Ham CK, đại gia ngoại lỗ trăm triệu đô

Là những tổ chức đầu tư danh tiếng và chuyên nghiệp, nhưng NĐT nước ngoài vẫn không tách khỏi những thương vụ thua đau trên TTCK.

Khoản đầu tư vào Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank, mã HBB) của Deustche Bank Aktiengesellschaf (DB) chỉ là một trong nhiều khoản đầu tư thua lỗ lớn của khối này.

DB ước lỗ gần 535 tỷ đồng

Từ cuối năm 2007, DB đã thực hiện mua 140 tỷ đồng mệnh giá cổ phiếu Habubank để trở thành cổ đông chiến lược nắm 10% vốn của Habubank (lúc đó Ngân hàng tăng vốn từ 1.260 tỷ đồng lên 1.400 tỷ đồng). Mức giá mua vào của DB không được công bố chính xác, nhưng tính toán của PV cho thấy, con số này khoảng 56.000 đồng/cổ phiếu. Điều này tương đương với việc DB đã phải chi 784 tỷ đồng để sở hữu 14 triệu cổ phiếu Habubank tại thời điểm cuối năm 2007.

Trong năm 2007, Habubank thực hiện chia thưởng cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 28% vốn điều lệ) và chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 14,85% (riêng DB mua thêm 10.000 cổ phiếu để đảm bảo tỷ lệ sở hữu 10% vốn điều lệ). Với hai nghiệp vụ này, vốn điều lệ của Habubank đã tăng lên mức 2.000 tỷ đồng, sở hữu của DB tại Ngân hàng là 200 tỷ đồng mệnh giá, với tổng chi phí vốn ước gần 805 tỷ đồng.

Năm 2008, Habubank tăng vốn điều lệ lên 2.800 tỷ đồng bằng chia thưởng cổ phiếu tỷ lệ 40% vốn điều lệ, chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 20% vốn điều lệ. Đến cuối năm 2008, số cổ phần DB sở hữu tại Habubank tăng lên 280 tỷ đồng mệnh giá, nhưng giá vốn giảm về gần 765 tỷ đồng.

Năm 2009, Ngân hàng tiếp tục tăng vốn lên mức 3.000 tỷ đồng bằng chia thưởng cổ phiếu tỷ lệ 2,321% vốn điều lệ và phát hành thêm tỷ lệ 4,821%, chi trả cổ tức tỷ lệ 10% vốn điều lệ. Với 3 nghiệp vụ này, số cổ phần của DB tại Habubank tăng lên thành 300 tỷ đồng mệnh giá, giá vốn khoản đầu tư giảm còn 750 tỷ đồng.

Ham CK, đại gia ngoại lỗ trăm triệu đô - 1

Nếu lựa chọn cách hạch toán theo giá thị trường, DB sẽ ghi nhận khoản lỗ đầu tư vào HBB ước gần 535 tỷ đồng

Các năm 2010 - 2011, Habubank không phát hành cổ phiếu tăng vốn cho cổ đông hiện hữu, nhưng có phát hành trái phiếu chuyển đổi và chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ chi trả cổ tức là 20% tính tổng cho 2 năm 2010 và 2011, trên vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Như vậy, giá vốn 300 tỷ đồng mệnh giá cổ phiếu Habubank của DB nắm giữ giảm về xấp xỉ 690 tỷ đồng.

Năm 2011, Habubank thực hiện chuyển đổi cổ phiếu cho trái chủ sở hữu trái phiếu chuyển đổi phát hành năm 2010. Giá chuyển đổi cổ phiếu là 10.000 đồng. Không có báo cáo thay đổi số cổ phần sở hữu của DB, nhưng nếu DB vẫn giữ 10% vốn điều lệ của Habubank đến thời điểm hiện tại, thì tổng giá trị tính theo mệnh giá cổ phiếu HBB của DB là 405 tỷ đồng, giá vốn là 795 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu HBB đóng cửa ngày 11/5/2012 là 6.200 đồng/CP. Như vậy, nếu lựa chọn cách hạch toán theo giá thị trường, DB sẽ ghi nhận khoản lỗ đầu tư vào HBB ước gần 535 tỷ đồng, tức tỷ lệ thua lỗ hơn 67%, sau hơn 4 năm trở thành cổ đông chiến lược của Habubank.

Những khoản thua lỗ “khủng” khác

Quá khứ tăng vốn của Habubank cho thấy, lựa chọn đầu tư của DB không sai, nếu như không có “sự cố” mang tên Vinashin; nếu như quản trị rủi ro của Habubank tốt hơn. Con số thua lỗ ước tính 535 tỷ đồng của DB là ghi nhận theo giá thị trường tại thời điểm này. DB có thể mất nhiều hơn nếu tính theo giá cổ phiếu HBB cách đây ít tháng, hoặc Habubank không có lối thoát cho bài toán thanh khoản. Phương án sáp nhập với Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) được kỳ vọng giúp cổ đông Habubank nói chung, DB nói riêng có cơ hội giảm dần mức thua lỗ.

Nhiều quỹ đầu tư có những khoản đầu tư nếu hạch toán theo giá thị trường sẽ phải ghi nhận lỗ lớn. Thương vụ đầu tư vào cổ phiếu DVD của Dược phẩm Viễn Đông đã khiến 2 NĐT ngoại là BI Private Equity New Market II K/S lỗ khoảng 170 tỷ đồng và Deutsche Bank lỗ chừng 45 tỷ đồng. Đây vẫn là kết quả may mắn của 2 cổ đông này, khi họ đã kịp thoát khỏi DVD từ khi giá cổ phiếu này ở mức trên 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu để chậm hơn, khi DVD bị hủy niêm yết, thì 2 cổ đông này sẽ phải hứng chịu tình trạng chung với các cổ đông khác, là ghi nhận khoản mất trắng từ đầu tư vào DVD.

Đầu năm 2008, Morgan Stanley chi ra 271 triệu USD để trở thành cổ đông chiến lược của Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC, mã PVF), sở hữu 10% vốn điều lệ (50 triệu cổ phần). Thế nhưng, sau hơn 4 năm sở hữu cổ phiếu PVF, giá thị trường khoản đầu tư này chỉ còn 936 tỷ đồng, tương đương… 45 triệu USD (PVFC đã chia thưởng bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 20% vốn điều lệ). Tất nhiên, việc trở thành cổ đông của PVFC đối với Morgan Stanley có thể không chỉ là vấn đề tài chính, mà là những quyền lợi đi kèm khác, như quyền được cung cấp các dịch vụ tài chính cho hệ thống doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nhưng trên báo cáo, khoản lỗ lên tới gần 230 triệu USD là con số rất lớn.

Một trường hợp khác là Công ty Quản lý đầu tư Vinacapital đã thực hiện mua 10% vốn điều lệ của CTCP Tập đoàn Thái Hòa (THV) cho Quỹ Vietnam Opportunity Fund Limited (VOF) từ cuối năm 2010. Bản cáo bạch của THV không đề cập đến vai trò cổ đông lớn của VOF, nhưng tìm kiếm trên website của Vinacapital, những người quan tâm vẫn thấy công ty này ghi nhận khoản đầu tư 10% vốn điều lệ của THV vào VOF. Không có thông tin chi tiết về giá mua, nhưng giả thiết mức giá mua vào bằng mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu), thì với vốn điều lệ 577 tỷ đồng của THV, số tiền mà VOF bỏ vào có thể lớn hơn 57 tỷ đồng. Không phải là con số quá lớn so với giá trị tài sản 754 triệu USD (hết quý I/2012), nhưng đây là khoản đầu tư thất bại của VOF, khi giá cổ phiếu THV đến cuối tuần qua chỉ còn 2.900 đồng/CP.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bùi Sưởng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN