Hé lộ nhiều dự án huy động vốn trái Luật

Nhiều dự án bất động sản mới chỉ gần xây xong phần thô, nhưng đã huy động đến 90-95% tổng giá trị căn hộ. Điều này là trái với quy định của Luật Nhà ở.

Gần đây ngày càng xuất hiện nhiều dự án chung cư tại Hà Nội đang thực hiện đầu tư xây dựng, thì gặp phải sự phản ứng kịch liệt từ phía khách hàng, nhà đầu tư góp vốn vào dự án. Có dự án nhà đầu tư gửi đơn rút vốn, đòi lại tiền, thậm chí căng thẳng đến mức khách hàng căng băng rôn để đòi tiền.

Trong nhiều trường hợp xảy ra thời gian vừa qua, có nhiều dự án do việc huy động vốn của nhà đầu tư trái với quy định của pháp luật. Cụ thể là Luật Nhà ở năm 2005.

Tại khoản 1 Điều 39 Luật Nhà ở có quy định: "Tổng số tiền huy động trước khi bàn giao nhà ở cho người có nhu cầu không được vượt quá 70% giá trị nhà ở ghi trong hợp đồng.”

Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 23 của Nghị định 02 ban hành ngày 05/01/2006 về quy chế khu đô thị mới cũng quy định rất rõ: “Nghiêm cấm việc sử dụng dự án nhà ở chưa triển khai đầu tư để huy động vốn, chiếm dụng vốn của người mua nhà dưới mọi hình thức.”

Bên cạnh đó, khoản 1 của Thông tư số 04 hướng dẫn Nghị định này có quy định: “lần đầu huy động khi chủ đầu tư đã giải phóng xong mặt bằng và bắt đầu triển khai xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật theo giai đoạn đầu tư…Các lần huy động tiếp theo được thực hiện phù hợp với tiến độ đầu tư xây dựng, nhưng tổng số tiền huy động không vượt quá 70% giá trị hợp đồng.”

Tuy nhiên, hiện đang có nhiều chủ dự án, nhà đầu tư thứ cấp đang làm trái với những quy định này.

Cụ thể, ngày 29/8 rất nhiều khách hàng đã tập trung tại văn phòng CTCP Lilama Hà Nội để yêu cầu chủ đầu tư giải trình về việc chậm tiến độ dự án 52 Lĩnh Nam, đồng thời đã thu đến 95% giá trị hợp đồng mà chưa bàn giao nhà.

Chủ đầu tư dự án 52 Lĩnh Nam đã thu của khách hàng đến 95% giá trị căn hộ nhưng cho đến nay dự án vẫn chưa xây xong phần thô, và bàn giao nhà. Chủ đầu tư dự án này cũng thừa nhận dự án phải đến quý 4 năm 2013 mới có thể bàn giao nhà.

Hé lộ nhiều dự án huy động vốn trái Luật - 1

Nhiều dự án chưa xây xong thô những đã thu tiền của khách hàng đến 95%.

Mới đây, cũng đã có khá nhiều nhà đầu tư bức xúc trước thông báo đóng tiến đợt 3 của một số đơn vị thứ cấp dự án Văn Phú Victoria như sàn BĐS Landmark, Cengroup, khi dự án này đổ sàn đến tầng 28.

Theo thông báo này, số tiền mà nhà đầu tư phải đóng là 34% giá trị căn hộ. Trước đó, ngay khi ký hợp đồng mua bán khách hàng đã phải đóng 34%, đổ sàn tầng 12 là 28%. Như vậy, nếu phải nộp hết số tiền trên thì tổng số tiền phải đóng của khách hàng là 96%, trong khi dự án chưa bàn giao nhà.

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì khoảng 25% tiền vốn đã góp của khách hàng đã bị chủ dự án, nhà đầu tư thứ cấp sử dụng trái với quy định của luật pháp.

Theo luật sư Trần Văn Long, Công ty Luật Vietlink, căn cứ theo quy định của pháp luật nếu có dự án bất động sản về nhà ở mà chủ đầu tư đã tiến hành huy động vốn của khách hàng lên đến trên 70% tổng giá trị căn nhà mà chưa tiến hành bàn giao nhà cho khách hàng thì trường hợp đó là trái với quy định của pháp luật.

Khách hàng hoàn toàn có quyền yêu cầu chủ đầu tư hoàn lại số tiền vượt quá 70% theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu chủ đầu tư phải trả lãi tính trên số tiền đã nộp vượt quá 70% hoặc khách hàng có quyền khởi kiện chủ đầu tư ra tòa về hành vi vi phạm pháp luật nêu trên để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Thực trạng rút vốn của nhà đầu tư đang diễn ra tại khá nhiều dự án. Ngoài nguyên nhân vì huy động quá số vốn mà pháp luật quy định như trên. Nhiều dự án khác còn thực hiện không đúng cam kết với hợp đồng góp vốn đã ký, vì lý do nào đó như thiếu văn bản pháp lý, không giải phóng được mặt bằng, thiếu vốn,…dự án bị đình trệ nhiều tháng qua cũng khiến nhà đầu tư ồ ạt đi đòi lại tiền.

Theo quan điểm của luật sư Bùi Quang Hưng, nếu chủ đầu tư, nhà đầu tư thứ cấp không chứng minh được tiền thu của khách hàng sử dụng vào mục đích gì là có dấu hiệu của việc chiếm dụng vốn". 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mạnh Dũng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN