Hàng loạt dự án lớn rút khỏi VN: Chớ thấy tỷ đô mà hoa mắt

Hàng loạt dự án FDI (vốn đầu tư nước ngoài) lớn liên tục rút khỏi Việt Nam khiến người ta “vỡ lẽ”: Năng lực thẩm định dự án của các địa phương quá kém, tưởng cứ dự án “tỷ đô” là “ngon ăn” nên ồ ạt cấp phép…

Cấp xong rồi để… rút!

Tháng 9.2006, Dự án Nhà máy thép Guang Lian tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) do Tập đoàn E-United và Tycoons (Đài Loan) làm chủ đầu tư, được cấp giấy chứng nhận với số vốn 1 tỷ USD (sau đó điều chỉnh vốn lên đến 3 tỷ USD).

Hàng loạt dự án lớn rút khỏi VN: Chớ thấy tỷ đô mà hoa mắt - 1

Dây chuyền sản xuất xe máy tại một công ty FDI tại Việt Nam. Ảnh: Viết Thanh

Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành năm 2016. Tuy nhiên, sau 9 năm ỳ ạch kéo dài ở Khu kinh tế Dung Quất, Công ty TNHH Guang Lian Stell vừa gửi văn bản xác nhận với cơ quan chức năng Quảng Ngãi là không thể thu xếp được nguồn tài chính để tiếp tục dự án tỷ USD này.

Tương tự, tháng 5.2007, Tổng Công ty Thép Việt Nam và Tổng Công ty Xi măng Việt Nam ký bản ghi nhớ thực hiện dự án nhà máy thép liên hợp tại Hà Tĩnh với Tập đoàn Thép TaTa (Ấn Độ). Mặc dù nhiều lần lên tiếng rất quyết tâm đầu tư vào dự án thép ở Việt Nam, nhưng năm 2014 Tata Steel - một công ty con của Tập đoàn Tata (Ấn Độ) cũng đã loại bỏ ý định đầu tư dự án thép tới 5 tỷ USD này ở Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh.

Đặc biệt hơn, tháng 9.2008, Khu liên hợp thép Cà Ná - Ninh Thuận (liên doanh giữa Vinashin và Tập đoàn Lion Group - Malaysia) cũng được cấp phép với tổng vốn đầu tư lên tới 9,8 tỷ USD. Dự án thép Cà Ná, khởi công 2008 và được Vinashin bỏ ra 83 tỷ đồng để san lấp, giải phóng mặt bằng song cũng bị bỏ hoang. Đến năm 2011, tỉnh Bình Thuận đã quyết định thu hồi giấy phép đầu tư với dự án này.

Lý giải hiện tượng các dự án tỷ USD liên tục “đổ bể” tại Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI, ông Nguyễn Mại cho biết, hầu hết là do các chủ đầu tư không có năng lực tài chính. Ông Mại nói: “Các địa phương đã quá dễ dãi tin vào các chủ đầu tư. Họ thấy các dự án toàn tỷ đô nên hoa mắt, tưởng là ngon lành, cứ thế ồ ạt cấp phép. Trong khi đó, năng lực thẩm định các dự án để cấp phép lại quá yếu kém nên cấp xong chỉ để… rút dự án.

Ông Mại cho biết, từ năm 2006 việc cấp phép đầu tư các dự án đã được trao quyền cho các địa phương. Cơ quan trung ương chỉ góp ý, còn cấp dự án nào là do địa phương quyết. Hiện cả nước có tới 120-130 cơ quan, ban ngành thẩm định dự án. Năng lực thẩm định của nhiều cơ quan, ban ngành kém, ví dụ như lọc dầu, gang thép… không phải địa phương nào cũng thẩm định được.

Không thẩm định được song nhiều địa phương lại không quan tâm đến năng lực thực sự của nhà đầu tư. Luật Đầu tư mới (có hiệu lực từ 1.7.2015) mới có quy định nhà đầu tư ký quỹ đặc cọc dự án, còn trước đó nhà đầu tư đăng ký dự án không có đồng nào đảm bảo, dẫn tới nhiều dự án đăng ký xong rút không thể thực hiện được.

Cũng có tình trạng không tránh khỏi là nhà đầu tư muốn triển khai dự án nhưng do khủng hoảng kinh tế buộc họ phải điều chỉnh, rút dự án song lý do này đáng tiếc không phải là phổ biến.

Hệ lụy người dân gánh…

Với hàng loạt các dự án dang dở như trên, theo ông Mại là đã để lại những hậu quả lớn, khó giải quyết cho các địa phương và cuối cùng người dân phải gánh chịu. Hầu hết các dự án này đều đã cấp đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, có dự án còn đang xây dựng dở dang… Nhà đầu tư xin rút thì đơn giản, còn nếu địa phương rút thì rất nhiều chuyện. Chỉ ví dụ, dự án đã lấy đất của dân giải phóng mặt bằng không nhẽ lại đem trả cho dân?! Hoặc địa phương không dễ dàng tìm được nhà đầu tư khác.

Tại dự án Nhà máy Thép Guang Lian, người dân xã Bình Đông (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã bàn giao 220ha, chiếm tới 70% diện tích đất nông nghiệp toàn xã. Phần lớn bà con nông dân ở xã Bình Sơn bị thu hồi 100% đất sản xuất, sau khi về khu tái định cư đều thiếu việc làm, thiếu đất sản xuất, đời sống khó khăn. Còn hàng trăm ha đất tốn cả trăm tỷ đồng để giải tỏa vẫn chỉ bỏ hoang, thả bò. Tập đoàn E-United đòi tỉnh Quảng Ngãi phải hoàn trả họ 50 triệu USD nếu dự án không tiếp tục xây dựng.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nêu thực tế: Cho đến nay, chúng ta chưa có nghiên cứu nào về hậu quả của các dự án đã cấp nhưng phải rút. Dự án còn trên giấy, chưa triển khai gì thì còn dễ xử lý nhưng các dự án đã đầu tư ít hoặc đã giải phóng mặt bằng là khó có thể giải quyết ngay được.

Ông Doanh cho rằng, để hạn chế tình trạng dự án lớn dang dở này, luật phải chặt, không nên để việc cấp phép thoải mái tiếp tục diễn ra. Chúng ta phải tăng cường năng lực thẩm định dự án, chỉ những nhà đầu tư tiềm năng mới chấp nhận. Ông Nguyễn Mại khuyến nghị Bộ KHĐT phải đưa ra chỉ dẫn cho các dự án tỷ USD bị rút này để các địa phương rút kinh nghiệm. Trước mắt, nên phân các dự án còn đang tồn tại mà chưa xử lý được để có giải pháp giải quyết dứt điểm, không gây khó khăn cho người dân. 

 Theo thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Doanh nghiệp FDI, từ 2006-2010 vốn FDI đổ vào sản xuất thép đạt mức kỷ lục với trên 40 tỷ USD cam kết. Trong đó, 5 siêu dự án chiếm số vốn trên 30 tỷ USD. Nhiều địa phương đã vui mừng, tung hô thành tích khi thu hút được những dự án thép tỷ USD.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN