Hé lộ bí mật chiêu thức rửa tiền

Từ phương thức 3 bước cơ bản có thể khai triển thành vô số những biến chiêu khác nhau mà phần lớn vẫn nằm trong bóng tối. Tuy nhiên, bằng những nỗ lực vượt bậc, nhà chức trách các nước cũng đã khám phá được không ít vụ án rửa tiền và hé lộ một số bí mật.

Hầu hết các âm mưu rửa tiền đã được phát hiện cho chúng ta thấy bọn tội phạm thường kết hợp nhiều phương pháp với nhau, sao cho càng phức tạp càng tốt để qua mặt nhà chức trách. Bọn tội phạm rửa tiền có trong tay nhiều công cụ đa dạng, khiến nhà chức trách khó ngăn chặn được, nhưng dù sao họ cũng đã phanh phui được nhiều vụ án, đưa ra ánh sáng một số bí mật:

Tiền gửi tí hon: phương pháp này đòi hỏi phải chia số tiền lớn thành những khoản nhỏ thấp hơn hạn mức ngân hàng phải báo cáo giao dịch với nhà chức trách, nhằm giảm thiểu nghi ngờ. Số tiền này sau đó được gửi dần vào một hoặc nhiều tài khoản ngân hàng, việc gởi tiền do nhiều người thực hiện hoặc do một người duy nhất thực hiện trong khoảng thời gian dài.

Các ngân hàng nước ngoài: kẻ rửa tiền thường gửi tiền thông qua các tài khoản nước ngoài khác nhau ở các nước có luật bảo mật ngân hàng, tức cho phép giao dịch ngân hàng ẩn danh. Âm mưu phức tạp có thể liên quan đến hàng trăm giao dịch chuyển khoản ngân hàng đến/đi từ các ngân hàng nước ngoài. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các “thiên đường bảo mật" bao gồm Bahamas, Bahrain, quần đảo Cayman, Hồng Công, Antilles, Panama và Singapore.

Ngân hàng ngầm: Một số nước ở châu Á tồn tại hệ thống ngân hàng ngầm chấp nhận gửi tiền, rút tiền và chuyển tiền không có giấy tờ. Đây là những hệ thống dựa trên sự tin tưởng, thường có nguồn gốc cổ xưa, không để lại dấu vết giấy tờ và hoạt động ngoài vòng kiểm soát của chính phủ. Đáng chú ý có hệ thống hawala tại Pakistan và Ấn Độ, hệ thống fie chen ở Trung Quốc.

Công ty vỏ bọc: Đây là những công ty giả tạo mà sự tồn tại không có lý do nào khác hơn ngoài rửa tiền. Các công ty này thâu vào tiền bẩn dưới danh nghĩa "thanh toán" cho các món hàng hóa, dịch vụ mà thực ra họ chẳng bao giờ cung cấp. Nhiệm vụ của chúng là nhào nặn ra các giao dịch hợp pháp thông qua các hóa đơn và bảng cân đối khống.

Đầu tư vào các doanh nghiệp hợp pháp: Đôi khi tội phạm đầu tư vào các doanh nghiệp hợp pháp nhằm rửa sạch tiền bẩn. Chúng có thể nhắm đến các doanh nghiệp lớn như công ty môi giới hoặc các casino - những nơi có lượng tiền lưu thông lớn, dễ trà trộn tiền bẩn, hoặc cũng có thể lợi dụng những doanh nghiệp nhỏ, chủ yếu dùng tiền mặt như quán bar, tiệm rửa xe, câu lạc bộ múa thoát y…

Những doanh nghiệp này được gọi là “công ty bình phong”, tuy có cung cấp hàng hóa, dịch vụ hẳn hoi nhưng mục đích thực sự là để làm sạch tiền bẩn. Phương pháp này thường được tiến hành theo một trong 2 cách: Cách thứ nhất đơn giản là kẻ rửa tiền gởi tiền bẩn vào tài khoản ngân hàng hợp pháp của công ty với hy vọng rằng nhà chức trách sẽ không so sánh bản cân đối ngân hàng với báo cáo tài chính của công ty. Cách thứ hai cần thêm chút khéo léo để chèn tiền bẩn vào doanh thu sạch của công ty và công ty sẽ báo cáo gộp chung thành doanh thu hợp pháp.

Hé lộ bí mật chiêu thức rửa tiền - 1

Thị trường đen giao dịch đồng peso Colombia: hệ thống này được gọi là "cơ chế rửa tiền ma túy lớn nhất Tây bán cầu”, bị phát hiện vào những năm 1990. Lúc đó, quan chức Colombia làm việc với người của Bộ Tài chính Hoa Kỳ về việc hàng hóa Hoa Kỳ nhập khẩu trái phép vào Colombia thông qua thị trường chợ đen. Khi xem xét vấn đề này cùng với vấn đề rửa tiền ma túy, các quan chức đã đối chiếu và phát hiện ra rằng cơ chế thông đồng đã được sử dụng ở cả 2 phía.

Sự thiết lập phức tạp dựa trên thực tế là các doanh nhân Colombia - thường là nhà nhập khẩu hàng hóa quốc tế - cần USD để tiến hành công việc kinh doanh. Để tránh bị chính phủ đánh thuế chuyển đổi từ peso sang USD và thuế hàng hóa nhập khẩu, họ tìm tới những tay "môi giới peso" trên thị trường chợ đen, những kẻ tính phí rẻ hơn, đấy là bên cần nhập khẩu bất hợp pháp.

Còn bên rửa tiền thực hiện quy trình: Kẻ buôn ma túy chuyển lậu tiền USD bẩn cho tay môi giới peso ở Colombia. Tay môi giới peso sau đó sử dụng tiền ma túy để mua hàng hóa tại Hoa Kỳ cho các nhà nhập khẩu Colombia. Khi các nhà nhập khẩu nhận được hàng hóa (ngoài tầm kiểm soát của chính phủ) đem bán ở Colombia, thu về đồng peso và chi trả cho tay môi giới. Tay môi giới peso sau đó chuyển cho kẻ buôn ma túy số tiền peso tương đương với số tiền USD bẩn ban đầu (dĩ nhiên là có giữ lại một khoản hoa hồng).

Trong nhiều thập niên qua, đồng USD là loại tiền tệ được những kẻ rửa tiền sử dụng phổ biến nhất. Sự phổ biến này do USD được chấp nhận rộng rãi và khối lượng các giao dịch sử dụng đồng USD trên toàn thế giới vô cùng lớn nên thêm một vài triệu USD sang tay cũng không mấy thu hút sự chú ý.

Tuy nhiên, kể từ khi xuất hiện và sau đó được sử dụng đại trà vào năm 2002, đồng EUR đã dần dần len lỏi trong ngành công nghiệp rửa tiền. Đối với bọn tội phạm rửa tiền, EUR có thể là đồng tiền hoàn hảo vì EUR là đồng tiền chính thức của gần 20 quốc gia nên khối lượng luân chuyển cực lớn và dễ lưu thông xuyên biên giới mà không gây chú ý.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Trúc ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN