Hết thời buôn vàng như buôn...rau

Thời kỳ buôn vàng như buôn rau, sắp chấm dứt. Buôn vàng sẽ ngày càng khó nên không ít người đã rút lui sớm khỏi thị trường.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố 31 tổ chức được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng. Theo đó, sẽ có khoảng gần 2.500 điểm giao dịch tại 63 tỉnh thành trên cả nước ngay từ ngày 10/3/2013.

Đây là các cửa hàng mua bán vàng miếng đáp ứng các tiêu chuẩn kinh doanh loại hàng hóa đặc biệt như vàng, các tổ chức được cấp phép cũng phải đáp ứng các quy định về năng lực kinh doanh, an toàn. Với hệ thống này, lần đầu tiên đã có thể hình dung về một mạng lưới kinh doanh vàng miếng được quản lý có hệ thống của Việt Nam.

Trước đây, đã nhiều lần tình trạng lộn xộn trong mua bán vàng bao gồm cả vàng miếng, chất lượng vàng buông lỏng… gây bức xúc vì làm thiệt hại cho người mua và bất ổn cho quản lý. Thậm chí, khi đặt vấn ra vấn đề này người ta mới biết dù vàng là một loại hàng hóa đặc biệt, thị trường vàng tác động lớn đến nền kinh tế nhưng việc quản lý lại không có một cơ quan nào chịu trách nhiệm chính tạo ra sự lỏng lẻo và nhiều kẽ hở gây nên bất ổn.

Tình trạng cá nhân, DN cũng có thể mở cửa hàng vàng, ra thương hiệu riêng, chất lượng mỗi nơi một khác… mà không có những chuẩn chung về điều kiện kinh doanh và quản lý… khiến cho nhiều người đã phải thốt lên: “buôn vàng dễ như buôn rau”.

Hết thời buôn vàng như buôn...rau - 1

Nói về việc thiết lập hệ thống kinh doanh vàng mới, lãnh đạo NHNN cho biết, số đơn vị và điểm kinh doanh vàng xin cấp phép rất nhiều nhưng việc lựa chọn để có một hệ thống đủ tiêu chuẩn, rải đều cả nước để đảm bảo người dân thuận tiện giao dịch và quản lý tốt là điều không dễ.

Ông này cho biết, tìm trong loạt hồ sơ gửi về xin NHNN cấp phép kinh doanh vàng miếng thì không có đơn vị nào mở điểm giao dịch hay có kế hoạch mở tại 7 tỉnh miền núi phía Bắc. Câu trả lời đơn giản là đây là thị trường xa, nhu cầu thấp, kinh doanh khó khăn… nên không ai dại xin vào nơi lợi nhuận ít mà rủi ro lại nhiều.

Đây là điều dễ hiểu đối với các DN kinh doanh nhưng đó lại là một thực tế không ổn, gây méo mó thị trường và bất lợi cho người dân. Không ai muốn làm nhưng không thể để vùng trống gây thiệt hại quyền lợi cho dân nên nhũng ông lớn quốc doanh như BIDV hay Vietinbank dù trước đây không đẩy mạnh kinh doanh vàng miếng nhưng vẫn phải “lĩnh ấn” đi vùng sâu, vùng xa.

Trong khi đó, những con số rà soát từ cơ quan quản lý cho thấy, thời điểm trước đây, cả nước có khoảng 12 ngàn điển tham gia kinh doanh vàng miếng nhưng cho tới thời điểm chuẩn bị cấp phép thì chỉ còn khoảng 8 ngàn điểm. Như vậy, số lượng tham gia kinh doanh vàng miếng đã có sự sụt giảm một cách tự nhiên trong những tháng chuẩn bị thực hiện quy định mới về kinh doanh vàng. Rõ ràng, chính các ông chủ kinh doanh đã tự thấy khó tổn tại nên đã tự rút lui.

Điều này có về trở nên hợp lý khi trước đây chúng ta chứng kiến không ít những hàng vàng dạng ốt nhỏ kinh doanh đủ thứ từ vàng, mua ngoại tệ lậu, bán mỹ ký, đồ phong thủy và cả cầm đồ… Nhưng một khi ngọai tệ bị quản chặt và ngày khó kiếm ăn vì ít biến động, vàng cũng ngày bị siết chặt thì chính các cửa hàng cũng tự rút lui, chuyển hướng khỏi vàng.

Với thực tế trên đây thì nhiều chưa hẳn đã tốt mà điều quan trọng là đảm bảo các điều kiện và được quản lý tốt. Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại khi kinh doanh vàng tập trung vào một số đầu mối liệu có thể nảy sinh ‘độc quyền và nhóm lợi ích”. Tuy nhiên, điều này khó xảy ra vì trong 31 đơn vi cũng có sự đa dạng về loại hình, quy mô nên sẽ cạnh tranh để kinh doanh.Hơn nữa, hệ thống này sẽ còn được mở rộng trên cơ sở các tiêu chuẩn và quy định đã công bố, không có sự phân biệt và độc quyền nào.

Hơn nữa, con số 2.500 điểm giao dịch, thấp hơn nhiều quy mô khoảng 8.000 điểm kinh doanh vàng nói chung hiện nay nhưng bằng một sự sàng lọc của tự nhiên, ai mạnh sẽ phát triển và người kém hơn thì buộc phải thoái lui để thị trường vàng sẽ có một sự chuyển đổi ngày càng hoàn thiện. Bên cạnh đó, khi thiết lập và mạng lưới đi vào hoạt động ổn định, Ngân hàng Nhà nước sẽ lên kế hoạch vào cuộc để điều tiết cung - cầu, gián tiếp tác động đến giá nếu có biến động bất hợp lý để thị trường bớt loạn.

Không chỉ vàng miếng, sắp tới NHNN sẽ ban hành quy định mới siết chặt hoạt động kinh doanh vàng trang sức. Thay vì thả nổi như hiện nay, từng sản phẩm vàng trang sức sẽ phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ. Giao dịch mua bán vàng trang sức đều phải có hóa đơn chứng từ rõ ràng, Như vậy, việc đưa vàng trang sức vào khuôn khổ sẽ là động thái tiếp theo trong nỗ lực quản lý thị trường vàng.

Thiết lập và đưa hệ thống kinh doanh vàng vào khuôn khổ là điều sớm muộn cũng phải làm. Hai cái lợi lớn nhất từ việc quản lý trên là Ngân hàng Nhà nước sẽ thu được thuế và khách hàng có thể mua bán ở những nơi được Nhà nước đảm bảo.

Đã hết thời buôn vàng như rau. Mà rau bây giờ cũng rau sách dán tem, cửa hàng có đăng ký.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Khắc (Diễn đàn kinh tế Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN