Hàng trăm dự án “treo” làm khổ người dân và nhà đầu tư

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng dự án chậm triển khai là do chủ đầu tư và tổ chức, cá nhân đang quản lý sử dụng đất không thống nhất được mức giá bồi thường. Để giải quyết tình trạng này, thành phố đã chia 3 nhóm dự án với 4 giải pháp cụ thể.

Trong ngày làm việc thứ 3, kỳ họp thứ 12 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX, vấn đề quy hoạch “treo” được nhiều đại biểu quan tâm. 

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP thông tin, có một số khu vực được quy hoạch dành đất công viên cây xanh nhưng cũng có khả năng là đất công cộng do chưa được địa phương xác định cụ thể. Do đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang phối hợp với các quận, huyện rà soát, xem xét lại các quy hoạch công viên cây xanh cho phù hợp. 

Thông tin về các dự án chậm triển khai, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết, hiện thành phố đang thực hiện 2 Nghị quyết của HĐND thành phố về quản lý đất đai, trong đó căn cứ theo Nghị quyết 16, UBND thành phố xác định có 547 dự án phải thu hồi chủ trương do chậm thực hiện. Còn theo Nghị quyết 21, thành phố đã rà soát hơn 2.800 dự án, trong đó có 180 dự án được xem xét hồi chủ trương. 

Theo ông Thắng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng dự án chậm triển khai là do chủ đầu tư và tổ chức, cá nhân đang quản lý sử dụng đất không thống nhất được mức giá bồi thường. Để giải quyết tình trạng này, thành phố đã chia 3 nhóm dự án với 4 giải pháp cụ thể.

Sở Xây dựng thành phố cho biết, kể từ ngày 1-7-2015, thời điểm Luật Nhà ở có hiệu lực đến nay, Sở đã thụ lý 170 dự án đề nghị công nhận chủ đầu tư. Tuy nhiên, mới chỉ có 44 dự án có quyền sử dụng đất ở hợp pháp; 126 dự án còn lại chủ yếu có nguồn gốc do bồi thường đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chuyên dùng. Đã vậy, hầu hết trong 170 dự án trên còn có quỹ đất công như đường hẻm, đường mòn nông thôn, đất ven bờ sông rạch.

Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng trăm dự án phát triển nhà ở tại thành phố không được chấp thuận chủ trương đầu tư là do quy định giữa Luật Nhà ở và Luật Đất đai vênh nhau. Việc cơ quan Nhà nước chưa giải quyết chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các trường hợp doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất bao gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chuyên dùng để thực hiện dự án bất động sản là điểm nghẽn lớn nhất khiến dự án bị “treo”.

Cũng tại phiên họp, trả lời chất vấn trước HĐND TP Hồ Chí Minh ngày 6-12 về việc giám sát, kiểm tra, xử lý tình trạng hoạt động bát nháo của các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc trên địa bàn, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, tại thành phố hiện có 94 cơ sở, phòng khám có yếu tố nước ngoài, trong đó 12 phòng khám có bác sĩ Trung Quốc. Sai phạm tại phòng khám của người nước ngoài vừa qua tập trung vào các phòng khám có bác sĩ người Trung Quốc khiến người dân bức xúc. 

Theo ông Bỉnh, quá trình kiểm tra các phòng khám, hầu hết đều để xảy ra vi phạm với các hành vi như không lập hồ sơ bệnh án; không lập sổ khám bệnh theo quy định hoặc có lập nhưng không ghi chép đầy đủ. Các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc này còn quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh không đúng chuyên môn được cấp phép hoặc không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Ngoài tình trạng thu giá dịch vụ cao hơn giá niêm yết, phương thức lừa gạt tinh vi được các phòng khám này thực hiện qua việc áp dụng công nghệ thông tin để lừa người bệnh. 

Cũng theo ông Bỉnh, do phòng khám sử dụng công nghệ cao để lừa đảo nên có những lần kiểm tra, Sở Y tế đã phải mời chuyên gia từ các bệnh viện đầu ngành đi cùng đoàn. Quá trình quản lý hoạt động với các phòng khám này Sở Y tế cũng đã phát hiện nhiều bác sĩ Việt Nam tiếp tay cho những sai phạm của phòng khám Trung Quốc, nhất là tình trạng bác sĩ người Việt đứng tên trong giấy phép nhưng lực lượng kiểm tra chỉ thấy bác sĩ Trung Quốc trực tiếp thăm khám. 

Thời gian qua, Sở Y tế đã 24 lần kiểm tra các phòng khám Trung Quốc bị tố giác hoặc có dấu hiệu sai phạm. Về chất lượng chuyên môn, chỉ có 1 phòng khám đạt 2,5 trên 5 điểm, số còn lại điểm chất lượng rất thấp. Qua đó Sở Y tế đã quyết định đình chỉ 3 cơ sở, xử phạt 39 trường hợp với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Với hành vi tiếp tay cho phòng khám Trung Quốc sai phạm, năm nay Sở Y tế cũng đã ra quyết định rút giấy phép hành nghề của bác sĩ Việt Nam. 

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, để để phó với cơ quan quản lý, sau khi bị đình chỉ hoạt động 6 tháng, phòng khám Trung Quốc sẽ tiếp tục hoạt động trở lại, thậm chí mở lại phòng khám mới ngay và để người khác đứng tên. Khi cơ quan quản lý rút giấy phép hành nghề của bác sĩ Trung Quốc vi phạm, phòng khám tiếp tục đưa người khác sang để hoạt động.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đ.Thắng ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN