"Hàng loạt cao ốc "bóp nghẹt" nội đô Sài thành: Vì đâu nên nỗi?
Nhiều dự án nhà cao tầng "chạy trước" hạ tầng kỹ thuật và các tiện ích công cộng... tạo nên một quy trình ngược, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn.
Tính đến cuối năm 2016, theo thống kê, trên địa bàn TP.HCM còn tới 36 điểm kẹt xe. Tuy nhiên, theo nhận định, tình hình kẹt xe ngày càng phức tạp do nhiều yếu tố. Và việc các dự án nhà cao tầng đua nhau mọc lên là một trong những nguyên nhân được cho là quan trọng nhất.
Điều đáng nói là các dự án này lại “chạy trước” khi hạ tầng kỹ thuật và các tiện ích công cộng... đang nằm trên giấy. Các chuyên gia cho rằng, đây là quy trình ngược và thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn.
Về vấn đề này, đại biểu HĐND TP.HCM Tô Thị Bích Châu đặt vấn đề: “Tôi lấy ví dụ, cho phép 2 trung tâm thương mại xây dựng nhưng cùng nằm gần một giao lộ khiến khu vực này thường xuyên kẹt xe, nhất là giờ cao điểm thì đó là điều bất hợp lý. Tình trạng này cũng đang trở thành vấn nạn của TP. Vậy, việc cấp phép xây dựng trong nội đô, đặc biệt là xây dựng các trung tâm thương mại có được sở Xây dựng tính toán hay không?”.
Một điểm nóng trên địa bàn quận 3, 10.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Dũng, giảng viên trường đại học Công nghệ TP.HCM cho rằng: “Đương nhiên, khi cấp phép xây dựng, cơ quan chức năng phải đánh giá những tác động của dự án đó đến khu vực như: Dân số, hạ tầng giao thông, kỹ thuật... Tuy nhiên, các yếu tố này đã bị bỏ qua ở nhiều khu vực trên địa bàn TP.
Tôi lấy ví dụ, con đường Phổ Quang, dù rất nhỏ nhưng vẫn được cấp phép hàng loạt dự án nhà chọc trời. Chỉ cần mỗi gia đình có 4 người ở, 2 chiếc xe gắn máy cộng thêm một nửa trong số này có ô tô thì chuyện kẹt xe là điều bình thường.
Hơn nữa, việc này không chỉ gây kẹt cục bộ tại con đường này mà còn dẫn tới tình trạng ùn ứ, kẹt xe nghiêm trọng tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Người dân có quyền đặt câu hỏi liệu có lợi ích nhóm hay không?”.
Trong khi đó, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn lại nhận định: “Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do quy trình việc cấp phép xây dựng đang bị đảo ngược. Bởi khi cấp phép các dự án mà không hề thấy có các tuyến đường đủ rộng, tuyến giao thông công cộng, bệnh viện, trường học... Thông thường các công trình này chỉ nằm trên giấy, dẫn tới một đô thị quá tải và hỗn độn”.
Một lãnh đạo sở Giao thông Vận tải TP.HCM chia sẻ: “Trong việc lấy ý kiến góp ý về quy hoạch dự án nhà ở, cao ốc, Sở không được tham gia, do thủ tục không có yêu cầu vì sợ kéo dài thời gian. Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư mới mời Sở tham gia góp ý về giao thông từ phạm vi dự án kết nối đến hệ thống giao thông hiện hữu ở ngoài dự án. Do đó, các giải pháp chống ùn tắc giao thông đã vỡ trận khi các dự án này mọc lên”.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc sở Xây dựng TP.HCM cũng thừa nhận: “Hiện đang có bất cập là các dự án nhà cao tầng đi trước các dự án hạ tầng, kỹ thuật. Đây là quy trình ngược. Lẽ ra chúng ta phải đầu tư các dự án hạ tầng trước rồi mới cấp phép cho nhà cao tầng.
Trong thời gian tới, sở Xây dựng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để đảm bảo sự kết nối, thống nhất hạ tầng khu vực, phát triển nhà ở phải gắn với kế hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật, xã hội”.