Hàng loạt cổ phiếu sắp bị 'khai tử'

Không phải trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết nào nhà đầu tư cũng có nguy cơ mất trắng, song tài sản và quyền lợi của họ sẽ ảnh hưởng không nhỏ, kể cả trường hợp cổ phiếu bị "out" vì công ty sáp nhập vào doanh nghiệp khác.

Theo thông báo từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tháng 7 tới hàng loạt cổ phiếu sẽ bị hủy niêm yết khỏi sàn chứng khoán, do hoạt động sáp nhập công ty.

Những cổ phiếu sẽ “out” khỏi sàn chứng khoán có thể kể ra như cổ phiếu SSS của Công ty CP Sông Đà 6.06 và S64 của Công ty CP Sông Đà 6.04 do sáp nhập với Công ty CP Sông Đà 6. Thời gian hủy niêm yết của 2 cổ phiếu SSS và S64 là ngày 13/7 tới.

Cùng với 2 cổ phiếu trên, từ 17/7 tới cổ phiếu AGC của Công ty CP Cà phê An Giang cũng bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn chứng khoán Hà Nội.

Cổ phiếu AGC hiện đang niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội với mệnh giá siêu rẻ, chỉ trên 1.000 đồng/cổ phiếu. Hồi tháng 5 vừa qua Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đã chính thức đưa cổ phiếu AGC vào diện cảnh báo kể từ ngày 21/5 do Công ty vi phạm nhiều lần quy định về công bố thông tin. Đặc biệt, đến ngày 18/5, công ty vẫn chưa công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán năm 2011.

Trước đó, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM cũng đã công bố huỷ hàng loạt cổ phiếu có mệnh giá siêu thấp niêm yết trên sàn TP HCM như CAD, BAS… Nguyên nhân chính là do các công ty này liên tục thua lỗ nhiều năm liên tiếp.

Theo anh Tùng, Phòng môi giới, Công ty CP chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS), có nhiều trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết khác nhau, nên không phải trường hợp nào nhà đầu tư đang sở hữu cổ phiếu đó cũng mất trắng.

Những trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết trên sàn do công ty niêm yết sáp nhập với công ty khác thì nhà đầu tư yên tâm vẫn giữ được tài sản của mình. Nếu công ty nhận sáp nhập cũng niêm yết trên thị trường chứng khoán, thì trường hợp này sẽ giống như việc Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (mã cổ phiếu HBB) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (mã cổ phiếu SHB) mới đây. Theo đó, nhà đầu tư nếu giữ cổ phiếu của công ty bị sáp nhập thì sẽ được chuyển sang sở hữu cổ phiếu của công ty nhận sáp nhập, theo tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu mà thương vụ mua bán, sáp nhập đưa ra. Kể cả nhà đầu tư đang giữ cổ phiếu của công ty nhận sáp nhập thì số lượng và thị giá của cổ phiếu này cũng sẽ thay đổi.

Hàng loạt cổ phiếu sắp bị 'khai tử' - 1

Hàng loạt cổ phiếu sẽ bị hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán tập trung từ tháng 7 tới

Nếu công ty nhận sáp nhập không niêm yết trên thị trường chứng khoán, thì nhà đầu tư đang sở hữu cổ phiếu của công ty bị sáp nhập sẽ được chuyển sang sở hữu cổ phần của công ty nhận sáp nhập, hoặc sở hữu cổ phiếu của công ty nhận sáp nhập trên thị trường OTC.

Quay trở lại với trường hợp Công ty CP Sông Đà 6.06 (SSS) và Công ty CP Sông Đà 6.04 (S64) sáp nhập với Công ty CP Sông Đà 6 (SD6), trong Nghị quyết Đại hội cổ đông thường niên năm 2012 diễn ra mới đây đã thông qua phương án sáp nhập này. Theo đó, tỷ lệ hoán đổi cổ phần S64 và SD6 là 1:0,9 (nghĩa là 1 cổ phiếu S64 đổi lấy 0,9 cổ phiếu SD6) và tỷ lệ hoán đổi cổ phần SSS và SD6 cũng là 1:0,9 (1 cổ phiếu SSS đổi lấy 0,9 cổ phiếu SD6).

Mặc dù các nhà đầu tư đang sở hữu cổ phiếu sắp bị hủy niêm yết do sáp nhập doanh nghiệp không mất đi tài sản của mình, song họ vẫn bị ảnh hưởng không nhỏ do việc sáp nhập này. Cụ thể trường hợp của SSS và S64 sáp nhập vào SD6, tổng số cổ phần Công ty CP Sông Đà 6 phải phát hành thêm là 1,71 triệu đơn vị, tương ứng tăng vốn điều lệ của Công ty CP Sông Đà 6 thêm 17,1 tỷ đồng. Việc này gây rủi ro vì pha loãng cổ phần, làm thay đổi chỉ số EPS của cổ phiếu trong ngắn hạn.

Chuyên gia chứng khoán độc lập Phạm Kinh Luân phân tích thêm, với trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết do công ty làm ăn thua lỗ 3 năm liên tiếp, nhà đầu tư chưa hẳn đã trắng tay nếu công ty vẫn tiếp tục hoạt động. Nhà đầu tư đang giữ cổ phiếu của công ty nghĩa là họ là chủ sở hữu một phần của công ty đó theo Luật Doanh nghiệp 2005. Nếu các năm sau đó, công ty làm ăn có lãi thì nhà đầu tư sẽ được chia cổ tức theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông. Còn nếu công ty vẫn thua lỗ thì vốn của nhà đầu tư mất dần. Nhà đầu tư muốn bán cổ phiếu nếu tìm được đối tác có ý định mua lại thì vẫn thực hiện được, nhưng hơi khó so với việc cổ phiếu còn niêm yết trên thị trường tập trung hoặc OTC, vì khi giao dịch mua bán hoàn toàn thực hiện qua Trung tâm lưu ký, hợp đồng chuyển nhượng phải được công chứng tại các phòng công chứng.

“Trên lý thuyết là vậy nhưng thực tế, một khi cổ phiếu đã bị hủy niêm yết do công ty làm ăn thua lỗ thì tài sản của nhà đầu tư xem như cũng chỉ còn là đống giấy lộn. Bởi nếu cần tiền ngay họ không thể bán để lấy tiền như khi cổ phiếu niêm yết trên thị trường tập trung được. Khi kinh tế khó khăn như hiện nay, rất ít công ty thua lỗ nhiều năm mà vực dậy được. Kể cả trường hợp công ty làm ăn có lãi sau khi bị hủy niêm yết thì nhà đầu tư giữ cổ phiếu của công ty này cũng chỉ được hưởng cổ tức – một số tiền rất nhỏ so với tổng giá trị cổ phiếu mà họ nắm giữ. Còn bán cho người khác? Có “mò kim đáy bể” cũng không tìm được người mua, trừ khi có doanh nghiệp, đại gia nào đứng ra thâu tóm công ty đó”, ông Luân nói.

Trường hợp công ty phá sản, ngừng hoạt động thì nhà đầu tư mất trắng. Năm 2011 thị trường chứng khoán từng chấn động khi Công ty CP Dược Viễn Đông (mã cổ phiếu DVD) phá sản, gần 2.000 cổ đông của DVD đối mặt với nguy cơ trắng tay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đông Nhiên (Báo Đất Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN