Hàng loạt công ty nông, lâm nghiệp thua lỗ ngàn tỉ đồng
“Nợ xấu, thua lỗ khiến nhiều doanh nghiệp, công ty nông, lâm nghiệp buộc phải giải thể vì không đủ điều kiện hoạt động”.
Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp vào sáng 14-7 tại Hà Nội.
Thứ trưởng cho biết tổng số lỗ lũy kế của các công ty nông, lâm nghiệp lên tới gần 1.100 tỉ đồng, chiếm 4% vốn chủ sở hữu. Trường hợp lỗ lũy kế lớn nhất được Thứ trưởng Tuấn đề cập là Tổng Công ty 15 - Bộ Quốc phòng (lỗ lũy kế lên tới 334 tỉ đồng). Công ty TNHH MTV Hà Tĩnh lỗ 56 tỉ đồng, Công ty TNHH MTV Cà phê Ia Châm lỗ 52 tỉ đồng, Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Tul lỗ 40 tỉ đồng... Đến nay đã có tám công ty nông nghiệp và hai công ty lâm nghiệp tiến hành giải thể.
Lý giải về việc thua lỗ này, Thứ trưởng Tuấn cho rằng nguyên nhân sâu xa là do gặp khó khăn về việc giải quyết đất đai, lao động và tài sản trên đất, diện tích khoán đất, khoán rừng. Hoặc các doanh nghiệp, địa phương lúng túng trong giải quyết kinh phí, sử dụng tiền từ nguồn cổ phần hóa và nhiều địa phương lúng túng về nguồn ngân sách…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng việc sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp là một chủ trương đúng đắn, tuy nhiên thực tế triển khai lại chậm, chưa đạt yêu cầu. Về việc vướng kinh phí cho hoạt động đo vẽ, cấp giấy chứng nhận, Phó Thủ tướng cho rằng nghị quyết của Chính phủ đã có, trong khi ngân sách trung ương chưa bố trí được thì các tỉnh nên chủ động bố trí ngân sách địa phương để ứng trước. Các địa phương lên kế hoạch cứ ứng trước tài chính để triển khai, tránh chậm trễ như thời gian qua. Một số đơn vị thua lỗ lớn do mất vốn nhà nước, chậm chuyển đổi hoặc chưa chuyển đổi mô hình hoạt động… cũng là vướng mắc khiến quá trình sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp hai năm qua còn chậm.
“Giao Bộ NN&PTNT chủ trì tổ chức thẩm định mô hình sắp xếp, đổi mới cho 251 công ty (117 công ty nông nghiệp, 134 công ty lâm nghiệp) đã được Chính phủ phê duyệt. Còn 14 công ty nông, lâm nghiệp chưa xây dựng phương án hoặc phải xây dựng phương án bổ sung chưa được phê duyệt, trình Chính phủ phê duyệt để gỡ tránh trường hợp lỗ lũy kế, dư nợ xấu ngày càng cao hơn” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu.