhân là do chi phí đầu vào bình quân tăng cao hơn so với mức tăng của giá bán, lên tới 25-30% so với năm 2017.

Thêm vào đó, công suất thép lá cán nguội (CRC) nội bộ của Hoa Sen chỉ đạt 1,6 triệu tấn/năm, không đủ phục vụ sản xuất theo thiết kế là 2,2 triệu tấn/năm nên công ty phải tiếp tục mua ngoài, phần nào làm tăng chi phí. Ngoài ra, chi phí khấu hao từ các nhà máy mới được đưa vào hoạt động cũng làm tăng chi phí của công ty.

Hoa Sen: Từ vua tôn đến thua lỗ trăm tỷ, vì đâu nên nỗi? - 11

Mạng lưới mở rộng làm tăng chi phí bán hàng:

Việc nhanh chóng mở rộng hệ thống phân phối trong thời gian gần đây đã khiến Hoa Sen phải chịu khoản chi phí bán hàng lớn. Tính đến cuối tháng 9/2018, Hoa Sen có khoảng 450 chi nhánh so với 350 chi nhánh hồi cuối tháng 9/2017.

Theo nhận định của HSC, sản phẩm thép dẹt của Hoa Sen có vẻ khó khăn ở cả thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước do cung vượt cầu. Hiện nay, thị trường xuất khẩu chịu ảnh hưởng từ việc thuế chống bán phá giá tăng, thì triển vọng thị trường trong nước cũng không sáng sủa do có những doanh nghiệp mới gia nhập ngành cộng với sự mở rộng công suất mạnh mẽ của các doanh nghiệp hiện hữu.

Để ứng phó với chính sách áp thuế chống bán phá giá, Hoa Sen đã chuyển trọng tâm sang thị trường nội địa trong những năm gần đây. Vì vậy, doanh nghiệp này đã tích cực mở rộng hệ thống trong nước và giảm giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng.

Vay nợ lớn:

Một trong những nguyên nhân chính khiến lợi nhuận Hoa Sen giảm sâu năm nay là do áp lực lãi vay quá lớn. Trong niên độ 2017-2018, Hoa Sen đã phải trả mức lãi vay 812 tỷ đồng, trong khi năm trước chỉ là 482 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/9/2018, tổng vay nợ của Hoa Sen là hơn 14.300 tỷ đồng, tăng gần 2.500 tỷ đồng chỉ sau 1 năm.

Hoa Sen: Từ vua tôn đến thua lỗ trăm tỷ, vì đâu nên nỗi? - 12

Theo HSC, thực tế con số vay nợ của Hoa Sen đã giảm so với mức kỷ lục 15.900 tỷ đồng vào tháng 6. Hoa Sen đã nỗ lực giảm nợ ngắn hạn nhiều nhất có thể, thông qua giảm tồn kho và các khoản phải thu. Đồng thời, trong quý vừa qua, Hoa Sen đã kiểm soát chặt chi phí hoạt động, như cho nghỉ việc những nhân viên không cần thiết, nhằm giảm chi phí nhân công, hay nỗ lực giảm hàng tồn kho. Tuy nhiên, vay nợ ngắn hạn của Hoa Sen vẫn ở mức rất cao và tạo gánh nặng nợ cho công ty trong tương lai.

Về tổng thể, HSC tỏ ra lo ngại về vấn đề quản trị doanh nghiệp của Hoa Sen và cho rằng, lợi nhuận Hoa Sen giảm mạnh trong giai đoạn này do ảnh hưởng từ chính sách quản lý tồn kho. Bên cạnh đó là một số vấn đề khác với hệ thống phân phối, tồn kho và giao dịch với các công ty liên quan. Những vấn đề này lặp lại nhiều lần khiến nhà đầu tư mất dần sự tin tưởng đối với đội ngũ lãnh đạo.


Hoa Sen: Từ vua tôn đến thua lỗ trăm tỷ, vì đâu nên nỗi? - 13

Bài viết: Quang Sơn

Trình bày: Trung Nam

Thứ Ba, ngày 20/11/2018 13:00 PM (GMT+7)
Theo Quang Sơn - Trung Nam ([Tên nguồn])
Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN