Hai mặt của chính sách hạ tỷ giá trong nền kinh tế TG

Kịch bản một cuộc chiến tỷ giá toàn cầu, trong đó các quốc gia đua nhau hạ giá đồng nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu như một số nhà kinh tế dự đoán là điều gần như không thể xảy ra. Lý do, bản thân chính sách hạ tỷ giá đó cũng có hai mặt hoàn toàn khác nhau.

Hai mặt của chính sách hạ tỷ giá trong nền kinh tế TG - 1

Năm 2016 có lẽ sẽ là một năm có nhiều biến động nhất đối với các đồng tiền chủ chốt trên thế giới kể từ thời điểm đầu thế kỷ 21 cho đến nay. Chưa khi nào lại có nhiều đồng tiền chủ chốt trên thế giới có sự biến động lớn đồng thời lại diễn ra theo những chiều hướng trái ngược nhau đến thế. Khi mà đồng nội tệ của Brazil, Nam Phi và Nga trong nhóm 5 nền kinh tế mới nổi BRICS là 3 đồng tiền có mức tăng giá lớn nhất kể trong 7 tháng đầu năm, trong đó đồng rúp Nga thấp nhất cũng tăng giá tới 14%, thì các đồng tiền quan trọng khác như yen Nhật hay euro lại hạ giá rất mạnh.

Sự biến động lớn theo những cách trái ngược nhau của các đồng tiền quan trọng này đang chỉ ra một thực tế rằng, mỗi quốc gia đang điều chỉnh chính sách tỷ giá dựa vào tình trạng riêng của nền kinh tế của quốc gia đó. Vì thế kịch bản một cuộc chiến tỷ giá toàn cầu trong đó các quốc gia đua nhau hạ giá đồng nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu như một số nhà kinh tế dự đoán là điều gần như không thể xảy ra. Lý do, bản thân chính sách hạ tỷ giá đó cũng có hai mặt hoàn toàn khác nhau.

Dễ dàng hiểu được lý do vì sao trong khi đồng yen và euro hạ giá mạnh kể từ đầu năm như những nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu của chính phủ của hai nền kinh tế này, thì tại các nền kinh tế lớn khác như Brazil, Nam Phi hay Nga điều tương tự lại không diễn ra, thậm chí lại đi theo hướng trái ngược hoàn toàn. Trong 7 tháng đầu năm 2016, đồng nội tệ của 3 quốc gia nằm trong nhóm BRICS kể trên là 3 đồng tiền có mức tăng giá lớn nhất thế giới, với đồng rúp ở vị trí thứ 3 với mức tăng cũng lên tới 14%.

Về lý thuyết, khi các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Nhật Bản hay Liên minh châu Âu (EU) hạ tỷ giá đồng tiền của mình để thúc đẩy xuất khẩu, thì các nền kinh tế mới nổi quy mô lớn như nhóm BRICS cũng phải làm điều tương tự, nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Lý do chủ yếu là vì cả Brazil, Nam Phi lẫn Nga đều đang gặp vấn đề với nguy cơ khủng hoảng kinh tế và nạn lạm phát rất cao, buộc chính phủ các nước này phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Khi kinh tế vĩ mô chưa ổn định, thì tăng lãi suất để nâng giá đồng nội tệ và chống lạm phát quan trọng hơn nhiều so với việc hạ tỷ giá vốn là việc tương đương với ý định tự sát.

Tuy nhiên, ngay cả với những nền kinh tế lớn không phải đối mặt với nguy cơ lạm phát cao như Trung Quốc, chính sách hạ tỷ giá cũng không được thúc đẩy một cách liên tục dù xuất khẩu của nước này trong năm 2016 đã giảm sút khá nhiều, và việc giữ nguyên tỷ giá đồng nhân dân tệ đang khiến Trung Quốc gặp nhiều bất lợi hơn so với Nhật Bản đã hạ giá đồng yen một cách khá mạnh tay.

Tương tự, cũng không có nhiều nền kinh tế trên thế giới theo đuổi chính sách hạ tỷ giá để cạnh tranh về mặt xuất khẩu theo gương Nhật Bản hay EU như nhiều nhà kinh tế đã dự đoán. Nguyên nhân chủ yếu của thực tế này là vì lợi ích của chính sách hạ tỷ giá đồng nội tệ đã không còn lớn như trước nữa. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) thì hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của việc hạ tỷ giá đồng nội tệ ở thời điểm hiện tại chỉ còn bằng một nửa so với giai đoạn 2004-2012.

Có nhiều lý do giải thích vì sao lợi ích của việc hạ tỷ giá để thúc đẩy xuất khẩu đã không còn lớn như trước, khiến cho nhiều quốc gia kể cả Trung Quốc đã không còn quá chú ý đến chính sách này. Hạ tỷ giá đồng nội tệ có thể khiến cho hàng nhập khẩu tăng giá, trực tiếp tác động tới các ngành sản xuất lắp ráp, ngoài ra nó cũng khiến cho nhu cầu tiêu dùng nội địa sụt giảm, trong khi đó các ngành sản xuất công nghệ cao như công nghệ thông tin hay dược phẩm và dịch vụ, giải trí lại không có nhiều lợi ích từ việc hạ tỷ giá, vì phần lớn giá trị của các ngành này nằm ở hàm lượng sở hữu trí tuệ. Với một nền kinh tế đang dịch chuyển mô hình từ xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa, và muốn tiến lên các bậc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu với các ngành sản xuất công nghệ cao mà Trung Quốc là một điển hình, thì rõ ràng việc hạ tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu là hại nhiều hơn lợi, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang trì trệ khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa trên thế giới giảm đi đáng kể. Nói cách khác, về lý thuyết thì hạ tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu chỉ có tác dụng với các nền kinh tế có tỷ trọng gia công lắp ráp lớn và phụ thuộc lớn vào xuất khẩu mà thôi, điển hình là các quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á hoặc chính Trung Quốc cách đây vài năm.

Tuy nhiên, một thực tế là các quốc gia sử dụng chính sách hạ tỷ giá một cách thường xuyên và triệt để nhất lại là các nền kinh tế phát triển nhất thế giới, như Nhật Bản hay EU. Cả hai nền kinh tế này đều đang áp dụng chính sách lãi suất âm với các chương trình mua trái phiếu có quy mô lớn một cách thường xuyên của hai ngân hàng trung ương ở đây. Lý do là vì việc hạ tỷ giá đem lại nhiều lợi ích cho hai nền kinh tế này nhiều hơn là đơn thuần chỉ tăng trưởng về xuất khẩu. Đối với những công ty quy mô trung bình thì lợi ích từ việc hạ tỷ giá đồng yên đối với xuất khẩu không thực sự đáng kể, nhưng với những tập đoàn xuất khẩu khổng lồ của Nhật Bản như Toyota hay Panasonic thì lại hoàn toàn khác. Theo tính toán, nếu tỷ giá đồng yen/USD tăng, thì cứ mỗi 1 yen tăng thêm thì Toyota sẽ phải chịu một khoản sụt giảm lợi nhuận xuất khẩu lên tới 40 tỉ yen/năm (tương đương 400 triệu USD), còn khoản sụt giảm lợi nhuận với Panasonic là khoảng 1 tỉ yen/năm.

Nhưng, những lợi ích mà chính sách hạ tỷ giá đem lại cho kinh tế Nhật Bản hay cả EU còn lớn hơn thế khá nhiều. Đồng nội tệ giảm giá có thể kích thích lạm phát do các sản phẩm nhập khẩu tăng giá, đây là điều rất cần thiết đối với các nền kinh tế đang phải đối mặt với nguy cơ giảm phát như Nhật Bản hay EU. Ngoài ra, một đồng tiền yếu cũng có tác dụng tạm thời ngăn cản xu hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài để đến các thị trường có chi phí rẻ hơn của các công ty nội địa, qua đó làm giảm tình trạng thất nghiệp và gia tăng sức sản xuất trong nền kinh tế quốc nội. Dĩ nhiên, hiệu quả của chính sách này đến đâu còn phải phụ thuộc vào sự khéo léo của các chính phủ trong việc điều hành nền kinh tế. Nhật Bản đã theo đuổi các chính sách nói trên như một phần của chương trình Abenomics suốt 3 năm qua nhưng vẫn chưa đạt được thành công đáng kể; điều tương tự cũng xảy ra với EU, khi đồng euro đã mất khoảng 30% giá trị so với đồng USD kể từ năm 2011 đến nay mà nền kinh tế của Liên minh châu Âu hiện vẫn chưa khá khẩm hơn là bao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhàn Đàm (Một thế giới/ Bloomberg, Reuters)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN