Hết thời cổ phiếu Trung Quốc niêm yết ở Mỹ

Hơn 60 công ty Trung Quốc đã niêm yết cổ phiếu trên các sàn giao dịch ở Mỹ trong thời gian từ 2008-2011, hy vọng sẽ tranh thủ được sự đam mê của các nhà đầu tư phương Tây đối với cổ phiếu tăng trưởng có gốc gác châu Á. Tuy nhiên, nhiều công ty trong số này đang hủy niêm yết tại Mỹ vì lý do không mấy tốt đẹp.

Theo tờ Business Week, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (SDB) thậm chí đã thành lập một quỹ trị giá 1 tỷ USD để giúp các doanh nghiệp nước này “tháo chạy” khỏi các sàn chứng khoán xứ cờ hoa.

Mấy năm trước, các công ty Trung Quốc đàng hoàng bước vào danh sách các công ty niêm yết tại Mỹ băng con đường sáp nhập ngược (reverse merger - thuật ngữ chỉ một công ty không đủ tư cách niêm yết nên đã sáp nhập với công ty khác để có được quyền niêm yết). Ban đầu, các nhà đầu tư Mỹ rất hứng khởi với cổ phiếu của các công ty Trung Quốc này.

Tuy nhiên, sự hứng khởi nhanh chóng sụp đổ sau khi vào tháng 6/2011, công ty chuyên bán khống cổ phiếu có tên Muddy Waters ở Hồng Kông cáo buộc công ty lâm sản Sino-Forest của Trung Quốc niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Toronto của Canada thổi phồng giá trị tài sản. Tháng 3 vừa qua, Sino-Forest đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau khi phủ nhận tất cả các cáo buộc trên.

Các cáo buộc đối với Sino-Forest và cả vụ phá sản của doanh nghiệp này đã làm gia tăng lo ngại về các tiêu chuẩn kế toán cũng như quản trị doanh nghiệp tại các công ty Trung Quốc. Kết quả là, trong thời gian từ tháng 6/2011 đến nay, 82 công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ nằm trong chỉ số Bloomberg Chinese Reverse mergers index đã mất 52 giá trị vốn hóa thị trường.

Đây cũng chính là lý do mà năm nay mới chỉ có một công ty Trung Quốc duy nhất niêm yết tại Mỹ, trong khi nhiều công ty đã niêm yết từ trước lại rời đi. “Các công ty niêm yết đến từ Trung Quốc đều bị xem là có vấn đề. Nếu các công ty đó không thực sự lớn thì sẽ bị lãng quên trong hệ thống các công ty niêm yết của Mỹ. Khi đó, họ sẽ chẳng có cơ hội để phát hành thêm cổ phiếu hay huy động vốn để đảo nợ”, ông Phil Goves, Chủ tịch công ty DAC Financial Management China ở Hồng Kông, nhận xét.

Ngân hàng CDB mới đây đã cấp vốn cho Fushi Copperweld, một công ty sản xuất dây điện có trụ sở ở Bắc Kinh nhưng niêm yết trên sàn Nasdaq ở Mỹ, để công ty này mua lại cổ phiếu từ các nhà đầu tư. Một công ty Trung Quốc khác là TransInfo Technology hồi đầu tháng 6 tuyên bố sẽ hủy niêm yết tại Mỹ, cũng nhờ tiền hỗ trợ từ CDB. Tháng 11 năm ngoái, một hãng sản xuất môtơ điện của Trung Quốc là Harbin Electric, đã hủy niêm yết trên sàn Nasdaq nhờ được CDB cấp vốn. Trước đó, vào tháng 9, CDB đã giúp cho China Security & Survellance Technology kết thúc niêm yết tại Mỹ.

“CDB đã đóng một vai trò lớn trong việc đưa các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ trở lại thành công ty tư nhân”, phản ánh sứ mệnh của ngân hàng này trong việc hỗ trợ các công ty Trung Quốc - ông John Shum, một luật sư ở Hồng Kông - nhận định.

Một số công ty Trung Quốc rời bỏ thị trường chứng khoán Mỹ sau khi bị giới phân tích công kích mạnh. Cổ phiếu của Fushi Copperweld đã lao dốc mạnh xuống mức đáy 5,81 USD/cổ phiếu vào tháng 4 năm nay sau khi công ty bán khống cổ phiếu Muddy Waters cáo buộc doanh nghiệp Trung Quốc này thổi phồng sản lượng và có thể đã làm giả mạo các báo cáo tài chính. Sau khi phủ nhận các cáo buộc trên, vào ngày 28/6 vừa qua, Fushi tuyên bố đã chấp nhận “bán mình” với giá 9,5 USD/cổ phiếu cho một công ty Hồng Kông.

Vào tháng 8 năm ngoái, cổ phiếu của Harbin Electric đã mất giá chóng mặt sau khi các nhà phân tích thuộc Citron Research cho rằng, công ty Trung Quốc này “thêu dệt nên các khách hàng” và thổi phồng doanh thu. Khi Harbin được chuyển thành công ty tư nhân, các cổ đông của công ty này nhận được số tiền nhiều hơn 20% so với giá trị cổ phần của họ nếu bán cổ phiếu ở mức giá đóng cửa ngày giao dịch trước đó.

Sau khi trở thành công ty tư nhân, một số công ty Trung Quốc rời sàn Mỹ có thể lại niêm yết ở thị trường Hồng Kông với hy vọng sẽ đạt được hệ số giá/cổ phiếu (P/E) cao hơn. Theo ông Johnson Chng, Giám đốc điều hành của A.T. Kearny tại Trung Quốc, “làn sóng các công ty Trung Quốc nghỉ niêm yết tại Mỹ để đi tìm các thị trường khác có mức P/E cao hơn có thể sẽ tăng”.

“Đang có hàng trăm công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, trong đó có cả những công ty tốt và cả những công ty không ra gì”, ông Donald Yang, một nhà quản lý thuộc công ty Abax nhận xét.

Còn ông David Grimm, một chuyên gia của công ty Paul Hastings ở Hồng Kông thì cho rằng, với cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết ở Mỹ, điểm khó khăn nhất của các nhà đầu tư là tìm ra đâu là cổ phiếu có giá rẻ hơn giá trị thực, và đâu là công ty đang có hành vi gian lận. “Các công ty Trung Quốc trên các sàn giao dịch Mỹ đều bị xem là cùng một giuộc”, ông Grimm nói. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Huy ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN