Hẩm hiu nghề kim hoàn!

Ngành vàng nữ trang vốn phát triển nhỏ lẻ, nay với những chính sách quản lý siết chặt khiến nghề kim hoàn ở TP HCM lao đao. Thợ kim hoàn bỏ nghề đi chạy xe ôm, làm bảng hiệu…

Chưa bao giờ việc sản xuất, buôn bán vàng trang sức khó khăn, ế ẩm như thời gian này là cảm nhận chung của nhiều doanh nghiệp (DN). Sau thời gian dài “làm mưa làm gió”, thị trường vàng trong nước đã ổn định trở lại nhờ hàng loạt chính sách siết chặt quản lý của cơ quan nhà nước, gần đây nhất là Thông tư 22 về quản lý chất lượng vàng trang sức. Song, ngoài mặt tích cực, thông tư này cũng khiến DN trong ngành đối mặt nhiều khó khăn.

Thu hẹp sản xuất, bỏ nghề

Nói về ngành kim hoàn thời điểm này, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TP HCM, cho biết nhu cầu thị trường rất yếu, DN sản xuất cầm chừng với sản lượng rất thấp và thị trường rất ảm đạm. Cách đây không lâu, khi đi khảo sát hoạt động của hội viên trên địa bàn, ông Dưng đến một DN sản xuất vàng trang sức trên đường Cây Keo (quận Thủ Đức) và bất ngờ vì xưởng kim hoàn hơn 150 công nhân đã đóng cửa từ bao giờ.

Hẩm hiu nghề kim hoàn! - 1

Một trung tâm kinh doanh vàng trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1, TP HCM) vắng khách

Hàng chục DN sản xuất vàng trang sức nhỏ và siêu nhỏ trên địa bàn TP HCM cũng chịu chung số phận, chuyển nghề hoặc ngừng hoạt động khi sản xuất không bù nổi chi phí. Mới đây, Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ yêu cầu sản phẩm vàng trang sức khi đưa ra thị trường phải công bố tiêu chuẩn hàm lượng, chất lượng và bán đúng giá công bố. Đây là yêu cầu đúng nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. “Tuy nhiên, sau khi thông tư ra đời, nhiều DN chỉ sản xuất cầm chừng vì hàng không bán được hoặc ngừng hẳn vài tháng để nghe ngóng; còn DN kinh doanh cũng lấy hàng rất ít vì ế ẩm. Thị trường vàng trang sức thời gian này ảm đạm lắm…” - ông Dưng nói.

Theo giải thích của ông Dưng, nếu DN tính mọi chi phí hao hụt trong quá trình chế tác vào tiền công sẽ đẩy giá thành lên cao, người tiêu dùng không chấp nhận. Còn DN vẫn làm theo cách cũ, đưa chi phí hao hụt vào việc hạ tuổi vàng thì sẽ bán được hàng nhưng vi phạm Thông tư 22 và bị xử phạt rất nặng.

Không phải đến khi có Thông tư 22, DN trong ngành kim hoàn mới khó khăn. Kể từ khi Nghị quyết 11 của Chính phủ được áp dụng vào đầu năm 2011 - siết chặt hoạt động tín dụng để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô - ngành kim hoàn cũng không đứng ngoài sự tác động. Kinh tế khó khăn, người dân càng bớt mua sắm, nhất là vàng trang sức. Trước đây, phần lớn DN kinh doanh vàng trang sức đều bán cả vàng miếng. Mỗi lần giá vàng biến động, người dân lẫn DN đều mua bán lướt sóng làm thị trường nhộn nhịp. Sau đó, với Nghị định 24 áp dụng từ tháng 4-2012, hàng ngàn DN không đủ điều kiện bán vàng miếng đã bị loại bỏ.

“Hiện có 50%-70% thợ kim hoàn đã bỏ nghề hoặc bỏ xưởng gia đình chuyển sang làm công. Giờ chỉ cần có DN đăng mẩu tin tuyển thợ kim hoàn, thợ bạc là chỉ một ngày, giám đốc DN đó sẽ nhận 100-200 cuộc gọi xin việc. Nghề kim hoàn bây giờ bạc lắm, không bằng lương của phụ hồ, bốc vác” - ông Trần Hải, chủ DN sản xuất vàng Hải Nguyên (quận 5), cho biết.

Phố vàng hết rộn ràng

Nhiều người lâu nay đã biết tới các “phố vàng” mua bán nhộn nhịp tại TP HCM như Lê Thánh Tôn - chợ Bến Thành, khu vực chợ An Đông, chợ Thiếc, chợ Vườn Chuối… nhưng giờ người bán nhiều hơn người mua.

Chủ một tiệm vàng trong Trung tâm Mua bán vàng Agribank (đường Lê Thánh Tôn) cho biết từ khi hoạt động mua bán vàng miếng bị siết chặt, thị trường đã vắng vẻ. Nay, Thông tư 22 siết luôn vàng trang sức, có khi cả tuần tiệm không bán được món hàng nào. “Thế nhưng, DN vẫn phải trả đủ tiền thuế, chi phí mặt bằng, nhân công, chi phí quản lý… Người trụ được đến giờ là do trước đây “có ăn”, nay cái nghề, cái nghiệp phải giữ chứ thật sự nói đến ngành vàng không mấy người còn ham nữa” - vị này nói.

Nhiều DN cho biết thời điểm sôi động của thị trường vàng gắn liền với giai đoạn trước năm 2000. Thời điểm đó, các DN sản xuất, kinh doanh hoạt động có lời, người dân làm ăn được nên mua bán, trao đổi vàng rất nhộn nhịp. Ông Dưng tiếc nuối: “Lúc đó, tôi có xưởng sản xuất vàng trang sức, thợ làm cả ngày lẫn đêm không kịp hàng giao cho khách. Vừa mở cửa buổi sáng là khách đã xếp hàng mua, có lúc không kịp ăn cơm trưa. Bây giờ kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, bớt mua sắm và vàng trở thành món hàng xa xỉ. 34 năm trong nghề, chưa bao giờ tôi thấy ngành kim hoàn khó khăn như hiện nay”.

Khó tiếp cận vốn ngân hàng

Một trong những khó khăn hiện nay của DN sản xuất, kinh doanh vàng là không được vay vốn ngân hàng để hoạt động. Từ sau khi có Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước không chỉ siết hoạt động kinh doanh vàng miếng mà còn siết luôn việc DN tiếp cận vốn ngân hàng.

Theo Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TP HCM, các DN hoạt động chủ yếu dựa vào vốn tự có nên quy mô nhỏ, không thể phát triển mạnh. Ngay cả nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vàng trang sức cũng trôi nổi trên thị trường, chưa DN nào được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Rất nhiều lần, hội gửi văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và cơ quan quản lý nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Do đó, Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TP HCM kiến nghị cần sớm tháo gỡ quy định này để DN có thể tiếp cận vốn ngân hàng, tiếp tục hoạt động.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN