"Hô biến" đất công: Thâu tóm hàng loạt vị trí đắc địa

Bằng nhiều chiêu thức “biến hoá” của các quan chức TPHCM, hàng trăm héc ta đất công đã lọt vào tay tư nhân một cách dễ dàng.

Khi Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm” đứng trước vành móng ngựa trong vụ án sai phạm xảy ra tại ngân hàng Đông Á thì ở TPHCM, công an khởi tố và bắt hàng loạt cựu quan chức. Nổi bật trong số này là ông Nguyễn Hữu Tín- cựu phó chủ tịch UBND TPHCM. Ông Tín cùng ông Đào Anh Kiệt- nguyên giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường TPHCM được nói là đã giúp Vũ “nhôm” thâu tóm đất vàng ở Sài thành. 

Theo cơ quan điều tra nhờ sự giúp đỡ của ông Tín, Phan Văn Anh Vũ đã nhanh chóng làm chủ khu đất 15 Thi Sách và số 8 Nguyễn Trung Trực ở quận 1. Khu 15 Thi Sách trước đó được quy hoạch là khu kỹ thuật hậu kỳ của Hãng phim Giải Phóng. Ngày 13/10/2014, Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ đề nghị TPHCM cho thuê 2.337m2 tại khu đất vàng này. Ông Nguyễn Hữu Tín đã có văn bản đồng ý và không lâu sau, ông Đào Anh Kiệt cấp quyền sử dụng cho Vũ “nhôm”. Khu đất nhanh chóng được Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 đưa vào dự án có tên gọi Madison.

Trợ giúp Vũ “nhôm” thâu tóm khu đất số 8 Nguyễn Trung Trực, vốn từng được đề xuất làm thư viện thiếu nhi cũng là các ông Nguyễn Hữu Tín và Đào Anh Kiệt. Quyết định 3163/QĐ-UBND của UBND TPHCM ký ngày 22/6/2011 chấp thuận cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam lấy đất công thuộc thửa đất số 3, tờ bản đồ số 1, bộ địa chính phường Bến Thành để làm văn phòng làm việc. Một năm sau, ông Đào Anh Kiệt - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường TPHCM còn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 28/5/2012 đối với lô đất này trong thời hạn 50 năm với mục đích sử dụng là “đất sản xuất kinh doanh”. 

"Hô biến" đất công: Thâu tóm hàng loạt vị trí đắc địa - 1

Khu đất vàng ở số 8 Nguyễn Trung Trực ảnh: L.N

Để thâu tóm “đất vàng”, một trong các chiêu thức của doanh nghiệp là cấu kết với quan chức. Khu đất số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng rộng 6.000m2, ở quận 1, là một ví dụ. Khu đất bốn mặt tiền này được UBND TPHCM giao cho công ty Sabeco vào năm 2008 mà không qua đấu thầu.  Năm 2015, ông Nguyễn Hữu Tín ký quyết định giao khu đất cho Công ty Cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl thuê 50 năm, trả tiền một lần để xây khu phức hợp căn hộ thương mại - văn phòng - khách sạn 6 sao. Việc giao đất này không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không thông qua Bộ Tài chính.

Công ty Cổ phần Sabeco Pearl tiếp nhận dự án khi có 4 cổ đông tham gia, trong đó phần vốn của Sabeco chỉ chiếm 26%. Sau khi có quyết định giao đất, Sabeco Pearl đã xin điều chỉnh dự án thành xây dựng, kinh doanh trung tâm hội nghị, thương mại - dịch vụ văn phòng và căn hộ. Do không được đầu tư ngoài ngành, năm 2016 Bộ Công thương chỉ đạo Sabeco rút ra khỏi liên doanh Sabeco Pearl. Sabeco đã thoái vốn thông qua việc đấu giá hơn 14,7 triệu cổ phần, thu về 195 tỷ đồng.

Lúc này, công ty cổ phần Sabeco Pearl chỉ còn 3 cá nhân kiểm soát và biến khu đất này thành đất tư nhân. Tháng 10/2016, Sabeco Pearl đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh, vốn điều lệ được nâng lên gần 1.020 tỷ đồng. Sau khi đổi tên, ông Ngô Văn An giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị.  Quá trình lách luật để biến khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng vào tay tư nhân một cách dễ dàng ngoài những thủ đoạn của các doanh nghiệp liên quan, cơ quan điều tra cũng chỉ ra có sự tiếp tay từ ông Nguyễn Hữu Tín. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Lâm ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN