Hành trình đưa Facebook vào TQ của Mark Zuckerberg

Mạng xã hội Facebook hầu như bị chặn hoàn toàn tại Trung Quốc. Tuy nhiên, Mark Zuckerberg hi vọng sẽ trực tiếp thuyết phục được chính phủ nước này bỏ lệnh cấm trên bằng chính ngôn ngữ của họ.

Mark Zuckerberg, chủ tịch kiêm nhà sáng lập Facebook, đã gây ấn tượng mạnh với khán giả Trung Quốc bằng việc nói tiếng Quan thoại, một ngôn ngữ phổ thông của nước này trong vòng nửa tiếng tại cuộc giao lưu với các sinh viên đại học Thanh Hoa tại Bắc Kinh.

Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Facebook chia sẻ quan điểm của mình về cải cách ở Trung Quốc, sự hiện diện của Facebook tại đất nước này và về nguyên nhân tại sao anh học tiếng Trung. Zuckerberg cũng tránh đề cập tới bất kỳ vai trò nào của mạng xã hội này trong những cuộc biểu tình của Hong Kong hoặc việc cấm của chính phủ Trung Quốc.

Dù khả năng dùng tiếng Quan thoại đang còn hạn chế nhưng những lời nói của Mark liên tục dành được những tràng vỗ tay hoan hô từ phía khán giả.

“Chào mọi người, cảm ơn vì đã tới. Tôi rất vui ở Bắc Kinh hôm nay. Tôi yêu thành phố này. Tiếng Trung của tôi rất tệ nhưng tôi vẫn luôn học cách sử dụng ngôn ngữ này hằng ngày”. Mỗi lời nói của Mark lại làm đám đông sinh viên ồ lên, hoan hô hưởng ứng.

“Có lẽ tôi cần tập luyện thêm”, chủ tịch Facebook nói thêm với đám đông đang cười nghiêng ngả.

Hành trình đưa Facebook vào TQ của Mark Zuckerberg - 1

Mark Zuckerberg giao lưu với các sinh viên đại học Thanh Hoa tại Bắc Kinh

Mark Zuckerberg, 30 tuổi, đã tham gia hội đồng cố vấn của khoa quản trị kinh doanh của trường đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, một ngôi trường được cho đánh giá sánh ngang với Viện Công nghệ Massachusetts của Mỹ.

Mark Zuckerberg rất muốn thêm hàng triệu người Trung Quốc vào danh sách 1.3 tỷ người dùng Facebook trên toàn cầu. Đó cũng là một trong những lý do khiến Mark muốn học tiếng Trung.

Hằng năm, người đồng sáng lập Facebook luôn đặt cho mình các thử thách. Trong năm 2010, Mark quyết định học tiếng Quan thoại. Động lực rõ ràng nhất là để lấy lòng gia đình bạn gái Chan, người Trung Quốc mà Mark đã hẹn hò trong nhiều năm qua.

Tiến sĩ Chan, lớn lên ở Massachusetts, là người Mỹ gốc Trung. Gia đình cô luôn nói tiếng Trung ở nhà. Mark cho biết bà ngoại Chan đã “rất sốc” khi biết anh nói tiếng Trung và hai người chuẩn bị tiến tới hôn nhân.

Chủ tịch Facebook vẫn tiếp tục thực hành tiếng Trung để trò truyện với các nhân viên sử dụng ngôn ngữ này.

Mark cũng đang cộng tác với đại học Thanh Hoa để Facebook tiếp tục cuộc chơi dài tại Trung Quốc.

Facebook cũng như nhiều các trang mạng xã hội phương Tây khác bị cấm ở Trung Quốc như Twitter, Google. Mạng xã hội LinkedIn được phép hoạt động ở Trung Quốc bằng ngôn ngữ của nước này sau khi chấp nhận không cho phép đăng tải các tin nhạy cảm chính trị trên trang trong khu vực Trung Quốc.

Mark Zuckerberg thường xuyên thể hiện mong muốn kết nối mọi người trên thế giới qua Facebook. Và Mark quyết định bước chân vào Trung Quốc. Và đầu tiên, Mark cần nói bằng một ngôn ngữ khác mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rất rõ: tài chính.

Khi được hỏi về kế hoạch gia nhập đất nước đông dân nhất thế giới, Mark Zuckerberg hi vọng bằng việc dùng Facebook, các công ty Trung Quóc sẽ có thêm nhiều khách hàng ngoại quốc. Mark chỉ ra trường hợp của Lenovo đã dùng Facebook để quảng cáo tại Ấn Độ.

“Chúng tôi cũng muốn giúp các nơi khác trên thế giới kết nối với Trung Quốc”, Mark nói.

Đoạn video về cuộc nói chuyện của chủ tịch Facebook được chia sẻ rất nhiều tại Trung Quốc với hi vọng chính phủ sẽ thông thoáng hơn trong việc quản lý các trang xã hội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thúy Trần (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Chuyện về những tỷ phú giàu nhất thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN